21/12/2014 05:20 GMT+7

Phải đổi mới cách tổ chức đại hội TDTT toàn quốc

T.PHÚC - SĨ HUYÊN
T.PHÚC - SĨ HUYÊN

TT - Dù cho rằng cần phải duy trì Đại hội TDTT toàn quốc nhưng giới chuyên môn đều khẳng định phải đổi mới cách tổ chức để đại hội đáp ứng các tiêu chí tuyên truyền toàn dân rèn luyện sức khỏe, tìm kiếm và đào tạo VĐV đỉnh cao VN...

Và đây là ý kiến các chuyên gia, HLV.

* Ông MAI BÁ HÙNG (phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM):

Nên chia nhỏ để không lãng phí cơ sở vật chất

Một vấn đề người dân quan tâm chính là kinh phí tổ chức quá lớn. Do đó, ở các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc sắp tới, chúng ta cần phải thay đổi hình thức tổ chức.

Theo ghi nhận của tôi, thể thao quốc tế đang có khá nhiều đại hội như: Đại hội thể thao biển, Đại hội thể thao trí tuệ, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật, Á vận hội... Vậy thì tại sao chúng ta không chia nhỏ Đại hội TDTT toàn quốc theo tiêu chí trên cho phù hợp. Việc chia thành nhiều đại hội nhỏ sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều bởi không cần xây công trình mới mà chỉ cần tu sửa cơ sở vật chất nhỏ - vừa hiện có và tạo điều kiện cho nhiều địa phương tham gia tổ chức.

Đồng thời, chúng ta cần đặt nặng vấn đề kêu gọi tài trợ thay vì phụ thuộc ngân sách nhà nước. Dù điều này rất khó nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi, chúng ta hoàn toàn làm được nếu biết cách đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ, tạo quyền lợi tương xứng cho nhà tài trợ. Tại sao không nghĩ đến chuyện bán vé?! Khán giả sẽ mua nếu họ cảm thấy được “phục vụ” tốt. Một việc cũng cần phải đặt nặng là công tác truyền thông, quảng bá để giới thiệu ngôi sao, kết hợp giải trí thu hút khán giả.

* Ông NGUYỄN HỒNG MINH (nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT):

Tổ chức theo kiểu cũ khiến tiêu cực nảy sinh

Trước đây, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, bốn kỳ đại hội đầu tiên đáp ứng khá tốt những tiêu chí ban đầu của Đại hội TDTT toàn quốc là tuyên truyền toàn dân rèn luyện sức khỏe, tìm kiếm và đào tạo VĐV đỉnh cao VN... Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta phải duy trì Đại hội TDTT toàn quốc trong tương lai nhưng vấn đề là phải đổi mới cách tổ chức.

Tuy nhiên, cách thức tổ chức đại hội theo kiểu cũ như hiện nay khiến tiêu cực nảy sinh. Chẳng hạn, điều lệ đại hội thiếu chặt chẽ khiến nhiều VĐV, HLV bị “lôi kéo bằng tiền” mà cơ quan điều hành không quản lý nổi. Chẳng hạn việc nhiều địa phương không có chương trình đào tạo VĐV trong bốn năm mà chỉ “vắt giò” chạy tìm người khi đại hội gần kề. Điều này dẫn đến thành tích ảo và không đánh giá đúng thực lực lẫn quá trình đào tạo VĐV của các địa phương.

Mặt khác, nhiều địa phương “dùng” đại hội để xin ngân sách xây công trình lớn. Sau đại hội lại không có mục tiêu xa, không có kế hoạch khai thác, chưa phục vụ tốt cho dân sinh dẫn đến lãng phí. Ngoài ra, theo tôi, nên áp dụng việc tính điểm xếp hạng các đoàn tham dự đại hội thay vì chỉ hoàn toàn phụ thuộc bảng tổng sắp huy chương như hiện nay.

* Ông HỒ VIỆT (giám đốc Trung tâm TDTT Q.Thủ Đức, nguyên HLV trưởng đội tuyển bơi lội TP.HCM):

Khống chế số lượng nội dung thi cá nhân

Bệnh thành tích trong thi đấu thể thao ở nước ta đã có từ rất lâu. Trở về từ một đại hội thể thao quốc gia mà không có thành tích tương xứng để báo cáo thì rất khó cho việc xin duyệt cấp kinh phí để duy trì, huấn luyện nâng cao. Từ đây, các địa phương, các HLV đều phải làm bằng mọi cách để VĐV của mình, bộ môn của mình có huy chương. Đó là chưa kể việc đi thuê, mượn VĐV từ nơi khác về đầu quân. Đây là một trong những vấn nạn của thể thao nước nhà cần phải nhanh chóng chấn chỉnh.

Về chuyên môn, tôi cho rằng thành tích đoạt tới 18 HCV, trong đó có 17 HCV cá nhân của tay bơi Ánh Viên là đáng trân trọng. Đây không phải là thành tích cá biệt bởi hơn chục năm trước chúng ta từng có Kiều Oanh rồi Kim Tuyến (đều của TP.HCM) từng đoạt không dưới 13 HCV ở một kỳ đại hội. Trong xu thế hội nhập, những nhà tổ chức luôn khuyến khích VĐV thi đấu tối đa các nội dung mà người đó có thể đoạt thành tích cao, bằng chứng là việc tay bơi Michael Phelps (Mỹ) dự bơi gần chục nội dung ở Olympic.

Dù vậy, với VN, đã đến lúc các nhà quản lý cần phải tính toán lại việc này bằng cách quy định mỗi VĐV chỉ được phép thi đấu tối đa bao nhiêu nội dung để không làm thui chột tài năng của các địa phương khác. Như hiện tại, chỉ cần thấy Ánh Viên xuất hiện thì nhiều VĐV khác sẽ nản lòng vì không còn cửa tranh HCV với Ánh Viên. Và khi VĐV đánh mất ý chí, mất niềm tin thì rất khó để tìm lại chính mình.

Có làm công tác thể thao phong trào mới cảm nhận được sự thiếu thốn, bất cập của HLV và VĐV khi phải tập luyện trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề. Vì vậy, nhìn những nhà thi đấu nguy nga, được xây dựng hàng loạt ở các đại hội, tôi tự hỏi: Sau khi xong Đại hội TDTT toàn quốc, những công trình hàng ngàn tỉ đồng này sẽ được duy tu, bảo dưỡng hay tổ chức thi đấu như thế nào để phát huy hết công năng? Nếu không trả lời được câu hỏi này, đó sẽ là sự lãng phí rất lớn.

* Ông NGUYỄN ĐÌNH MINH (HLV điền kinh đội tuyển quốc gia tổ cự ly ngắn):

Chốt thời điểm tổ chức đại hội

Thay vì tổ chức tại một địa phương như từng làm trong quá khứ, không biết vì sao đại hội lần này lại diễn ra trên nhiều địa phương gây nhiều khó khăn cho việc di chuyển, quản lý, không thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ. Đã vậy, thời tiết lạnh lẽo khắc nghiệt của mùa đông miền Bắc càng khiến VĐV không phát huy được tối đa năng lực của mình.

Tại sao đại hội không tổ chức vào một thời điểm thích hợp nhất về thời tiết mà cứ luôn phải thi đấu vào cuối năm sau khi diễn ra các giải đấu quốc tế của khu vực, châu lục. Về chuyên môn, việc tổ chức như thế là không đúng điểm rơi phong độ của VĐV, dẫn tới việc không thể hiện đúng ý nghĩa rà soát lực lượng của đại hội.

[box]

Đại hội TDTT là “gánh nặng” của nhiều nước

Trên thế giới hiện nay chỉ còn một số ít quốc gia còn tổ chức đại hội TDTT như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Và việc tổ chức đại hội TDTT ở những quốc gia này cũng gặp không ít trắc trở.

Đại hội TDTT của Trung Quốc có mô hình tổ chức tương tự VN với chu kỳ bốn năm. Đại hội lần đầu tiên được tổ chức từ năm 1959 với quy mô rất lớn. Đây được xem như một cơ hội để các địa phương ở Trung Quốc chứng tỏ sự phát triển thể thao của mình và tỉnh thành nào đạt được vị trí cao ở mỗi kỳ đại hội TDTT sẽ nhận được sự đầu tư lớn từ chính phủ.

Nhờ động cơ to lớn này mà những cuộc tranh tài ở các kỳ đại hội TDTT luôn diễn ra khốc liệt và nổi tiếng với tình trạng gian lận, chơi xấu lẫn nhau giữa VĐV, các đoàn thể thao. Điều này từng bị lên án nhiều lần bởi các nhà trí thức ở Trung Quốc. Năm 2013, trang Sohu.com dẫn lời phê phán của ông Xi Jiandong - hiệu phó Trường ĐH Kinh tế tài chính Jiangxi: “Đồng tiền dơ bẩn ngày càng ám ảnh đại hội TDTT, nó thậm chí còn trở thành động cơ thi đấu của tất cả VĐV và HLV”. Ông Lu Yuanzhen, một nhà xã hội học, nói: “Trò hề của đại hội TDTT toàn quốc là kết quả của một nền thể thao chạy theo thành tích”.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ Trung Quốc đầu tư quá nhiều cho đại hội TDTT cũng vấp phải vô số chỉ trích về sự hoang phí. Và sau nhiều năm, đại hội TDTT của Trung Quốc cuối cùng cũng bị cắt giảm ngân sách nặng nề. Nhật báo Today của Singapore cho biết ở kỳ đại hội TDTT gần nhất vào năm 2013 tổ chức tại tỉnh Liêu Ninh, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định cắt giảm ngân sách đến 78%. Qua đó, ngân sách tổ chức vào khoảng 580 triệu USD ở các kỳ tổ chức trước đó bị giảm xuống chỉ còn khoảng 128 triệu USD.

Gây tranh cãi không kém là đại hội TDTT ở Ấn Độ. Ra đời từ năm 1924, mô hình tổ chức đại hội TDTT của Ấn Độ ban đầu khá ổn định khi chỉ tổ chức cố định tại thành phố Chennai (tên cũ là Madras) với chu kỳ hai năm. Việc ấn định duy nhất một địa điểm này giúp Ấn Độ tiết kiệm rất nhiều chi phí khi không phải xây thêm cơ sở hạ tầng ở nhiều thành phố khác. Nhưng rắc rối bắt đầu khi Chính phủ Ấn Độ muốn các địa phương luân phiên nhau tổ chức đại hội TDTT.

Điều này trở thành một gánh nặng của những nhà quản lý ở các địa phương tại Ấn Độ. Việc tổ chức đại hội TDTT tại Ấn Độ liên tục bị trì hoãn từ năm 2002 khi thành phố Guwahati mất đến năm năm để kịp chuẩn bị cho kỳ đăng cai của mình. Kéo dài nhất là hai kỳ đại hội lần thứ 34 và 35. Trong khi đại hội TDTT lần thứ 34 (diễn ra năm 2011) bị trì hoãn đến sáu lần thì kỳ đại hội thứ 35 bị “đùn đẩy” liên tục giữa các thành phố.

Ban đầu nó được lên lịch vào cuối năm 2012 tại bang Jharkhand, sau nhiều lần bị trì hoãn, cuối cùng đại hội TDTT Ấn Độ lần thứ 35 cũng được ấn định ngày tổ chức chính xác vào năm 2015 tại bang Kerala. Nhưng việc nơi đây có chuẩn bị kịp cơ sở hạ tầng cũng như nhiều điều kiện khác để tổ chức đại hội TDTT hay không vẫn là một dấu chấm hỏi. HUY ĐĂNG

[/box]

T.PHÚC - SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp