Từ ngày phát hiện căn bệnh, anh Tuấn theo đuổi lối sống lành mạnh, luyện tập thể thao và “bén duyên” với bộ môn xe đạp - Ảnh: HÀ THANH
Dù nằm lọt thỏm trong con phố nhỏ Quan Nhân (Hà Nội) nhưng tiệm sửa xe đạp của anh Nguyễn Anh Tuấn (33 tuổi) đã trở thành địa chỉ quen thuộc đón rất nhiều vị khách và hội viên câu lạc bộ xe đạp tìm đến suốt những năm qua. Từ những chiếc xe đạp đời cũ đến đời mới được mang đến, ông chủ tiệm đều dễ dàng "bắt bệnh" và tận tâm sửa chữa.
Tìm ra "khoảng trống" thị trường
"Cách đây ba năm, bác sĩ chẩn đoán tôi mắc bệnh bạch cầu (một dạng ung thư máu ác tính). Lúc đó tôi rất sốc, suy sụp vì bản thân là lao động chính trong nhà, chăm sóc mẹ già và ba con nhỏ. Thế nhưng nghĩ đến tương lai của bản thân, nghĩ đến tương lai của các con, tôi phải chiến đấu với chính mình, không thể gục ngã!" - anh Tuấn nhớ lại biến cố lớn nhất cuộc đời.
Bản thân bị khuyết tật vận động bẩm sinh, đi lại khó khăn, giờ đây anh phải chống chọi với căn bệnh ung thư. Được bác sĩ tư vấn, anh vực dậy tinh thần tuân thủ phác đồ điều trị, đều đặn hằng tháng đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe tổng quát và điều trị đích (còn gọi là liệu pháp nhắm trúng đích - một trong những phương pháp điều trị ung thư sử dụng thuốc tác động vào gene hay protein chuyên biệt có ở tế bào ung thư liên quan đến sự phát triển khối u). Từ ngày phát hiện căn bệnh, anh Tuấn theo đuổi lối sống lành mạnh, luyện tập thể thao và "bén duyên" với bộ môn xe đạp.
"Tôi chuyển dần sinh hoạt hằng ngày từ chiếc xe máy sang sử dụng xe đạp. Tôi tham gia đội nhóm đạp xe buổi sáng, khi đạp xe tôi cảm thấy người khỏe ra rất nhiều, sức khỏe được cải thiện tốt hơn, gần như bây giờ không ai biết tôi bị bệnh dù hằng tháng vẫn vào viện" - anh giãi bày.
Gắn bó với bộ môn xe đạp, anh Tuấn nhận ra thị trường Việt Nam đang có "khoảng trống" về dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe đạp. Ở Hà Nội, để tìm cửa hàng sửa chữa xe máy rất dễ, nhưng thực sự rất khó để tìm một cửa hàng sửa chữa xe đạp đúng nghĩa. Vốn là công nhân kỹ thuật chuyên ngành cơ khí, nhưng do sức khỏe không làm được công việc nặng nhọc, anh quyết định nắm bắt thị trường, chuyển đổi từ mô hình sửa chữa xe máy sang sửa chữa xe đạp.
Trước đòi hỏi của thị trường, anh Tuấn miệt mài tìm tòi, học hỏi kiến thức qua sách vở, qua các trang web, theo dõi YouTube. Đồng thời anh học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị trong hội nhóm xe đạp, lắng nghe trải nghiệm của các thành viên. Anh bộc bạch vốn đam mê cơ khí, cũng đã quen với việc sửa chữa xe máy, nên việc chuyển đổi công việc không quá khó, không có "căn bệnh" nào của xe đạp làm khó được anh.
Có được tay nghề như hôm nay, mở cơ sở kinh doanh riêng, anh Tuấn đã phải mất rất nhiều thời gian làm thuê cho các tiệm sửa chữa, công ty khác nhau để nắm chắc về kỹ thuật. Tiếng lành đồn xa, người nọ truyền tai người kia về tiệm sửa chữa xe đạp của anh Tuấn, có vị khách từ tỉnh xa cũng mang xe đạp đến nhờ ông chủ "bắt bệnh".
Là "khách hàng ruột" của tiệm, anh Nguyễn Văn Duy (35 tuổi) thường xuyên mang chiếc xe đạp đến "gõ cửa" tiệm nhờ sửa chữa. "Biết anh Tuấn học chuyên cơ khí và đã trải qua làm việc ở nhiều cơ sở sửa chữa lớn nên hiểu sâu về sửa xe, tôi tin tưởng lựa chọn dịch vụ của anh và rất yên tâm giao chiếc xe của mình cho một người thợ cứng tay" - anh Duy bày tỏ.
Lan tỏa lối sống xanh
Bên góc "đồ nghề" quen thuộc, gương mặt anh Tuấn đăm chiêu trước chiếc xe đạp vừa được đưa đến. Dù phải chiến đấu với bệnh tật mỗi ngày, nhưng khi bắt tay vào công việc, dường như anh quên hết mọi thứ xung quanh, chỉ tập trung "bắt bệnh" cho xe. Suốt ba năm qua, anh miệt mài lao động, tìm niềm vui trong công việc để quên đi bệnh tật, kiên cường chiến đấu vì tương lai của bản thân và gia đình để ngày mai có cuộc sống tốt hơn.
Anh cho biết trung bình mỗi lượt xe đến sửa chữa, bảo dưỡng có giá dao động từ 250.000 đồng/lượt, mỗi ngày anh sửa được 3-4 chiếc, tính ra mỗi tháng thu nhập 20-30 triệu đồng. Ở tiệm, anh Tuấn còn sửa xe miễn phí cho các em nhỏ hay sửa giùm xe đạp cho các cô chú lao động, cô nhặt ve chai.
Không chỉ mở tiệm sửa chữa, anh Tuấn còn nhận hướng dẫn cho các học viên có đam mê xe đạp, giúp các bạn hiểu và nắm được nguyên lý và nguyên tắc hoạt động từng bộ phận của xe, cách thức vận hành của chúng. Nhờ được anh Tuấn chỉ dẫn, rất nhiều bạn trẻ đã tự sửa được chiếc xe đạp của mình mà không phải tìm đến thợ sửa xe.
"Tôi nhớ có lần có một bác mang chiếc xe đạp gắn bó từ lâu đến tiệm nhờ sửa chữa. Bác đi sửa nhiều nơi nhưng không ưng ý, không đạt yêu cầu. Sau khi đến đây sửa thì bác lại thấy hài lòng. Với tôi, niềm vui lớn nhất là lan tỏa được lối sống xanh, giúp cho nhiều người có chiếc xe cũ mà để rất lâu không biết sửa ở đâu thì tôi giúp phục hồi lại" - anh Tuấn bày tỏ.
Vừa qua, được nhận hỗ trợ trao sinh kế, anh Tuấn đã sử dụng để nâng cấp, mua sắm trang thiết bị nhằm phục vụ tốt hơn cho công việc của mình. Anh mua sắm thêm trụ sửa chữa xe đạp, giá cân vành, máy mở bu lông dùng pin... để tăng năng suất, chất lượng sửa chữa dòng xe đạp cao cấp, nhờ đó có thể sớm thu hồi vốn và có khả năng sinh lời cao trong thời gian ngắn.
"Đến bây giờ, có thể nói mình rất tự tin với công việc của mình và tin rằng công việc sẽ tiếp tục phát triển. Mong muốn nhất bây giờ là bản thân có sức khỏe để làm việc, để tiếp tục đam mê, chăm lo cho gia đình và các con" - anh Nguyễn Anh Tuấn mong ước.
Ở phường Nhân Chính, hàng xóm xung quanh cũng như các vị khách mang xe đến tiệm sửa chữa đều nhận xét anh Tuấn khá kín tiếng. Chỉ đến khi những người xung quanh chia sẻ về cuộc sống khó khăn, vất vả của anh, ai ai cũng khâm phục trước ý chí kiên cường và nghị lực của anh.
Ông Trần Chiến, chủ tịch Hội Người khuyết tật phường Nhân Chính, cho biết dù trên vai còn nhiều gánh nặng mẹ già, con nhỏ, bệnh tật nhưng anh Tuấn luôn biết cố gắng vươn lên trong cuộc sống, kiên cường chiến đấu với bệnh tật.
"Anh Tuấn làm việc vừa có trách nhiệm vừa có tay nghề tương đối tốt, là tấm gương sáng của hội, vượt lên khó khăn" - ông Chiến nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận