15/01/2014 06:00 GMT+7

Phải dạy thêm vì "học sinh quá dốt"

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Đó là phát biểu của bà hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng (Huế) trước phóng viên, nhằm lý giải cho việc tổ chức dạy thêm ngay trong thời khóa biểu chính khóa với quy mô đại trà, chi tiền dạy thêm vô tội vạ... và số tiền thu vào gần cả tỉ đồng.

00uIXiYW.jpgPhóng to
Bà Hoàng Thị Mai (bìa trái), hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng, khẳng định “có sai sót” trong việc tổ chức học thêm trong buổi làm việc với báo chí tối 13-1 tại trường này. Bà Mai còn khẳng định trường tổ chức dạy thêm xuất phát từ “cái tâm” đối với học sinh, và do trường “tuyển đầu vào quá thấp, học sinh quá ngu dốt”. - Ảnh: Nguyên Linh

Rất nhiều đơn khiếu tố của phụ huynh gửi về cho Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, nhưng sở vẫn chưa tổ chức thanh tra trường này.

Đóng tiền nhiều: do phụ huynh kiến thức hạn chế

Ngày 22-9-2013, tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học, ban giám hiệu Trường THPT Cao Thắng đã phát cho phụ huynh bản “xin ý kiến” về việc tổ chức dạy thêm, học thêm của trường. Trong đó đưa ra ba “nguyện vọng” để phụ huynh quyết định, bao gồm: 4 tiết/môn/tuần, 3 tiết/môn/tuần và 2 tiết/môn/tuần. Mỗi “nguyện vọng” có ba môn, tương ứng với số tiền 8.000 đồng, 10.000 đồng và 12.000 đồng/tiết. Đến ngày 12-1-2014, tại cuộc họp phụ huynh kết thúc học kỳ I, ban giám hiệu tiếp tục phát cho mỗi phụ huynh một bản “xin ý kiến” với nội dung tương tự trên. Thấy con số nói trên nhỏ nên hầu hết phụ huynh đã đánh dấu đăng ký.

Tuy nhiên đến khi nhận phiếu thu tiền, nhiều phụ huynh tá hỏa vì số tiền học thêm này quá cao. Phụ huynh nào đánh vào ô 8.000 đồng/tiết được tính thành 288.000 đồng/tháng (8.000 đồng x 3 tiết x 3 môn x 4 tuần). Nếu ô 10.000 đồng thì được tính 360.000 đồng/tháng (10.000 đồng x 3 tiết x 3 môn x 4 tuần). Còn ô 12.000 đồng mỗi tháng là 432.000 đồng (12.000 đồng x 3 tiết x 3 môn x 4 tuần). Trong thư gửi Tuổi Trẻ, một phụ huynh lớp 11 cho biết: “Nói là bản xin ý kiến nhưng thực chất là giấy buộc đăng ký học thêm, vì ghi rõ tên phụ huynh và học sinh, có ai dám từ chối. Trong văn bản phát cho phụ huynh, nhà trường lại không ghi rõ tổng số tiền, tui đành chọn ô 10.000 đồng. Nào ngờ khi nhận lại phiếu do trường gửi về, mới biết phải nộp 360.000 đồng/tháng, trong suốt chín tháng, tổng cộng tiền học thêm lên đến 3.240.000 đồng/năm học, quá khủng khiếp!”.

Theo ông Đặng Đức Thắng, hội trưởng Hội cha mẹ học sinh Trường THPT Cao Thắng, khi nhận bản xin ý kiến, nhiều phụ huynh kiến thức hạn chế nên không hiểu hoặc không để ý; mặt khác, do trong bản xin ý kiến không ghi rõ tổng số tiền. Vì vậy, khi nhận phiếu thu tiền, nhiều phụ huynh bất ngờ về tổng số tiền phải đóng quá lớn.

Dạy thêm trong giờ chính khóa

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi đưa vào giảng dạy, mỗi tuần ban giám hiệu đã xếp sáu tiết học thêm vào ba buổi ngoại khóa, ba tiết còn lại xếp vào thời khóa biểu chính khóa. Một điều lạ lùng khiến nhiều phụ huynh thắc mắc chính là trường đưa ra ba mức tiền đóng, nhưng khi dạy thì gộp học sinh nhiều lớp vào học chung tại nhà đa năng của trường. Theo thời khóa biểu học kỳ I, phần lớn các buổi học thêm từ 2-3 lớp trở lên. Đặc biệt, ở buổi học thêm môn toán khối 11 tập trung đến sáu lớp với hơn 200 học sinh.

Theo văn bản chi tiêu nội bộ, nhà trường đã buộc giáo viên chủ nhiệm đến điểm danh học sinh dự các lớp học thêm. Sau đó, giáo viên này được nhận tiền bốn lần điểm danh là 74.000 đồng (1 tiết dạy)...

Chi tiền vô tội vạ

Số liệu từ các văn bản liên quan đến việc dạy thêm của trường này cho thấy trong học kỳ I, số tiết dạy thêm là 3.329 tiết. Tính đến đầu tháng 1-2014, nhà trường đã thu được hơn 972 triệu đồng từ việc này. Ngày 2-1, hội đồng nhà trường đã đưa ra phương án “chi tiêu nội bộ” để chia tiền dạy thêm. Theo quy định hiện nay, tiền thu từ dạy thêm chỉ được chi cho: giáo viên dạy thêm, cơ sở vật chất và phí quản lý. Tuy nhiên, trường này đã chi hơn 160 triệu đồng (16,5%) cho bộ phận quản lý, trong đó hiệu trưởng gần 30 triệu đồng, mỗi hiệu phó gần 25 triệu đồng và giáo vụ, thu ngân mỗi người khoảng 10 triệu đồng. Chi 264 triệu đồng (25%) cho các giáo viên đứng lớp dạy thêm. Trường chi 97 triệu đồng trong khoản tiền này để trả tiền điện, nước và khấu hao cơ sở vật chất.

Gần 470 triệu đồng còn lại trường chi cho các khoản như: 27 triệu đồng hỗ trợ kiểm tra, 21 triệu đồng tiền dự họp liên tịch, gần 5 triệu đồng tiền dự họp đột xuất, 53 triệu đồng tiền dự hội thảo phục vụ dạy thêm, gần 14 triệu đồng công in, nhân bản đề thi, văn phòng phẩm, hơn 19 triệu đồng tiền công cắt phách nhập điểm mỗi môn, 31,2 triệu đồng hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm theo dõi học sinh học thêm và người phục vụ, 47,5 triệu đồng tiền phúc lợi tập thể đợt 20-11, gần 23,8 triệu đồng tiền phúc lợi tập thể đợt 20-10, gần 23,8 triệu đồng tiền phúc lợi tập thể đợt 8-3, hơn 47,5 triệu đồng tiền phúc lợi tập thể dịp Tết Nguyên đán, 58 triệu tiền giữ xe, vệ sinh...

Cho nhân viên văn phòng chấm thi trắc nghiệm

Ngày 13-1, trả lời Tuổi Trẻ về việc này, bà Hoàng Thị Mai, hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng, cho biết trường tổ chức dạy thêm xuất phát từ “cái tâm” đối với học sinh, do trường “tuyển đầu vào quá thấp, học sinh quá ngu dốt”. Bà Mai cho hay Sở GD-ĐT đã có văn bản cho phép trường dạy thêm. Thế nhưng, bà Mai thừa nhận trường chỉ sai quy định của sở: mỗi lớp học thêm không quá 45 học sinh. Về ba mức đóng và số tiền học thêm quá lớn, bà Mai cho rằng: “Dạy thêm mà quy định một mức là vô lý” và “đây là tiền phụ huynh hỗ trợ”. Bà Mai khẳng định không có sự ép buộc học sinh học thêm. Tuy nhiên, bà thừa nhận có sai sót khi đưa giờ học thêm vào thời khóa biểu chính khóa mỗi tuần ba tiết.

Trả lời Tuổi Trẻ ngày 14-1, ông Đặng Phước Mỹ, phó giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện nay sở chưa chính thức thanh tra Trường THPT Cao Thắng. Song trước rất nhiều đơn thư tố cáo, sở cũng đã hai lần về tìm hiểu tại trường này và đã có kết luận. Chúng tôi đề nghị được cung cấp kết luận việc “tìm hiểu” này, ông Mỹ nói “vì đang hoàn thiện văn bản nên sở chưa cung cấp kết luận được!”. Song ông Mỹ cũng khẳng định trường này có hai việc sai, đó là tổ chức lớp học thêm quá đông và cho một nhân viên văn phòng chấm thi trắc nghiệm. Về việc chi tiền học thêm, ông Mỹ nói “sở chưa biết”. Cũng theo ông Mỹ, sở sẽ tiếp tục làm việc với Trường Cao Thắng, nếu phát hiện sai trái thì sẽ có hướng xử lý.

Nghỉ học vì đóng tiền quá nhiều

Bà Hoàng Thị Đài Trang, phụ huynh em Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, nguyên học sinh lớp 11B4, cho biết đến nay còn bức xúc chuyện tiền “học thêm” ở Trường Cao Thắng. Bà Trang cho biết năm Hùng học lớp 10, tổng số tiền nộp thêm tiết của con bà là 750.000 đồng, dù biết là nhiều nhưng bà cũng đóng cho con theo học. Đến đầu năm nay, khi đi họp phụ huynh, bà đã đăng ký vào ô thấp nhất là mức 8.000 đồng/tiết. Nào ngờ con trai bà đưa giấy nộp tiền học thêm 288.000 đồng/tháng. Vì đã nộp quá nhiều tiền học cho con, bà đến gặp một vị hiệu phó xin cho con không học thêm tiết mà chỉ học chính khóa. Vì không thống nhất được việc này dẫn đến cự cãi, bà Trang đã rút học bạ cho con trai nghỉ học ở trường này.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp