24/11/2018 11:19 GMT+7

Phải dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ

ÁI NHÂN - THU DUNG
ÁI NHÂN - THU DUNG

TTO - Dự thảo mới nhất thay thế quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM quy định phải dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ, thay vì chỉ 1m như trước đây.

Phải dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ - Ảnh 1.

Người buôn bán lấn chiếm hết vỉa hè đường Nguyễn Tri Phương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự thảo quy định rõ vỉa hè chỉ sử dụng vào mục đích khác khi rộng hơn 1,5m.

Tôi rất thích đi bộ để nâng cao sức khỏe, nhưng phần lớn vỉa hè tại TP.HCM đều bị lấn chiếm. Nhiều lần tôi đi bộ đã bị những người chiếm vỉa hè để kinh doanh la mắng, nên đành đi xuống lòng đường.

Chị NGUYỄN THỊ LỆ HẰNG (người đi đường)

Nạn sử dụng vỉa hè vô tội vạ

Hiện nay, hàng trăm vỉa hè trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán, thậm chí tận dụng làm bãi giữ xe máy khiến người đi bộ không còn lối đi.

Theo ghi nhận sáng 21-11, vỉa hè ở những đoạn đường Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo (Q.1), Lý Thái Tổ (Q.10), Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp)... bị chiếm dụng gần hết bề rộng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. 

Dọc đường Hai Bà Trưng, hầu hết diện tích vỉa hè bị người dân hai bên đường chiếm để đặt biển hiệu, bàn ghế, hàng hóa. Buổi sáng, hàng chục xe bán đồ ăn chiếm đóng đoạn vỉa hè ngay trước Bệnh viện Q.1. 

Nhiều người đi bộ, học sinh đi học phải đi xuống lòng đường trong nỗi lo... bị xe máy tông, nên phải vừa đi vừa ngoái nhìn lại phía sau!

Tương tự, vỉa hè trên đường Lý Thái Tổ cũng bị các cửa hàng bán phụ tùng ôtô chiếm gần hết để trưng bày vỏ xe, phụ tùng xe. 

Không chỉ vậy, nhiều ôtô dừng trước cửa hàng để thay vỏ xe còn chiếm luôn cả lòng đường. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay mà chưa được giải quyết dứt điểm.

Ở một số tuyến đường tại Q.3, người dân còn tận dụng vỉa hè giăng dây làm bãi giữ xe máy với giá 10.000 đồng/chiếc. Sau một thời gian dài bị chiếm dụng vô tội vạ, hàng loạt vỉa hè đã bong tróc, có đoạn tạo thành hố sâu "bẫy" người đi bộ.

Phải dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ - Ảnh 3.

Quy định rõ và xử lý nghiêm vi phạm

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, quy định rõ ràng việc sử dụng vỉa hè vào các mục đích khác nhau cho phù hợp sẽ góp phần giúp các đơn vị, địa phương quản lý, khai thác vỉa hè tốt hơn. 

Căn cứ vào đó, Sở Giao thông vận tải TP phụ trách việc nâng cấp, duy tu vỉa hè, các địa phương trực tiếp khai thác chức năng vỉa hè. 

Cả hai bên cùng phối hợp xử lý những trường hợp vi phạm, lấn chiếm bất hợp pháp, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. 

"TP cũng nên có các biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành quy định, lấn chiếm vỉa hè buôn bán, kinh doanh. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm khi để vi phạm xảy ra" - vị này nhấn mạnh.

Theo một cán bộ UBND Q.6, từ năm 2017 Q.6 đã bắt đầu quy định rõ những vỉa hè nào được sử dụng buôn bán, kinh doanh; những vỉa hè nào chỉ dành riêng cho người đi bộ. Những hộ kinh doanh lấn ra khỏi vạch sơn sẽ bị xử lý nghiêm khắc. 

Lực lượng trật tự đô thị cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp cố ý tái phạm. 

Hiện Q.6 có 14 tuyến đường nội bộ và liên quận vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh như các đường: Võ Văn Kiệt, Hậu Giang, Minh Phụng, Nguyễn Văn Luông, Bà Hom... UBND các phường sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý triệt để.

Phải dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ - Ảnh 4.

Xe máy đậu chiếm hết vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Lê Hoàng Hà - chủ tịch UBND Q.Gò Vấp - cũng khẳng định trên địa bàn quận này mỗi tuần lực lượng trật tự đô thị phường đều tổ chức buổi ra quân chuyên đề xử lý lấn chiếm vỉa hè, đảm bảo lối đi cho người đi bộ. 

Thế nhưng do đặc điểm dân cư đông đúc, hơn 50% là người lao động sống bằng nghề buôn gánh bán bưng nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tồn tại ở một số nơi. 

Trong thời gian tới, UBND Q.Gò Vấp sẽ yêu cầu các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Một lãnh đạo UBND Q.Bình Tân cho rằng để bảo đảm vỉa hè cho người đi bộ cũng như quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường phù hợp thì từng xã, phường phải chủ động thường xuyên kiểm soát, nhắc nhở, chấn chỉnh trên các tuyến phố thuộc địa bàn mình quản lý. 

Bên cạnh đó, địa phương cũng phải có giải pháp hỗ trợ công ăn việc làm, bố trí nơi buôn bán cho người sống nhờ vào các chợ tự phát lấn chiếm hè phố, lòng đường.

TTO - Vỉa hè bị lấn chiếm là một trong các nguyên nhân cản trở thói quen đi bộ, đồng nghĩa với việc khó thu hút hành khách đi xe buýt, khó giảm xe cá nhân.

ÁI NHÂN - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp