26/11/2022 14:42 GMT+7

Phải đảm bảo quyền lợi người nộp thuế

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Có thể linh hoạt để Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, thay vì phải chờ xin ý kiến Quốc hội khi muốn điều chỉnh các quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Phải đảm bảo quyền lợi người nộp thuế - Ảnh 1.

Nhiều người dân cho biết thu nhập không đủ trang trải chi phí sinh hoạt nhưng vẫn phải nộp thuế TNCN - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đó là gợi ý của một số đại biểu Quốc hội khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những bất cập của một số quy định trong Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay. 

Theo các đại biểu, mức giảm trừ phải đảm bảo cho người nộp thuế trang trải cuộc sống, người phụ thuộc là con cái phải được học hành đàng hoàng và cha mẹ, nếu không có thu nhập, phải đảm bảo được phụng dưỡng tử tế... 

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số đại biểu.

Đại biểu TRẦN VĂN LÂM (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội):

Cần sớm xem xét sửa những bất cập, hạn chế

Chính sách thuế phải phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Khi có sự phát triển đi lên, các chính sách thuế phải điều chỉnh cho phù hợp để tạo nguồn thu bền vững, lâu dài. Luật thuế TNCN đã được xây dựng từ cách đây khá lâu, có những bất cập, hạn chế cần xem xét, cân nhắc, tính toán điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Thực tế, thời gian qua tỉ lệ trượt giá, mất giá của đồng tiền, lạm phát dẫn đến câu chuyện dù thu nhập của người dân tăng nhưng số tiền tăng chỉ bù đắp cho trượt giá. Trong khi đó, mức khởi điểm đóng thuế TNCN quá thấp, chưa có sự thay đổi theo sự trượt giá, mất giá dẫn tới bất hợp lý. 

Ngoài ra, có quá nhiều bậc tính thuế, chênh lệch giữa các bậc còn lớn, mức giảm trừ gia cảnh cũng chưa phù hợp. Vì vậy cần thiết phải nâng mức khởi điểm tính thuế TNCN, tính toán lại các bậc thang, mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với mức độ, quy mô, tính chất nền kinh tế cũng như đời sống của người dân.

Theo quy định của Luật thuế TNCN, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. 

Theo tôi, quy định này đến nay đã không còn phù hợp, cần xem xét sửa đổi và linh hoạt hơn về thời gian và mức biến động tuyệt đối để điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, có thể linh hoạt bằng cách để Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, thay vì muốn điều chỉnh các quy định của Luật thuế TNCN phải chờ xin ý kiến Quốc hội.

Đại biểu ĐỖ THỊ LAN (phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội):

Cần đảm bảo quyền lợi người nộp thuế

Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động thực tiễn, căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng, tăng mức lương cơ sở từ 1-7-2023, mức tăng thu nhập bình quân của người dân... để có sự điều chỉnh cho phù hợp đối với căn cứ nộp thuế TNCN.

Thực tế từ chỉ số giá tiêu dùng tăng, mức thu nhập bình quân của người dân tăng, ngưỡng tính thuế thu nhập cũng phải tăng cho phù hợp. Mức làm căn cứ tính thuế TNCN đã đưa ra khá lâu trong khi tốc độ tăng giá tiêu dùng, mọi thứ đều tăng hết mà không điều chỉnh lại là không phù hợp.

Do vậy, cần sớm xem xét tăng mức căn cứ tính thuế để đảm bảo phù hợp cũng như đảm bảo quyền lợi người tham gia nộp thuế.

Đại biểu TẠ THỊ YÊN (phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội):

Phải đảm bảo cha mẹ được phụng dưỡng tử tế

Phải có những thay đổi về mức thuế suất, giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tình hình thực tiễn và nên làm càng sớm càng tốt để người dân được thụ hưởng một cách xứng đáng, công bằng thành quả lao động của mình. Lẽ ra cần làm sớm hơn để "khoan sức dân", nhất là trong và ngay sau đại dịch COVID-19. 

Nhà nước phải bỏ ra biết bao nhiêu tiền để hỗ trợ người dân trong và sau đại dịch, thế mà thuế suất và mức giảm trừ gia cảnh vẫn chưa được thay đổi theo hướng tích cực đó.

Về mức giảm trừ gia cảnh, cần có số liệu để so sánh về thu nhập, chi tiêu và tiết kiệm của người dân qua các năm... Mà thu nhập ở đây phải tính là thu nhập thực tế, có tính đến lạm phát và mặt bằng giá cả. 

Tất cả phải được cân đo, đong đếm cẩn thận nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện hơn. Mức giảm trừ gia cảnh này khi được nâng lên cũng phải đủ cho các cháu ăn học đàng hoàng, cha mẹ già không có thu nhập được nuôi dưỡng tử tế, chưa kể lúc ốm đau bệnh tật, gia cảnh thay đổi đột ngột. Mức đó ít nhất cũng phải gấp đôi so với quy định hiện hành.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Ngưỡng phải đóng thuế quá thấp

Dư luận đang có nhiều ý kiến phản ánh về bất cập liên quan đến ngưỡng phải đóng thuế TNCN hiện nay quá thấp. Ngoài ra, cách tính thuế lũy tiến theo bảy bậc quá rườm rà và quy định về mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp thực tế, nhất là với các vùng đô thị.

Do vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, các cơ quan nên xem xét, đánh giá lại toàn diện thuế TNCN nhằm xác định những điểm nào còn bất cập, không phù hợp để trình xem xét sửa đổi. Việc sửa đổi sớm chính là chống tình trạng trốn nộp thuế cũng như khuyến khích, đảm bảo quyền lợi của người tham gia nộp thuế.

Năm 2025 sẽ trình Quốc hội ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi Năm 2025 sẽ trình Quốc hội ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi

TTO - Theo Bộ Tài chính, hướng sửa đổi, bổ sung chính sách thuế thu nhập cá nhân là điều chỉnh số lượng và các mức thuế suất với thu nhập chịu thuế phù hợp bản chất của từng loại thu nhập.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp