Ông Trần Quốc Tuấn sẽ phải lựa chọn giữa Tổng cục TDTT và VFF - Ảnh: NAM KHÁNH
Như vậy, nếu ai không đồng ý trở về Tổng cục TDTT mà muốn làm việc chuyên trách ở VFF thì phải ra khỏi biên chế nhà nước. Với trường hợp trở về Tổng cục TDTT nhưng được giới thiệu và trúng cử làm lãnh đạo VFF thì cũng chỉ làm việc theo dạng kiêm nhiệm.
Chấm dứt "tồn tại của lịch sử"
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, hiện có 7 cán bộ công chức của ngành thể thao đang làm việc dưới dạng biệt phái tại VFF là: ông Trần Quốc Tuấn (phó chủ tịch), ông Lê Hoài Anh (tổng thư ký), ông Trương Hải Tùng (giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ), ông Nguyễn Minh Ngọc (phó tổng giám đốc Công ty VPF)... Trong số này, người được cử đi biệt phái lâu nhất là ông Lê Hoài Anh với thời gian 21 năm.
Việc cử cán bộ của ngành thể thao biệt phái sang VFF là tồn tại trong lịch sử của ngành thể thao, diễn ra từ Đại hội VFF khóa 1 năm 1989. Lý do là thời điểm đó khi VFF mới thành lập thiếu cán bộ chuyên môn, nên ngành thể thao buộc phải đưa người của mình sang nắm giữ một số vị trí quan trọng. Có người đi dưới dạng biệt phái, có người đi theo dạng kiêm nhiệm.
Trong 7 nhiệm kỳ vừa qua, hầu hết cán bộ chủ chốt của VFF đều là cán bộ của ngành thể thao như: ông Lê Thế Thọ - vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (phó chủ tịch VFF khóa 3), ông Ngô Tử Hà - hàm vụ trưởng (phó chủ tịch VFF khóa 3), ông Phạm Ngọc Viễn - giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội, ông Phạm Văn Tuấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT (phó chủ tịch VFF khóa 6)...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Vụ tổ chức cán bộ, Tổng cục TDTT nói: "Thực chất nói là biệt phái nhưng tôi nghĩ đây là những trường hợp được Nhà nước điều động sang các tổ chức xã hội để làm việc cho Nhà nước. Suốt 30 năm qua, những cá nhân này đi làm việc, hưởng lương của tổ chức xã hội, không gây tổn hại gì cho ngân sách. Khi làm việc cho VFF, liên đoàn bóng chuyền hay điền kinh thì những cá nhân này vẫn phụ trách công việc chuyên môn cho các đội tuyển quốc gia. Dù vậy, đến thời điểm này, xét thấy đội ngũ nhân lực của VFF đã cơ bản kiện toàn nên ngành thể thao rút người của mình khỏi tổ chức này".
Xin ra khỏi biên chế nhà nước
Thông tin của Tuổi Trẻ cho biết Tổng cục TDTT đã chuẩn bị đề án rút người của mình từ rất lâu và xin ý kiến Bộ VH-TT&DL, các cơ quan quản lý cán bộ của trung ương. Quá trình thực hiện đề án, Tổng cục TDTT đã thăm dò ý kiến các cá nhân này và hầu hết đều xin ở lại VFF, đồng ý ra khỏi biên chế. Trong tuần tới, Tổng cục TDTT sẽ làm cuộc thăm dò lần thứ hai để quyết định phương án chuyển công tác cho các công chức này.
Một công chức của Tổng cục TDTT đang biệt phái ở VFF nói với Tuổi Trẻ: "Được biệt phái sang VFF nhiều năm, tôi đã quen với công việc ở đây nên sẽ xin ở lại VFF và rời khỏi biên chế. Dù mang tiếng biên chế nhà nước nhưng hơn chục năm qua chúng tôi hưởng lương của VFF, chứ Nhà nước không trả lương. Việc ra khỏi biên chế không phải chuyện gì to tát, đó chỉ là thủ tục hành chính để chúng tôi chuyển hẳn về VFF, giảm biên chế cho Tổng cục TDTT".
Tìm thêm ứng viên chủ tịch VFF?
Đến thời điểm này, vẫn chỉ có 4 ứng viên được đề cử vào vị trí chủ tịch VFF khóa 8 là: ông Trần Quốc Tuấn (phó chủ tịch VFF khóa VII), ông Cấn Văn Nghĩa (giám đốc Khu liên hợp TTQG Mỹ Đình), ông Lê Quý Phượng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP.HCM), ông Nguyễn Công Khế (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên). Trong số này có 3 ứng viên thuộc diện quản lý của Bộ VH-TT&DL. Hiện Bộ
VH-TT&DL vẫn chưa có văn bản đồng ý cho phép ứng viên nào ra ứng cử chủ tịch.
Các ứng viên chủ tịch VFF được Bộ VH-TT&DL đánh giá còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bóng đá VN. Vì vậy, theo thông tin của Tuổi Trẻ, nhiều khả năng VFF sẽ tiếp tục phải lùi ngày tổ chức đại hội để tìm thêm ứng viên cho vị trí chủ tịch. Dự kiến trong tuần tới, Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương sẽ có kết luận về công tác kiểm tra đảng ở VFF và Tổng cục TDTT. Trong kết luận kiểm tra này có liên quan đến ông Trần Quốc Tuấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận