Bạn Thiên Bình (“”, Tuổi Trẻ ngày 5-8) nói rất đúng. Đam mê phải tùy vào hoàn cảnh kinh tế, điều kiện về năng lực... Tuy nhiên, nếu cái gì cũng đặt lên bàn cân để phân định đúng sai, hơn thiệt chắc chắn không còn là đam mê nữa. Nhiều năm qua, thủ khoa, á khoa...các trường đại học tại TP.HCM đa số xuất thân từ những gia đình nghèo, các em phải bươn chải kiếm cái ăn để có điều kiện đến trường, thỏa lòng đam mê học vấn của mình. Nếu phải tính hơn thiệt, có lẽ các em học sinh đó đã phải từ bỏ sách vở, chấp nhận bám ruộng bám đất để lo cho cái ăn của mình, của gia đình mình.
Tôi mồ côi cha lúc mới 10 tuổi. Khi đó, một người hàng xóm đã mắng thẳng vào mặt tôi khi tôi nói ước mơ vào đại học: “Tao chống mắt coi mày vào đại học”. Để học đến đại học, tôi phải lăn lộn tìm nguồn tài trợ, phải đi học, đi thi với cái bụng trống rỗng... Điều gì mang lại cho tôi sức mạnh như thế? Đó là đam mê học tập. Nhưng rồi tôi nhận ra mình vẫn còn thua xa các học viên lớp tiếng Anh, lớp bổ túc văn hóa tôi tham gia giảng dạy hằng đêm. Với hai thứ tóc trên đầu, các cô bác ấy học để làm gì ở tuổi đã nghỉ hưu. Câu trả lời của họ luôn là: “Ngày xưa ham học lắm nhưng không có điều kiện. Giờ con cái thành đạt thì mình đi học để thỏa đam mê ngày xưa”. Họ học vì đam mê. Và đam mê đó khiến họ cảm thấy cuộc đời thật ý nghĩa dù họ đã ở tuổi gần đất xa trời.
Nếu phải xét hoàn cảnh, sức khỏe, điều kiện... trước khi thực hiện đam mê thì chúng ta hôm nay đã không có nhà văn kiêm dịch giả tài hoa Nguyễn Bích Lan. Không ai trách nếu Nguyễn Bích Lan chấp nhận cuộc sống ký sinh với căn bệnh ngặt nghèo. Thế nhưng nhờ đam mê học ngoại ngữ cô đã thành công.
Đã gọi là đam mê, không cần thiết phải thực hiện đam mê đó ở số tuổi nhất định, hay từ đam mê đó phải kiếm được nhiều tiền. Vì vậy, nếu khuyên học sinh, tôi luôn nhắc câu nói mà ngày xưa thầy tôi đã ghi vào lưu bút của tôi: “Phải chọn con đường đẹp cho mình và can đảm dấn thân”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận