Việc Ninh Thuận xử phạt người bán vé số “trái tuyến” tiếp tục nhận nhiều ý kiến trái chiều nhau.
Không phải hàng hóa thông thường
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính Bộ Tài chính giải thích tại điều 8 nghị định 30 năm 2007 quy định doanh nghiệp kinh doanh xổ số trên địa bàn toàn quốc hoặc tại từng khu vực theo quy định của Bộ Tài chính.
Từ quy định này, Bộ Tài chính ban hành thông tư 75 năm 2013 hướng dẫn hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết được chia theo ba khu vực: miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Về địa bàn bán vé thì đối với miền Nam và miền Trung, khu vực nào thì bán vé ở khu vực đó. Vé phát hành ở miền Trung chỉ được bán từ Quảng Bình vào đến Ninh Thuận, Đắk Nông. Còn miền Nam thì bán từ Bình Thuận, Bình Phước trở vào. Việc bán ở khu vực khác là không đúng quy định.
Theo Bộ Tài chính, nghị định 78 năm 2012 quy định kinh doanh vé số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. “Nghĩa là xổ số không phải như hàng hóa thông thường mà muốn bán bao nhiêu và muốn bán ở đâu cũng được” - một cán bộ thuộc Bộ Tài chính cho hay.
Vụ này cũng cho biết điều 38 nghị định 98 năm 2013 quy định hành vi bán vé xổ số không đúng địa bàn sẽ bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Phi thị trường
Theo ông Trần Toàn Thắng - phó trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc quy định không gian kinh doanh xổ số là rất vô lý, phi thị trường.
Tại sao phải hạn chế việc loại vé số này chỉ được bán ở địa bàn miền Trung mà không được bán ở địa bàn miền Nam và ngược lại khi VN là một thị trường thống nhất?
Ông Thắng cho rằng trong nền kinh tế thị trường, nhất là với tinh thần đổi mới của Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh thì những quy định giới hạn, khoanh vùng địa bàn bán vé xổ số hoàn toàn đi ngược, thậm chí sai hoàn toàn chỉ đạo của Chính phủ.
Do đó, cần thiết phải thay đổi quy định này để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, nghĩa là không có chuyện khoanh địa bàn kinh doanh xổ số.
Thêm nữa, việc phạt các đại lý bán xổ số chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa cả. Vì kinh doanh xổ số có nhiều tầng nấc đại lý, người bán vé dạo là đại lý cấp 4, cấp 5. Làm sao cơ quan quản lý có thể giám sát, quản lý được việc họ bán đúng địa bàn hay không.
Về mặt hiệu quả kinh tế thì chi phí giám sát việc người kinh doanh có bán đúng địa bàn hay không lớn hơn lợi ích mà chính sách mang lại.
“Còn chủ trương của Nhà nước không muốn hoạt động kinh doanh xổ số, cần phải kiểm soát chặt chẽ thì chỉ cần giảm số lượng vé phát hành. Đáng lẽ nhu cầu thị trường là 1.000 vé/tuần thì chỉ cho phép phát hành ít hơn. Điều này không khó vì các doanh nghiệp kinh doanh xổ số là doanh nghiệp của Nhà nước” - ông Thắng nói.
“Đánh” vào người bán dạo là không hợp lý Mục đích của quy định địa bàn kinh doanh vé số là hạn chế tình trạng bán vé số không đúng tuyến, nên nếu đánh vào những người bán vé số dạo thì không hợp lý. Muốn ngăn chặn thì cơ quan chức năng phải phạt đại lý vé số, nếu đại lý không bán vé số của miền Nam thì người Ninh Thuận không thể có vé số để bán. Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận