Phóng to |
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại thảo luận tổ ngày 3-6 - Ảnh: V.D. |
Đó là phát biểu của đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), sáng 3-6.
Nâng tỉ lệ đại biểu chuyên trách
Tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhiều ý kiến tán thành nâng tỉ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ 25% hiện nay lên 35% trong tổng số đại biểu Quốc hội 500 người.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nói rất cần tăng tỉ lệ này, tối thiểu là 40% và dần dần tăng lên 50%. Bà Quyết Tâm cho rằng hoạt động của đại biểu phải mang tính chuyên nghiệp, phải thành một nghề.
Cũng liên quan đến việc nâng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 35%, theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM), ngoài hai kỳ họp thì những đại biểu chuyên trách giống như một công chức, có tính chất hành chính hóa công tác của đại biểu. “Chính vì tính chất công chức này đã làm tính đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri kém đi... Đây là vấn đề phải bàn” - ông Đương nói.
"Về kinh phí hoạt động của Quốc hội, chúng ta không tiếc, nhưng nếu luật không thông qua được hoạt động chuyên nghiệp của Quốc hội trong khi yêu cầu đảm bảo tăng kinh phí hoạt động thì tôi cho rằng rất lãng phí. Quốc hội xài quá nhiều tiền của dân mà kết quả thì chưa được như mong muốn" Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) |
Đại biểu Trần Du Lịch nhìn thêm ở một góc khác. “Cần hướng dần tới đại biểu chuyên nghiệp, chứ không phải là chuyên trách. Cứ hành chính hóa chức vụ thế này, khi làm ở cấp tỉnh phụ cấp chức vụ 0,8 - 0,9 gì đó, đùng một cái nhảy vọt lên làm đại biểu chuyên trách của một ủy ban nào đó của Quốc hội phụ cấp nâng 1,25. Đây là con đường thăng quan tiến chức nhảy vọt so với hệ thống của ta hiện nay. Và khi có một con đường như vậy thì nó sẽ phát sinh cái gì, các anh sẽ thấy” - đại biểu Lịch lưu ý.
Ông bày tỏ quan điểm đồng ý với các ý kiến đặt vấn đề đại biểu Quốc hội là ngang quyền cho dù làm chuyên trách ở đâu, không hành chính hóa thứ bậc và công chức hóa.
Không giống ai
Là người gắn bó với Quốc hội lâu năm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn nhận xét rằng dự thảo luật này chưa phúc đáp được ba yêu cầu của Hiến pháp đối với Quốc hội: cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực cao nhất và cơ quan lập pháp.
Ông Quyền cho rằng nhiều điểm của dự luật đang đi ngược lại với nguyên lý tổ chức nghị viện.
“Ngồi thảo luận luật tại hội trường tôi vô cùng sốt ruột: cứ mỗi người đọc một bài, ý nọ trùng ý kia. Ở các nước người ta làm luật tại ủy ban, có chuyên gia kỹ thuật lập pháp chỉnh sửa, hoàn thiện và khi ra quốc hội thì đại biểu chỉ phản biện và thông qua. Với những cách làm việc như thời bao cấp, chúng ta chưa thể có một quốc hội mà vai trò của đại biểu là trung tâm” - ông Quyền khẳng định.
Ông Quyền cũng cho rằng VN đang quá hành chính hóa Quốc hội, nhìn vào người ta vẫn thấy có cái gì từa tựa như chế độ thủ trưởng.
Đại biểu Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) cho rằng trong bầu cử đại biểu Quốc hội nếu quá lệ thuộc vào cơ cấu thì hạn chế tiêu chuẩn, do vậy cần quan tâm đến năng lực, trí tuệ của người đại biểu.
Theo ông Tăng, thực tế cho thấy có đại biểu vì vào Quốc hội theo cơ cấu cho nên ở địa phương phải giải quyết công ăn việc làm cho đại biểu này, cấp lãnh đạo phải có thư giới thiệu rồi gọi cơ quan tiếp nhận đến bàn bạc mãi mới được nhận vào làm.
Ông Tăng cũng bày tỏ băn khoăn trước việc dự thảo luật quy định thêm chức tổng thư ký Quốc hội, qua nghiên cứu cho thấy chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và tổng thư ký là một, vì vậy có nên lập thêm chức danh mới?
Sôi nổi tranh luận mô hình tòa án sơ thẩm khu vực
Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) chiều 3-6, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tranh luận xoay quanh phương án thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực (gọi tắt là tòa án khu vực).
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) không đồng ý thành lập tòa án khu vực. Một trong những lý do là tổ chức theo đề xuất này sẽ làm tăng biên chế, tăng đầu tư cơ sở vật chất, không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế...
“Tòa án sơ thẩm khu vực được thành lập với quy mô còn lớn hơn tòa án cấp tỉnh, theo đó Nhà nước sẽ tăng đầu tư xây dựng trụ sở, kinh phí sẽ rất tốn kém” - đại biểu Thường băn khoăn.
Dẫn chứng, đại biểu Thường cho biết Thái Bình có tám huyện, dự kiến thành lập bốn tòa án khu vực. Hiện nay các tòa án cấp huyện hoạt động rất tốt, không vướng gì cả, số lượng việc cũng không nhiều. Nhưng nếu thành lập tòa khu vực thì số lượng biên chế tăng lên gấp hai lần so với hiện tại. Như vậy có cần thiết không?
Một số ý kiến khác cũng đưa ra các lý do tương tự để nói rằng vẫn còn những băn khoăn và đề nghị cân nhắc phương án thành lập tòa án khu vực. Khi thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tư pháp Quốc hội còn ghi nhận những ý kiến cho rằng việc tổ chức tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực với địa bàn rộng, gây khó khăn trong việc đi lại cho người dân.
Tranh luận vấn đề nói trên, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) nói rõ không đồng ý với ý kiến của đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng việc thành lập các tòa án khu vực là phình tổ chức, tăng biên chế...
“Nếu thành lập tòa khu vực sẽ giảm được biên chế, bộ máy giúp việc, tập trung được nhân lực, vật lực” - đại biểu Độ khẳng định, đồng thời đề nghị tránh tình trạng tòa án một huyện mỗi năm chỉ giải quyết vài vụ án, ví dụ như năm vừa rồi có năm huyện cả năm không có vụ án nào để giải quyết trong khi ở đó có đầy đủ “bộ sậu” gồm chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thư ký, văn phòng... Như vậy là rất tốn kém, cồng kềnh không cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận