09/07/2018 14:46 GMT+7

Phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tại, từ năm 2010 đến 2017 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.

Phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất - Ảnh 1.

Nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất có liên quan tới độ dốc lớn về địa hình của khu vực miền núi đi liền với diễn biến mưa lớn phức tạp và sự suy giảm độ che phủ rừng - Ảnh: CHÍ TUỆ

Sáng 9-7, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội thảo khoa học "Giải pháp công nghệ trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất".

Năm 2017 lũ quét, sạt lở đất có xu hướng gây thiệt hại nghiêm trọng gia tăng, thiệt hại nghiêm trọng nhất là lũ quét, sạt lở đất ở Mường La (Sơn La), Mù Cang Chải (Yên Bái) trong ngày 2 và 3-8-2017 làm 32 người chết và mất tích.

Sau đó là các thiên tai tượng tự xảy ra ở Đà Bắc, Tân Lạc (Hòa Bình), Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam) làm tổng cộng 71 người chết và mất tích, 4.100 ngôi nhà đổ sập, cuốn trôi.13.200 ngôi nhà.

Đầu tháng 6-2018, mưa lớn bất thường ở Lai Châu, Hà Giang gây ra lũ quét, sạt lở đất đã làm 33 người chết và mất tích, 176 nhà bị sập đổ, 1270 ngôi nhà bị hư hỏng, di dời khẩn cấp... thiệt hại ước tính 535 tỉ đồng.

Cả nước hiện có 1.700 xã có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tập trung chủ yếu tại 4 khu vực: Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong đó, 500 xã có nguy cơ cao và rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Đặng Thanh Mai cho biết, trung bình mỗi năm ở Việt Nam xảy ra 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất và đang có xu hướng gia tăng.

"Nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất có liên quan tới độ dốc lớn về địa hình của khu vực miền núi đi liền với diễn biến mưa lớn phức tạp và sự suy giảm độ che phủ rừng - thảm thực vật. Đặc biệt là các tác động của con người, trong đó trọng tâm là chặt phá rừng và xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện…"  - bà Mai nói

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên Trần Hà Sơn cũng cho rằng hoạt động con người đang phá vỡ thảm thực vật. 

"Nếu cứ phá rừng làm thủy điện, nương rẫy, khai thác, đào đường, xây dựng nhà sẽ phá vỡ tự nhiên thì hậu quả trượt sạt, lũ ống, lũ quét sẽ xảy ra.

Hơn nữa việc thói quen, tập quán của người dân xây dựng ở ven sông, suối làm cản trở khẩu độ thoát lũ, vì vậy các ngành chức năng cần xem xét di dời, cắm mốc để đảm bảo khẩu độ thoát lũ cho sông suối là cực kỳ quan trọng" - ông Sơn phân tích

Ông Sơn cũng cho rằng việc triển khai thí điểm các giải pháp phòng chống sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía bắc là rất quan trọng để từ đó có hướng xử lý giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét tính thực tế về địa hình, kinh tế để tìm ra các giải pháp phù hợp.

Tại hội thảo, các đại diện đến từ Đài Loan, Nhật Bản đã đưa ra các giải pháp xử lý sạt lở mái dốc, công nghệ đập ngăn bùn đá giảm nhẹ rủi ro lũ quét, sạt lở đất.

Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhận định thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy các cấp, ngành triển khai khẩn cấp các giải pháp công trình và phi công trình trong phòng chống rủi ro do lũ quét, sạt lở đất như thí điểm các hệ thống quan trắc, cảnh báo, công nghệ đập ngăn bùn đá…

Cảnh báo kịp thời để người dân vùng chịu ảnh hưởng biết, có biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại. 

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ ứng phó với thiên tai, nhất là trong lĩnh vực quan trắc, giám sát, đánh giá, cảnh báo sớm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất…

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp