Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nói nếu xét về giá trị vật chất thì phần thưởng chẳng là bao, nhưng thời điểm khen thưởng ngay cao điểm mua sắm còn có ý nghĩa khác.
Đó là sự khích lệ kịp thời đối với những cánh tay nối dài của nhà sản xuất khi đưa hàng đến người tiêu dùng theo đúng giá niêm yết.
Người dân đã miễn cưỡng chấp nhận quy luật đến tết là giá tăng. Nhưng nhiều nơi, từ chính quyền đến doanh nghiệp đang nỗ lực phá vỡ quy luật này.
Để chuẩn bị một mùa tết giá ổn định, từ nhiều tháng trước TP.HCM cũng như nhiều địa phương trong cả nước đã tạo nguồn hàng, ứng vốn cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển điểm bán... Cho dù số điểm bán tại TP.HCM có tăng nhanh từ hơn 1.000 điểm của Tết Tân Mão 2011 lên gần 2.500 điểm trong mùa tết năm nay, nguồn hàng dồi dào nhưng không hẳn thị trường đã bình yên.
Thực tế chỉ cần bước ra khỏi siêu thị là người dân đối mặt ngay với tình trạng giá nhảy múa và cao một cách tùy tiện. Một ký thịt gà tăng thêm 10.000 đồng khi người bán thấy có nhiều người mua. Giá giữ xe máy bỗng dưng tăng 3-5 lần vì “tết mà”. Nạn bán hàng không niêm yết giá, nói thách, “chặt chém” vẫn phổ biến. Như mọi năm, thiệt thòi lớn nhất sẽ là những người thu nhập thấp, chỉ có được thêm ít tiền để mua sắm gần giờ giao thừa.
Những ngày này, các cơ quan chức năng căng người ra kiểm tra niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Một cán bộ kiểm tra giá thuộc Sở Tài chính TP.HCM thừa nhận năm nào sở cũng lập đoàn kiểm tra liên ngành, kế hoạch kiểm tra chi tiết nhưng loạn giá cứ như bệnh dịch “dập chỗ này, bùng chỗ kia”.
Sẽ khó có thể xử lý được tất cả trường hợp nói thách, “chặt chém”, không niêm yết giá nếu không có sự tự nguyện tham gia của những người bán hàng. Bởi phần lớn điểm bán hàng đều là nhỏ lẻ, không gắn bó với bất kỳ hệ thống phân phối nào nên không cần bán đúng giá để giữ khách hàng. Vì vậy để có thể bình ổn giá, chấm dứt nạn “chặt chém”, thậm chí có thể xóa bỏ quy luật “giá tết”, ngoài việc dự trữ hàng bình ổn cần phải tổ chức, mở rộng các hệ thống phân phối hàng mà ở đó các đại lý gắn bó chặt chẽ với nhà phân phối. Khi đó họ có trách nhiệm bán đúng giá, coi đó là cách tốt nhất để có thêm khách hàng. Như bà Lê Ngọc Đào trong buổi trao tặng bằng khen cho 10 đại lý trên nói: “Bán đúng giá là một cách để đại lý giữ gìn uy tín, thương hiệu cho công ty. Người dân tin cậy thì đại lý bán được nhiều hàng, có doanh thu ổn định. Coi như lợi đôi đường”.
Có thể chúng ta sẽ khá hài lòng với những gì mà các chương trình bình ổn giá đem lại cho một bộ phận người tiêu dùng. Nhưng cũng cần có đột phá để doanh nghiệp mở rộng đại lý phân phối hàng hóa, kể cả thu hút những người bán hàng nhỏ lẻ trở thành các đại lý của mình. Khi đó, nhà quản lý có thể nắm “người có tóc” là các nhà sản xuất, phân phối chính, người tiêu dùng bớt phải chật vật với nạn nói thách, “chặt chém” bởi tất cả bán hàng có niêm yết giá theo giá công ty công bố... Nếu tổ chức tốt, những năm tới có thể người tiêu dùng sẽ được hưởng những đợt giảm giá lớn trong dịp tết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận