Phóng to |
Tượng đài 37 liệt sĩ đồn biên phòng Pha Long - Ảnh: V.T. |
Trong mây bay rát mặt và rét tới 5OC, chúng tôi ngước nhìn hàng chữ màu đỏ chót “Đồn biên phòng Pha Long” lặng lẽ hiện trên lối vào doanh trại. Từ dãy nhà cấp bốn đến vườn rau xanh và từng câu khẩu hiệu ngay ngắn, toát lên vẻ nền nếp, trang nghiêm như tác phong người lính trên đỉnh rừng biên giới.
Trên chót vót đỉnh rừng
Chính trị viên, thiếu tá Phan Đức Mạnh - 37 tuổi, được cánh lính trẻ măng ở đây gọi là “thủ trưởng cao tuổi của đồn” - nói từ đây lên các điểm chốt toàn đường mòn cheo leo nhưng lầy lội. Anh ngồi lên xe máy, dặn: “Ngồi sau bám vào tôi thật chắc. Đoạn đường nào tệ quá thì ta cuốc bộ, đi rồi sẽ ngấm “chất lính biên cương” của đồn Pha Long”.
Vượt qua 7km đường biên lầy lội, chúng tôi gặp một tốp lính trẻ măng đang trấn giữ điểm chốt Lồ Cố Chin trong sương mù. Câu đầu tiên, trung úy Phạm Đức Hậu - 32 tuổi, quê Sơn La, trưởng chốt - nói: “Hôm nay trời đỡ mây mù vì ở đây có ngày lạnh dưới 3 độ C. Lính chốt phải dùng ba găng tay. Trong cùng là găng len, đến găng da. Cóng quá, anh em phải dùng cả loại găng tay dùng rửa bát để chống đỡ”.
Thiếu úy Nguyễn Hữu Cường - 30 tuổi, quê Thanh Hóa - góp chuyện: “Rét thế nhưng mỗi năm Lồ Cố Chin thiếu nước đến bốn tháng mùa khô nên mỗi dịp trời mưa là anh em căng nilông hứng nước dùng dần. Ở đây lính tiết kiệm rất bài bản: nước đánh răng, rửa mặt, tắm giặt, vo gạo đều được chắt lại để tưới rau mới có rau xanh cho từng bữa ăn”.
Nghe chuyện, thiếu tá Mạnh chỉ tay xuống dưới tít mù dãy rừng để chúng tôi nhìn dòng nước nhỏ như cây giang, cây nứa đang lòng vòng chảy. Anh bảo đó là suối Xanh, thượng nguồn của sông Chảy, nhưng xuống tận dưới đó gùi lên được một can nước về phải mất gần nửa ngày, cực lắm. Vì thế biện pháp căng nilông hứng nước mưa đang là thượng sách. Ở bên đồn chính đỡ hơn chút vì đã có đường ống dẫn nước từ xã Tà Ngải Chồ, cách 4km. Do nhu cầu dùng nước của dân quá nhiều nên bộ đội biên phòng nhường cho dân lấy ban ngày, ban đêm khi gác anh em tranh thủ lấy nước, nhưng cũng chỉ lấy được 15 phút phải dừng chờ lấy tiếp vì nước trên này không sẵn.
Trên đường về, thiếu tá Mạnh dẫn tôi đi qua vườn đào đang nở tím, vào thắp hương tại đài các anh hùng liệt sĩ ngay trước cổng đồn Pha Long. Tôi ngước nhìn những dòng chữ khắc trên mặt đá tượng đài cao vút trong mây bay, đọc lần lượt tên tuổi 37 liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ biên giới tháng 2-1979, trong đó có những người lính trẻ vừa nhập ngũ năm 1978.
Thiếu tá Mạnh nhớ lại: “Trận chiến bất ngờ đó kéo dài gần tháng trời, đồn biên phòng chúng tôi kết hợp quân và dân địa phương đã anh dũng chiến đấu, đánh trả nhiều đợt tấn công, tiêu diệt hàng trăm quân và đẩy lùi đối phương về bên kia biên giới. Trong đó tấm gương chiến đấu mưu trí, quả cảm của Lê Khắc Xuân sau này được truy tặng danh hiệu anh hùng và nhiều người lính kiên cường như Võ Đại Huệ, Lê Đình Chinh, Hà Văn Sặn...”.
Phóng to |
Đại úy Mai Đức Thịnh cùng tổ trinh sát biên phòng mai phục bọn buôn ma túy trên đường biên - Ảnh: V.T. |
Hai cha con người lính
Đêm, sương mù bay ướt cả căn phòng của đại úy Mai Đức Thịnh - phó đồn trưởng nghiệp vụ. Anh sinh năm 1976 ngay cạnh đồn biên phòng Pha Long. Câu chuyện hấp dẫn đó khiến chúng tôi không còn để ý những cơn gió rét ngọt đang phong tỏa.
Đại úy Thịnh kể: “Bố tôi là Mai Khánh Thát, người dân tộc Tày, quê Thái Nguyên, công tác tại đồn Pha Long từ năm 1972, nguyên đồn trưởng những năm 1976-1980. Sau đó ông được đề bạt làm phó chỉ huy Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Lào Cai, nay đã về hưu. Năm 1975, khi đang là phó đồn, anh em biên phòng Pha Long làm đám cưới cho bố tôi. Lúc đó, mẹ tôi là mậu dịch viên cửa hàng thương nghiệp xã Pha Long. Hồi đó cưới ở đồn chỉ có bánh kẹo, quà mừng toàn nồi niêu, xoong chảo của người Mông, người Dáy nhưng rất vui. Cưới xong, anh em biên phòng làm cho bố mẹ tôi một gian nhà ở cạnh đồn”.
Đồn có nhiều danh hiệu * Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 19-12-1979. * Huân chương Quân công hạng nhì (1976). Huân chương Chiến công hạng ba, nhất, nhì các năm 1978, 2006, 2007. Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba (2007). Ba bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2001, 2005, 2008. Bốn bằng khen của Bộ Quốc phòng năm 2002, 2003, 2007, 2009. Ba bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai năm 2007, 2008, 2009. 12 bằng khen của Bộ tư lệnh biên phòng. 12 năm liền đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng, Đảng bộ trong sạch vững mạnh... |
Năm 1978, bé Thịnh mới biết đi lẫm chẫm. Mỗi lần mẹ mời bố về nhà ăn cơm là viết vào tờ giấy rồi buộc vào cổ tay bé tẹo của Thịnh để đưa đến cho bố. Ngoài mẹ đẻ, Thịnh còn có mẹ Việt, mẹ Nhì. Bởi khi mới sinh trời Pha Long lạnh cóng nên Thịnh không thở được. Hai bà mẹ người Mông, người Dáy này đã thay nhau bế Thịnh hơ quanh bếp lửa thì Thịnh mới cất được tiếng khóc chào đời. Cũng chính ba bà mẹ này đã bồng bế Thịnh chạy giặc năm 1979 khi mới rục rịch chiến tranh biên giới.
Kể chuyện về ba bà mẹ xong, đại úy Thịnh nhắc đến những người lính biên phòng từng cưu mang mình trước cuộc chiến mà giờ có người đã hi sinh, trong đó có liệt sĩ Hà Văn Sặn.
“Chính chú Sặn đã cùng ba bà mẹ đưa tôi ra khỏi hai xã Pha Long và Tả Ngải Chồ là địa bàn đồn Pha Long đóng quân. Lúc đó bố tôi đang họp ở tỉnh. Giờ mỗi lần đi qua đài liệt sĩ, tôi lại nhớ về một góc tuổi thơ của mình” - đại úy Thịnh xúc động nhớ lại.
Là người dân tộc Tày nên học xong phổ thông, Thịnh có tiêu chuẩn cử tuyển vào đại học nhưng anh vẫn thích đi bộ đội. Từ bộ đội anh thi vào Học viện Biên phòng. Sau khi tốt nghiệp, một số người bạn của bố Thịnh gợi ý cho anh công tác ở đồn biên phòng cửa khẩu Lào Cai nhưng ông đã gạt đi và hướng Thịnh về công tác tại đồn biên phòng Mường Khương. N
ăm 2008, trước khi về Pha Long, ông căn dặn con trai: “Pha Long là một trong những cột mốc phên dậu của biên giới nhưng là nơi chôn nhau cắt rốn của con. Các chú, các bác biên phòng ở đó từng bồng bế, cưu mang con”.
Anh về đồn Pha Long với chức vụ phó đồn trưởng nghiệp vụ, hiểu rõ từ vụ phỉ Châu Quang Lồ cướp đồn năm 1960 đến địa bàn chuyên trung chuyển ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, đa số trẻ em không đến trường...
Đại úy Thịnh dành nhiều thời gian học kỹ thuật trồng cây lê quả xanh, lúa séng cù; nuôi lợn ỷ, gà đông cảo rồi mới “cùng ở, cùng ăn, cùng làm với dân” để “nghĩ ra công việc trên biên giới”. Kết quả này khiến chỉ huy đồn không ngờ khi mở cuộc vận động những hộ dân có ruộng, nương và rừng sát đường biên tham gia bảo vệ biên giới, tất cả người dân thuộc 285 hộ thuộc diện này đã đăng ký thành mười tổ tự quản đường biên.
Đại úy Thịnh cho biết: “Chính những người dân này đã cung cấp hàng ngàn nguồn tin, trong đó có gần 500 tin có giá trị giúp đơn vị phối hợp các lực lượng huyện, tỉnh phá 34 chuyên án, bắt giữ 41 đối tượng, thu 19kg thuốc phiện nhựa, 119 bánh heroin, hàng ngàn viên ma túy tổng hợp..., giải cứu hàng chục phụ nữ, trẻ em bị bán sang Trung Quốc. Mười tổ tự quản này còn góp phần tích cực cùng biên phòng Pha Long trong việc phối hợp với biên phòng toàn tuyến giúp tỉnh Lào Cai hoàn thành sớm hơn một năm về phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt - Trung”.
Một người lính trẻ măng đang khoác AK trên vai bỗng giật mình khi điện thoại trong túi áo ngực rung lên. “Ở đây sóng chập chờn khi có khi không, phải lên đỉnh chốt mới nghe rõ. Anh em đều ở xa, một năm chia phép ra hai lần thay nhau về thăm quê. Nỗi nhớ cha mẹ, vợ con cứ nghẹn lại nơi cổ họng” - trung úy Hậu nói, ánh mắt anh hoe đỏ. |
Đang say câu chuyện nhưng đại úy Thịnh phải cáo lui vì anh đang trực tiếp chỉ huy một tổ biên phòng phục kích toán buôn ma túy đã lọt qua đường biên.
Dọc đường tới điểm chốt, anh nói: “Ma túy ở đây vẫn nóng lắm. Có vụ chúng tôi phải ăn lương khô, nằm trong cống nước giữa rừng hơn hai ngày trời mới tóm được tụi nó”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận