04/01/2016 11:01 GMT+7

Phá đường dây buôn thận trong loạt bài điều tra của Tuổi Trẻ

LÊ THANH HÀ - HOÀNG LỘC (lethanhha@tuoitre.com.vn) (hoangloc@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ - HOÀNG LỘC ([email protected]) ([email protected])

TT - Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài điều tra về đường dây buôn thận xuyên quốc gia, Bộ Công an đã lập ban chuyên án BT914 để bóc gỡ đường dây này.

 

Những người bán thận nằm chờ tại một khách sạn ở TP Huế vào thời điểm tháng 8-2014 - Ảnh cắt từ clip điều tra
Những người bán thận nằm chờ tại một khách sạn ở TP Huế vào thời điểm tháng 8-2014 - Ảnh cắt từ clip điều tra

Loạt bài điều tra nhiều kỳ “” mà các phóng viên Tuổi Trẻ đã dày công xâm nhập, theo đuổi được khởi đăng từ ngày 8-9-2014 đã tạo sự quan tâm đặc biệt của dư luận. 

Kết quả xác minh ban đầu của ban chuyên án cho thấy đường dây buôn thận hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tỉnh, TP liên quan đến nhiều người và có sự giúp sức của một số y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế.

Ban chuyên án BT914 đã khởi tố vụ án làm giả con dấu, giấy tờ cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi môi giới mua bán thận nhằm trục lợi.

Đồng thời, bắt tạm giam Nguyễn Việt Dũng (tự Dũng “trọc”, sinh năm 1982, Hải Phòng) để điều tra về hành vi làm giả con dấu, giấy tờ cơ quan nhà nước.

Từ thông tin Tuổi Trẻ

Theo ban chuyên án, ngay sau khi báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài điều tra nói trên, C45 đã phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công an TP Hà Nội kiểm tra, xác minh có ba điểm tập kết người cho và ghép thận tại Huế và một điểm ở Hà Nội.

Qua xác minh, C45 xác định có nhiều trường hợp thông qua một số người, băng nhóm trong đường dây mua bán thận của Dũng “trọc” để thực hiện việc cho và ghép thận.

Nhóm này đã thu tiền, làm giả các giấy tờ để được hội đồng tư vấn Bệnh viện Trung ương Huế xét duyệt cho và ghép thận.

C45 đã thu thập được nhiều tài liệu, chứng từ nghi làm giả con dấu, xác nhận của các cơ quan nhà nước để thực hiện việc môi giới cho và ghép thận, từ đó xác định nội dung loạt bài điều tra của báo Tuổi Trẻ là có cơ sở.

Cụ thể, đầu năm 2013, Lê Thị Yến (sinh năm 1965, Nam Định) đã cấu kết với Lê Thị Hà (sinh năm 1978, Nam Định, em gái Yến) và Nguyễn Việt Dũng hình thành đường dây chuyên tìm kiếm, môi giới việc cho và ghép thận.

Nhóm này đưa các thông tin, số điện thoại lên mạng internet với chiêu bài có người nhà bị suy thận nặng, cần người cho thận và sẽ bồi dưỡng tiền người cho thận để lôi kéo những người có nhu cầu bán thận, đồng thời tìm kiếm những người bị bệnh thận có điều kiện về kinh tế nhằm môi giới cho và ghép.

Yến, Dũng, Hà còn trưng tập một số thanh niên đã từng bán thận vào đường dây để thực hiện việc đưa đón, tập kết người ghép và cho thận từ các địa phương.

Hầu hết người cho thận là thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nợ nần túng quẫn đến từ các vùng miền tập kết về Huế để thực hiện việc mua bán thận.

Các ca cho và ghép thận được Yến, Dũng, Hà tổ chức cho xét nghiệm tại các bệnh viện ở Hà Nội như Việt Đức, 103, Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y rồi đưa vào Huế để phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Theo môi giới, sắp đặt của Yến, Dũng, Hà, mỗi người cho thận sau khi lên bàn mổ sẽ được nhận từ 110-180 triệu đồng từ nhóm của Yến hoặc từ người nhà bệnh nhân. Còn họ nhận tiền môi giới, làm các giấy tờ, thủ tục từ 50-100 triệu đồng/ca.

Các chi phí khác của người cho thận như ăn nghỉ, đi lại do người ghép thận trả hoặc nhóm này trả từ tiền của người ghép.

Yến có vai trò chủ mưu, Hà là người giúp sức đắc lực, Dũng có vai trò chính trong việc làm các giấy tờ, con dấu giả để hợp thức hóa các thủ tục cho và ghép thận trình hội đồng ghép thận bệnh viện.

Từ ngày 8 đến 12-9-2014, báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài về đường dây buôn thận xuyên quốc gia - Ảnh: T.TR. chụp lại

700-800 triệu đồng một quả thận

Về phía người nhận thận, ngoài việc phải trả tiền mua thận còn phải trả các khoản khác. Kết quả xác minh và lời khai những người có liên quan xác định được tổng chi phí để mua một quả thận có thể lên đến 700-800 triệu đồng.

Cơ quan chức năng lấy lời khai hơn 20 trường hợp cho và nhận thận tại các địa phương. Lời khai của các trường hợp này cho thấy thực chất của các trường hợp cho và nhận thận này đều là mua bán thận, thông qua việc tổ chức, môi giới của Yến, Dũng, Hà.

Để thực hiện trót lọt việc mua bán thận, nhóm của Yến đã làm giả các giấy tờ, thủ tục khác để được cho thận, ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Lời khai của những người mua bán thận tại Bệnh viện Trung ương Huế cho thấy có sự tiếp tay của một số y bác sĩ tại bệnh viện này.

Chẳng hạn, T.Đ.C. (Thanh Hóa) khai đã bán thận cho bà H.T.L. ở Bắc Giang với giá 150 triệu đồng thông qua Dũng “trọc”. T.Đ.C. khai trong quá trình chờ bán thận tại Huế, T.Đ.C. còn biết có khoảng hai nhóm khác chuyên môi giới bán thận.

Nhóm của Yến, Dũng, Hà và các nhóm khác thường phải chi lót tay cho một số y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế khoảng 15-20 triệu đồng để được ghép thuận lợi, nhanh chóng.

Chồng bà H.T.L. - người mua thận của T.Đ.C. - phải chi 15 triệu đồng cho bác sĩ T.A. và y tá H. để hoàn tất các thủ tục, hồ sơ cho những người cho thận. Lời khai của T.Đ.C. cho thấy có hiện tượng lót tay cho y bác sĩ để được lơi lỏng trong hồ sơ thủ tục.

Ngoài ra, N.V.Q. (Thanh Hóa), người bán thận với giá 110 triệu đồng cho ông N.D.T. (Hà Nội), còn khai người nhà của ông N.D.T. có ít nhất hai lần đưa tiền cho một trưởng khoa là bác sĩ A.T., mỗi lần từ 2-3 triệu đồng để được nhanh ra hội đồng và tạo thuận lợi trong việc xét duyệt hồ sơ trình hội đồng.

Vợ và em trai của ông N.D.T. còn phải ra một ngân hàng rút 40 triệu đồng để chi cho một lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế để được duyệt ghép khi ra hội đồng và tạo thuận lợi trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

Quá trình ông N.D.T. và người nhà bàn bạc việc đưa tiền và thông báo kết quả vị lãnh đạo bệnh viện này đã nhận tiền, N.V.Q. đều được nghe và chứng kiến. Việc đưa tiền được thực hiện tại phòng làm việc của vị lãnh đạo này.

Phóng viên Tuổi Trẻ thu thập thông tin như trinh sát thực thụ

Ngày 31-12-2015, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, thượng tá Tô Cao Lanh - trưởng Phòng 7, C45 - cho biết C45 đã bắt Dũng “trọc” ngay tại Hà Nội. Tại cơ quan điều tra, Dũng “trọc” thừa nhận tất cả hành vi phạm tội.

Từ lời khai của Dũng, ban chuyên án mở rộng điều tra để xác định số lần vi phạm, mức độ vi phạm và mời những người liên quan trực tiếp việc mua bán thận đến làm việc.

Thượng tá Trần Đình Huấn - phó trưởng Phòng 6, C45 - cho biết thêm từ tư liệu điều tra của báo Tuổi Trẻ và quá trình trinh sát trước đó, Phòng 6 đã xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá đường dây buôn thận.

“Phải nói rằng tư liệu mà báo Tuổi Trẻ cung cấp rất chính xác, giúp ích rất nhiều cho ban chuyên án. Những phóng viên thâm nhập vào tận hang ổ của đường dây buôn thận để điều tra, thu thập thông tin như một trinh sát thực thụ.

Từ các bài viết của báo Tuổi Trẻ, cơ quan điều tra vào cuộc xử lý được coi như là một tiếng chuông cảnh tỉnh không chỉ đối với người đang có ý định bán thận mà cả những đối tượng chuẩn bị có hành vi buôn bán nội tạng cũng phải buông tay rút lui” - thượng tá Huấn nói.

Chưa nằm trong quy định

Theo ban chuyên án, hành vi mua bán nội tạng chưa nằm trong quy định của Bộ luật hình sự, chỉ nằm trong một số văn bản hành chính của các bộ, ngành như Bộ Y tế, do đó buộc phải xử lý theo hành vi “làm giả giấy tờ, tài liệu cơ quan tổ chức” đối với Dũng “trọc”.

Nếu ra tòa có thể xem xét động cơ, mục đích mua bán nội tạng của các đối tượng trong đường dây này để làm tình tiết tăng nặng. Đây là nguyên nhân gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc xử lý.

LÊ THANH HÀ - HOÀNG LỘC ([email protected]) ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp