Phóng to |
Những ngày này dọc theo hai bên bờ kênh dẫn ngọt về xã Hỏa Lựu, thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) tấp nập ghe xuồng chở củi tràm, củi dâu.
Trên bờ, tiếng máy cưa đốn hạ những vườn dâu xanh 8-10 năm tuổi. Lão nông Bảy Thanh nói tuy rất “thương dâu” nhưng không thể bám lấy loại cây cho thu nhập quá thấp này nên phải đốn bỏ vườn dâu 0,5ha để trồng mía dù đã trễ mùa vụ.
Triệt hạ dâu, cam
Đi sâu vào xóm Kinh Mới, xen lẫn những vườn cây ăn trái là những rẫy mía vừa được trồng, chồi non vượt khỏi mặt đất hơn gang tay.
Ông Nguyễn Văn Thu ở xã Hỏa Lựu cho biết tám năm trước ông đào ao lên liếp trồng 2 công dâu do thấy nhiều người trồng dâu trong vùng ăn nên làm ra. Đầu tư trên 20 triệu đồng, chờ bốn năm sau dâu cho trái nhưng năm đầu tiên giá dâu chỉ 1.000 đồng/kg. Những năm sau tuy giá có nhích lên 2.000-2.500 đồng/kg nhưng lợi nhuận thu về cũng không nhiều vì dâu cho trái ít.
Ông Thu nói: “Mất tám năm chăm sóc vườn dâu nhưng tổng thu chỉ khoảng 15 triệu đồng nên lỗ nặng. Mía đang có giá nên tôi phá bỏ dâu để trồng mía”. Trong vườn dâu của ông Thu, hàng chục cây sầu riêng đang cho trái trồng xen giữa liếp dâu cũng bị “khai tử”.
Nhớ ký hợp đồng Theo ông Trịnh Minh Châu - trưởng tiểu vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc Hiệp hội Mía đường VN - toàn vùng có trên 30.000ha mía, không đủ đáp ứng công suất của mười nhà máy đường trong khu vực. Tuy nhiên, nếu nông dân ồ ạt trồng mía thì cần liên hệ với các nhà máy đường ký hợp đồng bao tiêu phòng khi mía rớt giá, nhà máy ngưng mua, nông dân không bán được mía sẽ lỗ nặng như những năm trước. |
Bên kia kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, nhiều nông dân ở xã Hưng Phú, Long Hưng (Mỹ Tú, Sóc Trăng) cũng phá vườn cây ăn trái để chạy theo cây mía.
Ông Sáu Thanh ở xã Hưng Phú nói: “Trồng cam bảy năm nhưng năm nào cũng chỉ bán được 4-5 triệu đồng. Năm nay nông dân vùng này trồng mía thu lãi trên 60 triệu đồng/ha nên 5 công đất trồng cam của tôi phá ra trồng mía là rất hợp thời. Với giá mía cao ngất như hiện nay, năm sau tôi thu lãi ít nhất cũng trên 20 triệu đồng”.
Anh Trịnh Văn Tùng ở xã Long Hưng cũng nói trồng mía sẽ không lỗ dù giá có giảm 500-600 đồng/kg. Chính vì vậy anh Tùng đã “khai tử” vườn bưởi đang sai trái để chuyển sang trồng mía.
“Không phải lo!”
Thống kê từ các huyện, thị xã trong tỉnh Hậu Giang, đến thời điểm này nông dân toàn tỉnh đã phát triển được khoảng 14.000ha mía tập trung ở huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ và thị xã Vị Thanh. Trong khi đó, kế hoạch sản xuất mía của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang trong năm nay là 13.000ha.
Tại Sóc Trăng, do huyện Cù Lao Dung chưa thu hoạch hết mía nên ngành nông nghiệp chưa đưa ra được tổng diện tích mía trong vụ mới nhưng có khả năng sẽ không dưới 11.000ha. Ở huyện Mỹ Tú và Long Phú, do thu hoạch mía sớm hơn huyện Cù Lao Dung nên nông dân đã tái sản xuất trên toàn bộ diện tích mía của năm trước và mở rộng từ việc phá vườn nhãn, cam.
Ông Nguyễn Văn Đồng - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang - cho biết: “Ba nhà máy đường ở Hậu Giang nếu hoạt động đủ công suất sẽ cần vùng nguyên liệu 15.000ha. Do đó, nông dân ồ ạt trồng mía không có gì phải lo ngại và nếu mở rộng đến 17.000ha mía Hậu Giang vẫn tìm được nơi tiêu thụ hết, nhưng các nhà máy cần phải có kế hoạch bao tiêu để nông dân sản xuất đảm bảo có lãi”.
Theo ông Đồng, nông dân phá bỏ vườn tạp và san bằng đất trồng tràm kém hiệu quả vì không có đầu ra để trồng mía đang được ngành nông nghiệp khuyến khích.
Hiện ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo bà con không nên phá cây ăn trái như dâu, sầu riêng... hoặc bỏ lúa trồng mía.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận