PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ trao đổi về việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy ngoại ngữ
PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ từng đạt được nhiều thành tích nổi bật khi tuổi đời còn rất trẻ: 28 tuổi lấy bằng tiến sĩ Ngôn ngữ học.
Ông hiện là trưởng khoa Khoa Ngoại Ngữ trường Đại học Hoa Sen, đồng thời là chủ nhiệm của câu lạc bộ Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh phía Nam STESOL.
Ông từng đoạt nhiều giải thưởng về việc nghiên cứu ứng dụng CNTT vào giảng dạy như phát triển phần mềm luyện thi Toefl iBT 2.1; phần mềm ED Quiz, đạt giải nhì Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM (2010), giải ba Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (2012)…
Ông được tập đoàn Microsoft công nhận là 1 trong 50 giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục xuất sắc trên thế giới. Năm 2014, được Microsoft Việt Nam công nhận danh hiệu MIE (Microsoft Innovative Educator) Master Trainer.
Đào tạo sinh viên thích ứng những thay đổi
Thuộc đội ngũ những người đi đầu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy, ông đánh giá thế nào về thực trạng dạy và học ngoại ngữ trong thời đại kỹ thuật số ở Việt nam nói chung và ở các trường đại học nói riêng?
Hiện nay rất nhiều sở giáo dục, trường đại học mạnh dạn đầu tư bảng tương tác, phòng lab multimedia và thiết bị kĩ thuật số cho việc dạy ngoại ngữ. Điều đáng tiếc là phần lớn các thiết bị này chưa được khai thác hiệu quả do công tác lập kế hoạch và tập huấn giáo viên chưa tốt.
Tâm lý phổ biến hiện nay là CNTT là chuyên môn của kĩ thuật viên, giáo viên tin học. Chúng ta đang rất thiếu đội ngũ giáo viên tiếng Anh có năng lực sử dụng CNTT tốt. Hi vọng tình hình này sẽ thay đổi trong thời gian tới khi các trường đại học đa số đã đưa môn học "Ứng dụng CNTT vào giảng dạy tiếng Anh" vào chương trình đào tạo giáo viên.
Các trường đại học đều đưa ra chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho SV tốt nghiệp và tìm cách cải thiện công tác giảng dạy tiếng Anh. Khi mới về làm trưởng khoa Ngoại Ngữ tại trường Đại học Hoa Sen, tôi rất ấn tượng về việc toàn bộ SV của nhà trường phải nộp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế mới được xét tốt nghiệp.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh. Với vai trò là người giảng dạy đồng thời là người tham gia xây dựng, triển khai các dự án giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin, theo ông các trường đại học cần có lộ trình gì để hướng đến mô hình đại học 4.0 tại Việt Nam?
Việc quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ giảng viên 4.0. Việc này sẽ khó khăn và không thể chỉ hô hào là được. Việc tiếp theo cần làm là đầu tư hạ tầng internet cho thật tốt và xây dựng platform e-learning mạnh.
Cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ làm thị trường lao động biến đổi mạnh và trường đại học 4.0 phải đào tạo sao cho sinh viên có thể thích ứng tốt với sự thay đổi theo phương châm "Giỏi một nghề, biết nhiều nghề".
Tại trường Đại học Hoa Sen, chúng tôi đang xây dựng các chương trình học 5 năm nhận 2 bằng đại học theo xu hướng này.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ
Càng khó khăn, càng nhiều cơ hội
Với những thành công có được, vì sao ông chọn gắn bó với Trường ĐH Hoa Sen?
Năm 2005, tôi có học chương trình kĩ thuật viên mạng Windows ở trường Cao đẳng Hoa Sen (bây giờ lại Đại học Hoa Sen) và đã rất có cảm tình với cách đào tạo đậm tính ứng dụng của nhà trường.
Sau này, tôi có được mời dạy thỉnh giảng bộ môn "Ứng dụng CNTT vào giảng dạy tiếng Anh" cho chương trình thạc sỹ Ngôn Ngữ Anh của Đại học Hoa Sen.
Điều làm tôi rất ấn tượng là môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại đúng theo slogan "Đại học quốc tế của người Việt" và văn hóa phục vụ, cống hiến hết mình không chỉ của giảng viên mà cả đội ngũ nhân viên phục vụ. Chính vì vậy, sau gần 9 năm làm trưởng khoa tiếng Anh ở trường đại học công lập, tôi quyết định đầu quân về Hoa Sen khi được mời.
Được biết tại toàn bộ giảng viên và sinh viên Khoa Ngoại ngữ trường Đại học Hoa Sen đã tham gia vào hệ thông Mlearing mới được xây dựng. Ông có thể chia sẻ thêm về dự án này?
Hệ thống mlearning này hoạt động tốt trên các thiết bị di động của sinh viên và đã tích hợp sẵn hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể dự báo kết quả học tập của sinh viên dựa trên data từ khóa học trước.
Sắp tới chúng tôi sẽ tích hợp thêm các hệ thống đánh giá nói, viết tiếng Anh tự động để tăng thời lượng thực hành ngoài lớp học cho sinh viên.
Mục tiêu trong năm 2019 là sẽ có các khóa học ngoại ngữ trực tuyến chất lượng tốt mang thương hiệu Hoa Sen.
Mỗi người chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Vậy làm sao để sử dụng nó hiệu quả nhất, đặc biệt khơi dậy khả năng sáng tạo và tinh thần tự học ở các bạn trẻ?
Mỗi tuần tôi có 3 buổi tập Karate ở nhà thi đấu Phú Thọ gần nhà và thêm 3 buổi tập sáo trúc tại nhà để rèn luyện sức khỏe. Tôi cho rằng thể chất tốt là điều kiện tiên quyết cho hiệu quả công việc và tinh thần làm việc luôn tích cực.
Ngoài ra tôi luôn cố gắng xây dựng và duy trì các thói quen tốt như: ăn đúng giờ; đi ngủ sớm; hay cười với mọi người; ít sử dụng các chất kích thích như cà phê, bia, rượu; đọc sách thay vì xem tivi; dành nhiều thời gian cho người thân trong gia đình.
Mỗi khi gặp một khó khăn nào đó trong cuộc sống là tôi lại nhớ đến lời dặn của một đồng nghiệp ở Nepal "Vũ! Khi bạn gặp 1 khó khăn tức là bạn có 1 cơ hội đấy. Hãy nghĩ về cơ hội ấy". Càng nhiều khó khăn thì càng nhiều cơ hội. Sáng tạo là kết quả của việc giải quyết khó khăn.
Say mê công nghệ để ứng dụng vào giảng dạy
TS Vũ Tường Thuỵ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen: Trong thời gian ngắn làm việc chung vừa qua, tôi đánh giá sự nhiệt tình, ham học hỏi, và nhiều sáng kiến của anh Vũ. Trong tất cả các vấn đề cần giải quyết, anh Vũ luôn mang đến những đề xuất giải pháp sáng tạo.
Bản thân tôi là một nhà công nghệ, tôi rất ngạc nhiên thích thú với niềm say mê công nghệ để ứng dụng vào giảng dạy Ngoại ngữ của anh Vũ. Anh là 1 điểm sáng trong đội ngũ chuyên gia liên ngành đang cùng nhau phát triển 1 đại học quốc tế định hướng ứng dụng.
Mỗi khi gặp một khó khăn nào đó trong cuộc sống là tôi lại nhớ đến lời dặn của một đồng nghiệp ở Nepal “Vũ! Khi bạn gặp 1 khó khăn tức là bạn có 1 cơ hội đấy. Hãy nghĩ về cơ hội ấy
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận