* Đà Nẵng trở lại ngôi đầu
Phóng to |
Điểm tích cực trong bảng xếp hạng PCI năm nay là các trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước đã tăng hạng trở lại, trong đó TP.HCM tăng 3 hạng - Ảnh: V.N.A. |
Theo kết quả bản báo cáo, điểm tích cực trong bảng xếp hạng PCI năm nay là các trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước đều tăng hạng, TP.HCM tăng 3 hạng, nằm trong top 10 tỉnh, TP có PCI cao nhất cả nước. Thủ đô Hà Nội tăng 18 hạng trong trong bảng chỉ số, xếp hạng 33 từ vị trí 51 của PCI 2012.
Nhóm tỉnh có chỉ số PCI thấp nhất vẫn phần nhiều thuộc khu vực miền núi phía Bắc.
Đặc biệt, TP Đà Nẵng (66,45 điểm) đã trở lại dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI 2013 từ vị trí thứ 12 của năm ngoái, Đà Nẵng từng có 3 năm liên tiếp từ 2008-2010 giữ vị trí quán quân PCI cả nước, tuy nhiên, sau đó đã bị tụt hạng.
Khu vực duyên hải miền Trung trong lễ công bố năm nay cũng chính thức có hai tỉnh được đánh giá nằm trong nhóm xếp hạng Rất Tốt là Thừa Thiên-Huế (65,56 điểm, thứ 2) và Quảng Ngãi (62,60, thứ 7).
Giống như nhiều năm trước, nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì chất lượng điều hành tốt, có đến 3 tỉnh là Kiên Giang (63,55 điểm, thứ 3), Đồng Tháp (63,35 điểm, thứ 5) và Bến Tre (62,78 điểm, thứ 6) thuộc 7 tỉnh nhóm Rất Tốt. Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên đứng trong nhóm 4 tỉnh xếp hạng PCI cao nhất với 63,51 điểm.
Từ khi công bố PCI, đã chứng kiến việc nhiều tỉnh thành đã tổ chức họp, chỉ đạo quyết liệt để thăng hạng. Đánh giá về ý nghĩa của chỉ số PCI, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI - cho rằng chỉ số này tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thể dễ dàng phản ánh cảm nhận của mình về môi trường kinh doanh, làm ăn tại địa phương. Từ đó, các địa phương đã nhanh chóng giải quyết các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải.
Đây chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của các địa phương ở Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên báo cáo PCI 2013 cho thấy doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn và vẫn đang rất vất vả để duy trì hoạt động. Năm 2013, chỉ vỏn vẹn 6,4% doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư và 6,2% doanh nghiệp tăng quy mô lao động.
Các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự lạc quan khi chỉ có 32,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có ý định tăng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới.
Nhóm chuyên gia điều tra chỉ số PCI cũng khảo sát 1.609 doanh nghiệp FDI trong PCI 2013 cho thấy Việt Nam được đánh giá tích cực hơn so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, vai trò tương đối lớn của doanh nghiệp trong hoạch định chính sách, rủi ro thu hồi tài sản thấp và các mức thuế khá hợp lý.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI nhận định Việt Nam kém hơn các quốc gia cạnh tranh của mình về chi phí không chính thức, gánh nặng của quy định, chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng cơ sở hạ tầng.
Báo cáo PCI 2013 còn chỉ ra rằng một chính sách thuế ổn định hơn, dự đoán trước được sẽ giúp giảm bớt hoạt động chuyển giá để trốn thuế của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam.
PCI khảo sát hơn 8000 doanh nghiệp dân doanh, để họ đánh giá nhiều chỉ số thành phần tại các địa phương như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Từ đây sẽ tính ra thứ tự xếp hạng của các tỉnh, thành. |
Bảng xếp hạng PCI năm 2013
để coi toàn văn Chỉ số PCI cấp tỉnh của VN năm 2013
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận