23/04/2017 14:24 GMT+7

Path to war: Chiến tranh Việt Nam nhìn từ... phòng bầu dục

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - Path to war (Đường tới cuộc chiến được đánh giá là một trong những phim hay nhất về chiến tranh Việt Nam sẽ được phát sóng trở lại trên kênh Cinemax vào 5h15 sáng ngày 30-4.

Michael Gambon vai tổng thống Johnson trong Path to war
Michael Gambon vai tổng thống Johnson trong Path to war

Path to war của đạo diễn kỳ cựu John Frankenheimer, đây cũng là bộ phim cuối cùng của ông trước khi qua đời. Phim do HBO sản xuất, giành được 4 đề cử giải Quả cầu vàng năm 2003 và 8 đề cử giải Emmy cùng năm.

Điều đặc biệt là bộ phim dài 2 giờ 44 phút này ít mô tả chiến trường Việt Nam khốc liệt, mà chủ yếu tái hiện không khí căng thẳng ở Nhà Trắng trong phòng bầu dục, nơi tổng thống Lyndon B. Johnson (thường quen gọi với tên viết tắt LBJ) cùng nội các của ông, đặc biệt là bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara, liên tục đưa ra những quyết sách khiến sự tham chiến của người Mỹ tại Việt Nam ngày càng sa lầy nghiêm trọng.

Góc nhìn từ tổng thống Mỹ

Lyndon B. Johnson là tổng thống thứ 36 của Hoa Kỳ, lên nắm quyền vào đầu năm 1964, sau khi tổng thống thứ 35 John F. Kennedy bị ám sát tại Texas vào ngày 22-11-1963.

Chính sách ban đầu của Johnson là xây dựng một nước Mỹ công bằng và hạnh phúc với tư tưởng đại xã hội (Great Society), nhưng trước tình thế của cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt với sự tham mưu của Robert McNamara, Johnson đã đưa ra nhiều quyết định sai lầm làm hỏng tất cả những dự định tốt đẹp trước đó của ông và càng khiến quân đội Mỹ lún sâu vào cuộc chiến này.

Ngay từ thời điểm lên nắm quyền vào năm 1964, Johnson đã quyết định tăng cường can thiệp của lính Mỹ vào chiến tranh Việt Nam với nghị quyết vịnh Bắc Bộ được Quốc hội Mỹ thông qua, cho phép ông ta sử dụng vũ lực ở bất kỳ mức độ nào ở chiến trường Đông Dương mà không cần phải tuyên chiến chính thức.

Lính Mỹ đổ bộ vào miền Nam tăng vọt về số lượng và những cuộc ném bom ở miền Bắc gây ra nhiều cảnh tang thương cho thường dân Việt Nam, làm nổ ra làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh trên khắp thế giới, đặc biệt ngay tại nước Mỹ.

Cuộc leo thang của “chiến tranh đặc biệt” dưới sự chỉ huy của tổng thống Johnson và bộ trưởng quốc phòng McNamara ngày càng diễn ra căng thẳng, ác liệt và có nguy cơ thất bại vào năm 1965, khiến cả hai đưa ra nhiều quyết định sai lầm mới.

Những quyết định mà sau này Johnson thừa nhận là “day dứt và đau đớn” nhất của ông ta khi nắm quyền.

McNamara - người giữ vai trò cố vấn và bộ trưởng quốc phòng qua hai đời tổng thống Mỹ, người được coi là “kiến trúc sư trưởng của cuộc chiến tranh Việt Nam” - cuối cùng phải thừa nhận ông ta đã mắc sai lầm khủng khiếp tại đất nước này.

Hậu trường cuộc chiến và câu hỏi của lương tri

Path to war tái hiện một cái nhìn về chiến tranh Việt Nam từ bên trong và có thể gọi là “hậu trường” của cuộc chiến, chứ không phải trên chiến trường khốc liệt.

Nhưng gần 3 tiếng đồng hồ của bộ phim đã mang lại cho người xem không khí căng thẳng và lắm lúc nghẹt thở trước những cuộc tranh luận, những quyết định được đưa ra hay những diễn biến nội tâm của hai nhân vật chính: Johnson và McNamara trước mỗi quyết định có thể làm thay đổi vận mệnh cả triệu người.

Dàn diễn viên tên tuổi bao gồm Michael Gambon vào vai Johnson, Alec Baldwin vai McNamara và Donald Sutherland vai Clark Clifford - người bạn thân và cũng là cố vấn được tin cậy của tổng thống Johnson cùng với sự góp mặt của nữ diễn viên tài năng Felicity Huffman (vai đệ nhất phu nhân Lady Bird Johnson) đã mang đến cho người xem những chân dung quyền lực trong Nhà Trắng.

Michael Gambon, nam diễn viên kỳ cựu gốc Ireland, đã thể hiện trọn vẹn hình ảnh của một tổng thống Mỹ vừa hiếu chiến nhưng cũng đầy day dứt vì quyết định của mình, đặc biệt trong giai đoạn cuối nắm quyền.

Nhiều cảnh của bộ phim tái hiện cuộc chiến tranh Việt Nam một cách tinh tế và xúc động, đặc biệt là với người Việt.

Tổng thống Johnson theo dõi những cuộc ném bom tàn phá của quân đội Mỹ xuống miền Bắc Việt Nam qua màn hình tại phòng bầu dục và ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh chỉ sau một đêm, những người dân bé nhỏ mà quân đội ông ta tàn sát vẫn dựng cầu phao qua sông, tiếp tế lương thực và đạn dược vào chiến trường miền Nam.

Ông ta được nghe câu chuyện về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, người ám sát hụt McNamara. Ông ta nghe câu chuyện về một dân tộc quật cường 4.000 năm đánh đuổi giặc ngoại xâm và từng ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông...

Tất cả những hình ảnh này dù chỉ được tái hiện qua hình ảnh tư liệu và lời kể nhưng tạo được sự xúc động cho người xem.

Một trong những cảnh thể hiện nội tâm xuất sắc nhất của Gambon là khi tổng thống Johnson ngồi trong Nhà Trắng và nghe tiếng hô vang của những người biểu tình bên ngoài: “Lyndon, bao nhiêu người lính trẻ ông đã giết hôm nay?”.

Câu hỏi lương tri đó cũng khiến Johnson phải đưa ra tuyên bố cuối cùng, chấm dứt tình trạng ném bom ở miền Bắc và thừa nhận sự thất bại của mình tại chiến tranh Việt Nam.

Một trong những quyết định thể hiện điều đó là Johnson không tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ 2 trong bầu cử tổng thống năm 1968.

Tổng thống thứ 36 của Hoa Kỳ chết vì đột tử ngày 22-1-1973, chỉ 5 ngày trước khi hiệp định hòa bình tại Paris được ký kết.

Những bộ phim nổi bật về chiến tranh Việt Nam của Hollywood

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc hơn 40 năm. Hơn 58.000 lính Mỹ cùng hơn 2 triệu người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến tranh kéo dài 2 thập niên và để lại những hệ lụy dài lâu không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở đời sống chính trị và xã hội của nước Mỹ.

Điện ảnh Mỹ, từ phim tài liệu đến phim truyện, từ điện ảnh đến truyền hình đã dàn dựng hàng chục bộ phim về chiến tranh Việt Nam.

Một số phim trong số đó là những kiệt tác điện ảnh. Và nhiều trong số đó đã làm thay đổi nhận thức của nhiều khán giả trên thế giới về chiến tranh Việt Nam.

Nổi bật nhất là trong 2 thập niên 1970 - 1980 và gần đây nhất là loạt phim truyền hình Vietnam war dài tới 10 tập (20 tiếng) của đạo diễn nổi tiếng Ken Burns, sẽ phát sóng vào tháng 9 tới.

Trong số những phim nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam của Hollywood phải kể đến 2 bộ phim Trung đội (1986) và Sinh ngày 4 tháng 7 (1989) của đạo diễn Oliver Stone; Đường về nhà (Coming home) của Hal Ashby và Kẻ săn nai (Deer hunter) của Michael Cimino đều trong năm 1978; Apocalypse now của F.F.Coppola, năm 1979; Áo giáp sắt (Full metal jacket) của đạo diễn Stanley Kubrick, năm 1987...

Hầu hết các bộ phim nói trên đều mô tả về người lính Mỹ khi tham chiến tại Việt Nam, những chấn thương tinh thần của họ trước, trong và đặc biệt là sau chiến tranh.

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp