05/01/2022 10:07 GMT+7

Passing: Hồn da đen, thân da trắng

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Đỉnh điểm của nạn phân biệt chủng tộc là khi người bị đàn áp chấp nhận vứt bỏ căn tính để đội lốt và sống chung với những "kẻ thượng đẳng".

Passing: Hồn da đen, thân da trắng - Ảnh 1.

Passing đã vạch ra những góc tối màu da trong xã hội Mỹ - Ảnh: IMDb

Passing (tựa Việt: Giữa hai màu da), một bộ phim của đạo diễn Rebecca Hall, đưa người xem về những năm 20 của thế kỷ trước, khi con người phải đánh vật với gam màu đen trắng trong cuộc chơi đùa ngẫu nhiên của tạo hóa.

Phúc cho ai biết màu da của mình

Là người gốc Phi, hai nhân vật chính Irene Redfield và Clare Kendry lại có nước da sáng màu đủ để người xung quanh lầm tưởng họ là dân da trắng. Là đặc ân hay bi kịch, hai người phụ nữ phải tự chọn ngã rẽ đời mình dù họ từng cùng nhau chia sẻ quá khứ.

Passing Official Trailer

Trong khi Irene sống một cuộc đời bình lặng được bao bọc giữa khu phố người gốc Phi, Clare hoàn toàn hóa thân thành một cô nàng thành thị da trắng, giấu giếm gốc gác để cưới một tên giàu có.

Chồng cô, kẻ hâm mộ nhiệt thành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đã dành tình yêu vô bờ bến cho hai chữ "mọi đen" đến nỗi cứ huyên thuyên như thể đó chính là phát minh ngôn từ của gã mà chẳng hay biết gì màu da thật của người đầu ấp tay gối.

Passing: Hồn da đen, thân da trắng - Ảnh 3.

Ngỡ là đặc ân, nước da sáng màu của Irene (phải) và Clare (trái) đã gieo những bi kịch vào cuộc đời cả hai - Ảnh: IMDb

Cuộc gặp gỡ tình cờ với người bạn cũ Irene khiến hồn da đen bên trong Clare bừng sáng. Những bản Jazz của nguồn cội lai dắt cô về khu phố cũ để khám phá một cuộc đời cô chưa từng sống và đồng thời gây ra những bi kịch cho gia đình Irene vốn đang êm ấm.

Dựng một bộ phim đen trắng để kể câu chuyện bất thường về số phận da trắng - da đen cách đây trăm năm, Rebecca Hall để người xem đối diện với những trang bi ai của lịch sử nhân loại: con người buộc phải đưa ra chọn lựa chủng tộc cho chính mình trong khi chờ kết quả của cuộc đấu tranh tiến bộ.

Như trong bộ phim Hành trình Django của đạo diễn Quentin Taratino, những người da màu sau khi được trả tự do đã quay trở lại phục vụ cho ông chủ da trắng, dùng đôi bàn tay da màu quất roi da lên tấm lưng nô lệ. Khoảnh khắc đó, cái ác của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã khiến con người quay lưng với đồng loại.

Cuộc di cư màu da

Bộ phim Passing của Rebecca Hall được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn da màu Nella Larsen viết năm 1929.

Thời điểm cuốn sách ra đời cũng là lúc cuộc Đại di cư ở nước Mỹ diễn ra khốc liệt nhất, với hàng triệu người da đen rời bỏ quê hương miền Nam để đến sống ở những thành phố phía Bắc với mơ ước được thoát khỏi chủ nghĩa chủng tộc thượng đẳng.

Khi người da đen không còn ở yên một nơi cũng chính là lúc những kẻ thủ cựu rơi vào lo lắng. Sau một thời gian dài pha trộn hôn phối giữa các đời tổ tiên, ngày càng nhiều người gốc Phi với nước da sáng màu như Irene và Clare xuất hiện, cải trang, hòa nhập và đe dọa thành trì chủng tộc của người da trắng.

Để đối phó với tình trạng trên, "quy tắc một giọt" được nhiều nơi áp dụng triệt để; theo đó, bất cứ ai có một tổ tiên da đen thì sẽ đều bị phân loại là da đen. Một giọt máu, một giọt đọa đày trong cái xã hội chuộng thuyết ưu sinh.

Passing: Hồn da đen, thân da trắng - Ảnh 4.

Nhân vật Clare và người chồng của cô được gợi cảm hứng từ vụ kiện ly hôn đình đám nước Mỹ năm 1925 - Ảnh: IMDb

Những cuộc di cư và chủ nghĩa lý lịch cũng đã để lại không ít bi kịch, như vụ kiện nổi tiếng Rhinelander kiện vợ mình vào năm 1925.

Không chịu nổi áp lực từ dư luận, Kip Rhinelander, một chàng trai xuất thân từ gia đình tài phiệt, đã kiện vợ mình lên tòa và đòi ly hôn với lý do cô đã giấu anh dòng máu da màu của mình.

Vụ kiện đã phơi ra góc tối nhơ nhuốc của xã hội Hoa Kỳ khi Alice Beatrice Jones, người vợ, phải cởi quần áo trước bồi thẩm đoàn để họ đánh giá độ tối của làn da.

Theo dõi phiên tòa và chứng kiến hiện thực nhức nhối, nhà văn Nella Larsen đã viết Passing. Dù tiểu thuyết và điện ảnh cách nhau gần 1 thế kỷ, tính thời sự có thể đã mất nhưng câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn nguyên vẹn.

Passing nhắc nhở người xem rằng con đường đến bình đẳng vẫn gian truân như nó vẫn từng...

Marvel có phân biệt chủng tộc: Khi thì toàn trắng, lúc lại cố đen? Marvel có phân biệt chủng tộc: Khi thì toàn trắng, lúc lại cố đen?

TTO - Thông thường nguyên êkip từ nhà sản xuất đến nhân viên trường quay Marvel là người da trắng. Đến Black Panther, cả êkip bỗng dưng đều là người da đen.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp