26/03/2023 09:17 GMT+7

Paris 'nóng' vì cải cách hưu trí

Làn sóng biểu tình và đụng độ mới nhất liên quan đến cải cách hưu trítrở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kể từ thời điểm xảy ra phong trào "Áo vàng" bốn năm trước.

Cảnh sát chống bạo động chạy ngang qua một đám cháy khi đông đảo người biểu tình phản đối luật cải cách hưu trí ở Paris, Pháp hôm 23-3 - Ảnh: AFP

Cảnh sát chống bạo động chạy ngang qua một đám cháy khi đông đảo người biểu tình phản đối luật cải cách hưu trí ở Paris, Pháp hôm 23-3 - Ảnh: AFP

Hôm 24-3, ông Macron tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách hưu trí và không nhượng bộ người biểu tình. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến về phía trước. Nước Pháp không thể giậm chân tại chỗ. Chúng tôi sẽ không khuất phục trước bạo lực và tôi cực lực lên án bạo lực", ông Macron nói.

Cơn tức giận lên đỉnh điểm

Kể từ khi ông Macron thúc đẩy thông qua kế hoạch tăng tuổi hưu từ 62 lến 64 ở Pháp vào tuần trước, sự thất vọng của công chúng ngày càng tăng. Tối 23-3, vào cuối ngày thứ chín của cuộc đình công và biểu tình trên toàn quốc nhằm phản đối cải cách hưu trí, cơn giận của công chúng đã lên đến đỉnh điểm.

Trong một video quay ở TP Bordeaux có thể thấy cánh cửa của tòa thị chính bị đốt cháy giữa bầu không khí căng thẳng. Trên một máy rút tiền ATM có dòng chữ "Paris đang cháy".

Theo Bộ Nội vụ Pháp, hơn 1 triệu người đã tham gia biểu tình phản đối luật cải cách hưu trí trên toàn nước Pháp, nhưng các công đoàn đưa ra con số ước tính là hơn 3 triệu. Chuyến thăm của Vua Anh Charles III, dự định sang Pháp từ ngày 26-3, cũng bị hoãn lại do tình trạng bất ổn.

Trên truyền hình hôm 22-3, ông Macron lên tiếng bảo vệ kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu. Ông Macron loại trừ khả năng điều chỉnh kế hoạch, đồng thời bác bỏ những lời kêu gọi cải tổ chính phủ hay đòi Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne từ chức.

Tổng thống Pháp tuyên bố ông chỉ có một điều hối tiếc: "Đó là tôi đã không thành công trong việc thuyết phục người dân về sự cần thiết của cuộc cải cách này".

Hôm 16-3, chính quyền ông Macron kích hoạt điều 49.3 trong Hiến pháp để vượt quyền Quốc hội, phê chuẩn dự luật cải cách hưu trí. Đây là "ngoại lệ" nhằm tránh tình trạng dự luật bị mắc kẹt khi có tranh chấp giữa nhánh hành pháp và lập pháp. Tuy nhiên, theo báo New York Times, trong thập niên qua, điều 49.3 ngày càng bị coi là "công cụ phi dân chủ".

Nếu chính phủ kích hoạt điều 49.3, các nghị sĩ đối lập tại Quốc hội Pháp có quyền yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ. Tuy nhiên vừa qua Chính phủ Pháp cũng đã lách qua khe cửa hẹp và "sống sót" sau hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Vì đâu nên nỗi?

Đây không phải lần đầu tiên ông Macron nỗ lực thúc đẩy cải cách hệ thống lương hưu ở Pháp. Ông từng từ bỏ kế hoạch tham vọng hơn nhằm thay đổi chính sách hưu trí cực kỳ phức tạp của Pháp trong nhiệm kỳ đầu tiên sau các cuộc biểu tình lớn trên đường phố và khi đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2019.

Lần này, ông Macron đưa ra cách tiếp cận đơn giản hơn: thay vì hợp nhất 42 quỹ hưu trí khác nhau, ông cho rằng chỉ cần yêu cầu mọi người làm việc thêm hai năm nữa thì có thể giúp hệ thống bền vững hơn về dài hạn. Dự báo quỹ lương hưu ở Pháp có thể thâm hụt trong 25 năm tới.

Ông Macron khẳng định những thay đổi với hệ thống lương hưu, vốn là cam kết của ông trong nhiệm kỳ thứ hai, đóng vai trò quan trọng và đáng để ông "hy sinh" tỉ lệ ủng hộ mình.

Những người ủng hộ cải cách chỉ ra rằng đàn ông Pháp nghỉ hưu sớm hơn hai năm so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU), còn phụ nữ Pháp nghỉ sớm hơn một năm. Họ bác bỏ phương án tăng thuế để giải quyết vấn đề vì cho rằng người Pháp đã chịu gánh nặng thuế cao bất thường.

Công chúng Pháp lại quyết liệt bảo vệ hệ thống lương hưu "vốn là nền tảng của mô hình bảo trợ xã hội được yêu chuộng của đất nước", theo cây bút Angelique Chrisafis trên báo The Guardian. Họ tự hào về việc những người hưởng lương hưu ở Pháp ít có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói hơn so với những người hưu trí ở các nước châu Âu khác.

Tuy nhiên, sự giận dữ của người biểu tình không chỉ bắt nguồn từ cách quản lý tình hình hoặc kế hoạch cải cách của ông Macron. Họ nói việc Chính phủ Pháp vượt quyền Quốc hội để thông qua dự luật cải cách hưu trí làm dấy lên mối lo ngại lớn hơn về nền dân chủ.

Ông Vincent Martigny, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nice, cho rằng động thái của chính quyền ông Macron đã đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng chính trị, ít nhất là trong trung hạn.

Chuyện gì tiếp theo?

Theo Hãng tin Reuters, các cuộc thăm dò cho thấy đa số cử tri Pháp phản đối luật cải cách hưu trí, tỉ lệ ủng hộ ông Macron chỉ còn 28%. Bất chấp kêu gọi trưng cầu ý dân và động thái của các nghị sĩ đối lập nhằm hủy bỏ luật mới, ông Macron không có dấu hiệu sẽ nhượng bộ.

Ông Macron hy vọng luật cải cách hưu trí chính thức được ban hành trước cuối năm 2023 sau khi Hội đồng Hiến pháp xem xét. Giới quan sát cho rằng ngay cả khi ông Macron chiến thắng, việc điều hành đất nước dường như sẽ là vấn đề đau đầu với ông trong phần còn lại của nhiệm kỳ.

Và người có khả năng hưởng lợi từ điều này là nhà lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen - người cho rằng ông Macron đang đẩy Pháp đến bờ vực "bùng nổ xã hội".

Cải cách hưu trí khiến nước Pháp chìm trong bạo lựcCải cách hưu trí khiến nước Pháp chìm trong bạo lực

Động thái thông qua dự luật cải cách hưu trí không qua bỏ phiếu tại Quốc hội của Chính phủ Pháp đã khiến người dân nước này phẫn nộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp