Jean-Baptiste Alaize chọn trở thành vận động viên nhảy xa bởi anh muốn nhảy thoát ra khỏi những khiếm khuyết của cuộc sống này - Ảnh: IMDb
Bản thân sự hiện diện của họ đã là điều kỳ diệu.
Cuối năm ngoái, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại rằng dịch bệnh bùng phát đang khoét sâu thêm những bất bình đẳng vốn có đối với 1 tỉ người khuyết tật trên thế giới.
Trong bối cảnh như vậy, Paralympic chính là "liều thuốc giảm đau" cho vấn đề công bằng đang diễn ra nhức nhối.
Những "siêu anh hùng" ở thế giới thực
"Olympic là nơi tạo ra người hùng, Paralympic là điểm đến của các anh hùng" - một vận động viên khuyết tật nói trong bộ phim tài liệu Phượng hoàng tung bay: tinh thần Paralympic (tạm gọi tắt: Phượng hoàng tung bay).
Từ câu nói này, cặp đạo diễn Ian Bonhôte - Peter Ettedgui đã chọn một điểm đứng khác thường khi xây dựng phim dựa trên không khí sử thi xen lẫn chất điện ảnh siêu anh hùng thời hiện đại.
Phượng hoàng tung bay thuật lại cuộc đời gian khó của những vận động viên khuyết tật tham gia Paralympic.
3 tuổi, Ellie Cole trải qua cuộc phẫu thuật cắt cụt chân vì khối u hiếm gặp. Cũng năm 3 tuổi, cậu bé Jean-Baptiste Alaize bò lê trong vũng máu của cuộc nội chiến Burundi, chứng kiến mẹ bị giết và khi tỉnh dậy thấy một chân của mình đã bị chém lìa. Không còn lành lặn, mỗi người phải đứng lên trong nghịch cảnh bằng lòng tự tôn và ý chí phi thường.
Trở lại trường học chỉ với một chân, Ellie Cole bị bạn bè đặt cho biệt danh "hải tặc". Cô bé ném chiếc chân giả về phía cậu bạn, chấm dứt chuỗi ngày bị bắt nạt. Chiếc chân giả giúp Ellie Cole lấy lại phẩm giá, còn phần chân cụt đã giúp cô vươn đến những chiếc huy chương trên đường đua xanh. "Khiếm khuyết là sức mạnh của tôi và tôi sẽ như vậy cho đến chết".
Phượng hoàng tung bay không có ý định tạo ra những giây phút mủi lòng. Ngược lại, khoảnh khắc khiến người xem cảm động nhất là hành trình thi đấu của họ tại Paralympic, chiến đấu để vượt qua những "siêu anh hùng" khác. Góc máy thường được được đặt tầm ngang và từ dưới lên để tạo điểm nhìn ngưỡng vọng.
Không chỉ vậy, cặp đạo diễn còn tạo một loạt điêu khắc về các vận động viên khuyết tật. Những bức tượng trắng này quy chiếu trực tiếp đến các vị thần Hy Lạp, mà có lẽ trước hết là thần Vệ nữ thành Milos với hai cánh tay cụt.
Kỳ lạ thay, thần Vệ nữ tượng trưng cho sắc đẹp cổ đại nay lại được hồi sinh để gắn kết cùng những vận động viên mang cái đẹp bất khuất trong thời đại mới. Ian Bonhôte và Peter Ettedgui đã vinh danh họ trên sảnh điện thờ của những vị thần.
Tuy nhiên, những vị thần của đỉnh Olympia hùng vĩ có chịu đứng chung với những kẻ phương xa đến từ đỉnh "Paralympia" hay không lại là một câu chuyện khác.
Paralympic vẫn đứng dậy từ bất công
Bộ phim tài liệu dài 1 giờ 45 phút đã lật lại lịch sử của Paralympic - từ một cuộc đấu thể thao nhỏ của các cựu chiến binh do bác sĩ Ludwig Guftmann tổ chức đến thế vận hội dành cho người khuyết tật.
Hành trình 73 năm của Paralympic đã chứng kiến những chặng đường thăng trầm, có lúc bùng nổ, thu hút sự chú ý của thế giới, nhưng cũng có khi bị hắt hủi. Năm 1980, Liên Xô từ chối tổ chức Paralympic sau khi vị lãnh tụ Leonid Brezhnev tuyên bố: "Không có người khuyết tật nào ở đất nước chúng tôi".
Paralympic là một cuộc đấu tranh vô hình giữa sự phi thường và cái bất thường trong nhân tính. Mới năm 2016, Brazil đã tính đến chuyện không tổ chức thế vận hội cho người khuyết tật sau khi đã đốt hết tiền cho Olympic.
Phượng hoàng tung bay đã đẩy câu chuyện lên cao trào, lên án sự tàn nhẫn của giới quan chức thể thao nước chủ nhà và tìm hiểu quá trình tìm tiền tài trợ chật vật của người đứng đầu Ủy ban Paralympic quốc tế. Giải đấu vẫn được tổ chức và tất cả những gì diễn ra ngay sau đó đã trở thành huyền thoại...
Các vận động viên biến thành phố Rio De Janeiro thành "chảo lửa", nơi hàng chục ngàn khán giả kéo đến sân vận động reo hò cổ vũ. Cố đô của Brazil chìm trong khát vọng của các vận động viên. Hai đạo diễn đã tạc nên những "siêu anh hùng" đơn lẻ và tụ họp họ lại trong giây phút vĩ đại của trận chiến cuối cùng.
Vận động viên đấu kiếm người Ý Beatrice Vio, mất cả tứ chi vì bệnh viêm màng não, là một hiện thân sống cho nàng Vệ nữ thành Milos. Beatrice từng nói: "Tôi là phượng hoàng tung bay. Vì phượng hoàng có thể sống rồi chết, bốc cháy và tái sinh".
Trong trận chung kết ở "thành phố kỳ diệu" Rio, Beatrice khiến cả khán đài ken đặc người phải gào lên. Cô đã vút bay giữa tro bụi và tỏa sáng với đôi tay được lấp đầy từ ngọn lửa.
Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra vào ngày 24-8 tới. Khoảng 4.400 vận động viên, trong đó có 7 vận động viên Việt Nam, sẽ tham gia tranh tài ở 22 môn thể thao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận