15/06/2023 14:15 GMT+7

Palestine - Khi biển bị rào...

Vừa cùng đoàn nhà văn Việt Nam trở về từ Palestine, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ với độc giả Tuổi Trẻ những ghi chép về quốc gia Trung Đông mang vác một số phận đặc biệt này (*).

Chủ tịch Hội Nhà văn Palestine (thứ hai từ phải qua) và các nhà văn Việt Nam trên đường đến Bethlehem ở Palestine - Ảnh: NVCC

Chủ tịch Hội Nhà văn Palestine (thứ hai từ phải qua) và các nhà văn Việt Nam trên đường đến Bethlehem ở Palestine - Ảnh: NVCC

Trong chuyến đi mười ngày đến nước Palestine, dải đất kỳ bí và cũng lắm thương đau, tôi quyết định chọn bốn ngày để ghi lại những gì mình thấy, mình cảm nhận. 

Các ngày còn lại không phải khoảng trắng, chỉ là tôi giữ cho riêng mình, như vuông đất riêng tư dành ươm những mầm cây riêng tư.

Con la nhẫn nại

Ngày thứ nhất. Ấn tượng đầu tiên là con đường từ biên giới Jordan xộc thẳng vào nội địa Palestine. Một dải nhựa xám phẳng lừ chạy vượt lên địa hình lấp lửng giữa núi với đồi, giữa đang khởi tạo với bắt đầu tàn lụi. 

Khô cằn, rạn vỡ, quằn quại trong gam màu óng vàng. Thế giới là thế giới của nhịp điệu, của các dạng kết cấu đầy ngẫu hứng, tuyệt không hơi hướm con người. Ý nghĩ đang chảy trôi lan man thì bị chặn lại khi ven đường khởi lên dãy núi chất ngất khiến tôi nhổm dậy.

Một nhà văn Palestine tinh ý chỉ vào ngọn cao nhất và bảo đó là Núi Cám dỗ. Hóa ra vậy, ngọn núi danh tiếng với thử thách cuối cùng đầy cân não trước khi Chúa Jesus hoàn thành sứ mạng cứu chuộc của mình. 

Bên sườn núi, con la hiện ra, im phắc như tượng. Con la đầu tiên vùng Trung Đông tôi nhìn thấy. Nó đứng cô đơn giữa những vết rạn nứt với vẻ nhẫn nại khó tả. Một con la nào đó đã từng chờ đợi đưa Chúa Jesus đến với các vùng đất. 

Con la này, hẳn còn các con la khác nữa, đứng rải rác như tiếp tục chờ đợi ai đó, bất chấp cả ngàn năm phía trước. Xa bên kia, một trạm gác của Israel với nòng súng vươn ra cũng im phắc. 

Không khí ồn ào, háo hức trong xe tự dưng trầm xuống thây kệ bên ngoài không ngừng bung ra những đường nét biến ảo đầy mãnh lực. Càng lên cao càng thấy vời vợi một nỗi niềm thật khó cắt nghĩa rạch ròi.

Cuối cùng thì cũng tới Ramallah, thủ phủ của Palestine.

Thành phố của những thăng giáng, những ngã rẽ đầy diệu vợi. Đàn ông ở đây vạm vỡ, râu ria, mạnh mẽ mà hết sức khoan hòa. Họ phóng xe tốc độ cao nhưng lại rất biết nhường đường nhau. 

Họ hùng hổ nhưng luôn chào hỏi không biết mệt mỏi và tuồng như thường quên bẵng mất sự chuyển vận của thời gian. 

Chủ tịch Hội Nhà văn Palestin, Murad Sudani, một người khoáng hoạt và mạnh mẽ, kéo chúng tôi đi băng băng từ sự kiện này qua sự kiện khác, gặp hết nhân vật này đến nhân vật khác với thái độ thân mật đậm không khí người anh em. 

Tôi thích tính cách Murad dù kiên định lối ứng xử của mình. Trong các cuộc đi, bao giờ tôi cũng giữ một khoảng cách với xung quanh, chẳng phải dè chừng mà để quan sát. Chỉ khi làm thừa mình ra, ta mới có cơ hội nhìn mọi thứ trong tổng thể của nó.

Những hàng rào nhức nhối

Ngày thứ năm. Sau các cuộc tiếp xúc dày đặc mệt nhoài, có khoảng buông lơi để đến Biển Chết. Khi đổ từ trên cao xuống Jericho, thành phố nằm thấp nhất thế giới, tôi nhìn thấy biển. Đó chỉ là một dải phẳng lặng màu bạc. 

Giữa Biển Chết với chúng tôi là tầm nhìn chới với bị phân cách bởi hàng rào thép gai công phu, hiện đại. Mọi nhức nhối của vùng đất này có lẽ nằm ở các hàng rào. Chúng tăm tắp, óng nuột và vững chắc. 

Hàng rào bảo vệ khu định cư của người Do Thái trên đất Palestine. Hàng rào phân giới hạn với dân Palestine trên các rẻo đất chưa có một bóng người. 

Hàng rào khuôn nắn thành một dòng eo hẹp hạn chế tín đồ Palestine vào các khu thánh tích của chính họ.

Dĩ nhiên, kẻ dám vượt qua các hàng rào đó sẽ nhận được cái chết. Đầy bất lực và uất ức, các nhà văn Palestine chỉ tay về phía mà họ gọi là Biển Chết. 

Lòng tôi nhói lên, chẳng biết vì vẻ mặt thất thần của những đồng nghiệp Palestine hay vì tiếng quạ khàn khàn bên các sợi hàng rào sắc lẹm. 

Quạ ở đây kẻ cả, ương gàn, vẻ kẻ cả của loài đã từng lượn lờ trên đồi Golgotha khi Chúa Jesus bị đóng đinh, và giờ đang đặc quyền lượn lờ trên xác những người dân vô tội của dải đất nhộn nhạo máu lửa này.

Biển bị rào thì đành tìm tới con sông đổ vào biển. Nhưng cũng phải trầy trật giải thích, những người đồng nghiệp Palestine mới cùng chúng tôi ra tới được đoạn sông Jordan chảy qua quê hương của chính họ. 

Chẳng biết thời Chúa Jesus được nhúng mình rửa tội, nước sông Jordan có trong hơn bây giờ, dòng khi ấy rộng hơn hay vẫn nhỏ bé khiêm nhường như hiện nay. Tôi thấy sự sùng kính của những đoàn khách hành hương từ khắp mọi nơi trên thế giới tới đây qua cách họ chạm vào dòng chảy màu rêu non kia. 

Nước cùng thời gian biền biệt chảy, nhưng tính thiêng thì đọng lại, để cho những người đàn bà, với sự ái mộ công khai giữa ánh mặt trời, thả mình vào sông một cách rối rít, tự nguyện, đầy đê mê. 

Đàn ông, nếu chịu khó quan sát phụ nữ vào lúc ấy, chắc chắn sẽ chua chát nhận ra họ chưa bao giờ chinh phục được tuyệt đối một người phụ nữ. Có lẽ đàn bà mới chính là người sinh ra và nuôi dưỡng tôn giáo, còn đàn ông chỉ được mượn làm biểu tượng mà thôi.

Lịch sử luôn loạng choạng

Ngày thứ tám.

Không hình dung, để bước vào ngôi đền Ibrahimi thiêng liêng lại phải qua trạm kiểm soát soi chiếu kỹ càng đến thế. Bị kẹt bởi những đối đáp căng thẳng giữa lính gác và người dẫn đường, tôi lúng túng ngước nhìn lên. 

Và lại thấy con la, trong dáng hình một đám mây xốp bồng bềnh, quẩn quanh trên nóc đền. Đối lập với vẻ tư lự xa xăm của con la là thái độ hằm hè giữa cánh đàn ông hai phía và vẻ âm thầm bí ẩn của những người phụ nữ đi từ đền thờ ra. 

Rồi cũng vào được bên trong, nơi các nhân vật thời Cựu ước ngự trị: Abraham, Isaac, Jaccop cùng những bà vợ của họ. 

Tôi ngắm mãi phiến đá tương truyền in vết chân của Adam khi bị đuổi khỏi vườn Địa đàng, thầm nghĩ liệu mai kia cũng sẽ có một phiến đá trưng bày vết chân của người Palestine hoặc người Israel cuối cùng bị đuổi khỏi đền thờ này? 

Lịch sử luôn loạng choạng vì động lực của nó là vô thức, chẳng ai biết trước điều gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, ta chắc chắn một điều: vết chân cuối cùng nào cũng nhuốm màu cay đắng.

Một chuyến đi không là gì cả trong dằng dặc đời người. Nhưng mỗi chuyến đi lại là duy nhất với các cảm giác duy nhất. 

Chuyến này, tôi cảm nhận rõ nét hơn bao giờ hết về nỗi phấp phỏng, niềm phẫn uất, và cao hơn, một khát vọng tự do. Những nỗi niềm ấy thuộc về một dân tộc đang nổi trôi bấp bênh ngay trên mảnh đất của chính họ.

Sự thật không phải là điều chúng ta nhìn thấy

Ngày thứ bảy. Trên đường từ Ramallah đến Bethlehem, có một chỗ dừng, không phải để nghỉ, mà để người Palestine đứng ở đó ngóng về Jerusalem vời vợi của họ.

"Hơn mười năm nay, chúng tôi không được đến đó - Murad mở to mắt nói với đoàn nhà văn Việt Nam - Nhưng chúng tôi tin sẽ có ngày mình quay về, vì đấy là thủ đô của chúng tôi. Từ lúc ấy cho đến Bethlehem, không ai trong đoàn nói câu gì nữa.

Ở Palestine có hai thứ dẳng dai: sự hiện diện của các con vật và niềm phẫn uất bị chiếm đóng.

Bất cứ lúc nào cũng có thể thấy đoạn này đàn dê nhốn nháo, chỗ kia một đám cừu nhung nhúc xô động như vạt cỏ khô, trên dây điện lũ chim đậu thành nốt nhạc chênh chao, còn bên ta luy dương cằn cỗi, nứt nẻ luôn đơn độc một con la, một con la nhẫn nại đến mức bất động.

Và tương tự, trên xe, ngoài quán ăn, trong phòng làm việc, giữa bàn cà phê luôn dẳng dai vang lên câu chuyện về sự bất công. Súng đang nổ ở đâu đó, sau tiếng súng là máu chảy, chảy hằng ngày, cả về hai dân tộc... Đắng cay này khó nuốt, nhưng nó sẽ hun ý chí thép cho các nhà văn.

Người dẫn đường cho tôi xem bức ảnh chụp một cậu bé cỡ 7, 8 tuổi nằm với dây nhợ chằng chịt trên giường bệnh, bảo đó là cháu anh ta, vừa hôm qua bị bắn vào đầu và đã mất.

Một đứa trẻ Palestine bị bắn chết, dù là vô tình, thì tương lai của loài người vẫn bị méo đi, dị dạng đi rất nhiều. Ở đây, súng có thể bắn bất cứ lúc nào, vào bất cứ đâu. Đó là điều tôi đọc được từ vẻ mặt rầu rầu của những anh bạn nhà văn Palestine và đôi lúc tôi tận mắt chứng kiến.

Tuy nhiên, sự thật không phải là điều chúng ta nhìn thấy, mà ở điều chúng ta cảm thấy. Vùng đất này đang chịu phép thử đầy lạnh lùng của thánh thần thông qua hình ảnh những trạm kiểm soát, với người lính kè kè khẩu súng đen óng, thanh mảnh, tinh xảo.

***************

(*) Các tít tựa trong bài do Tuổi Trẻ đặt.

Lịch sử 100 năm xung đột Israel - PalestineLịch sử 100 năm xung đột Israel - Palestine

TTO - Bất kể thực tế xung đột giữa người Israel và người Palestine đã kéo dài nhiều thập kỷ, các giao tranh mới nhất, cũng đẫm máu nhất, chỉ vừa bùng lên trong 2 tuần qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp