Trụ sở của Axact ở Karachi Ảnh: NYT |
Một tấm bằng giả do Axact sản xuất Ảnh: NYT |
Theo AFP, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Chaudhry Nisar Ali Khan đã ra lệnh cho Cơ quan Điều tra liên bang (FIA) điều tra công ty Axact. Người phát ngôn Bộ Nội vụ khẳng định những hành vi bất hợp pháp mà báo New York Times mô tả có thể hủy hoại hình ảnh của đất nước Pakistan.
Trong phóng sự điều tra số ra ngày 18-5, báo New York Times cho biết công ty Axact có trụ sở ở Karachi đã lập một mạng lưới hàng trăm trang web chuyên cung cấp bằng giả của các trường đại học tưởng tượng như “Columbiana” hay “Barkley”.
Dùng diễn viên đóng giả thầy giáo
Các trang web của Axact đăng tải nhiều đoạn video quảng cáo cực kỳ gây ấn tượng về các trường đại học, thậm chí khoe cả “giấy chứng nhận” về trường đại học của Bộ Ngoại giao Mỹ , có cả chữ ký của Ngoại trưởng John Kerry.
Trong một đoạn video, một người phụ nữ tự xưng là hiệu trưởng trường ĐH Newford ở New York khoe: “Chúng tôi là một trong những trường học nổi tiếng nhất thế giới. Hãy đến đây, trở thành thành viên của ĐH Newford để bay cao trên bầu trời tri thức”.
Tuy nhiên New York Times đã phân tích nội dung hơn 370 trang web của công ty Axact, các đoạn video, phỏng vấn nhiều cựu nhân viên của hãng này… và xác định tất cả đều là “hàng dỏm”. Axact đã thuê diễn viên đóng giả làm các giáo viên và sinh viên trường học trong những đoạn video quảng cáo.
New York Times cho biết Axact tuyển dụng khoảng 2.000 nhân viên làm việc tại trụ sở ở thành phố cảng Karachi. Tại đây, các nhân viên liên tục bốc điện thoại gọi cho khách hàng. Họ đàm phán với những kẻ biết rõ việc mình mua bằng giả và lừa đảo nhiều người muốn thực sự kiếm một tấm bằng đàng hoàng.
Các nhân viên của Axact đều là những người trẻ, có bằng cấp cao, nói tiếng Anh rất chuẩn. Họ dụ dỗ khách hàng mua đủ mọi loại bằng cấp, từ bằng tốt nghiệp cấp ba với giá 350 USD cho đến bằng tiến sĩ, có giá khoảng 4.000 USD.
Các nhân viên bán hàng của Axact áp dụng rất nhiều chiêu thức “độc” để lừa khách hàng. Thỉnh thoảng họ đóng giả làm nhà tuyển dụng, gọi điện cho các sinh viên, nói rằng sẽ tạo công ăn việc làm lương cao cho các sinh viên này, nhưng với điều kiện là họ phải hoàn thành các khóa học từ xa.
New York Times phỏng vấn nhiều khách hàng từ Mỹ, Anh, UAE… Họ đã trả từ hàng nghìn đến hàng trăm nghìn USD để lấy bằng. Không ít người tin rằng các trường đại học mà Axact quảng cáo là trường học thật và họ sẽ nhanh chóng được tham gia các khóa học từ xa.
Kiếm hàng chục triệu USD
Một khách hàng ở Saudi Arabia trả tới 40.000 USD để mua bằng từ Axact. Một người Ai Cập chi 12.000 USD để mua bằng tiến sĩ công nghệ của trường đại học tưởng tượng Nixon. Khách hàng này cho biết ông hoàn toàn tin tưởng những tấm bằng này là hàng xịn. New York Times ước tính Axact đã kiếm được hàng chục triệu USD từ hành vi lừa dảo này.
Các trang web của Axact chạy trên máy chủ của một số công ty đăng ký tại Cyprus và Latvia. Ngoài việc lừa đảo khách hàng qua điện thoại, nhân viên của Axact còn bận bịu sản xuất các đoạn video quảng cáo giả mạo. Thậm chí họ còn làm một đoạn video tự xưng là phóng sự của trang báo chí công dân CNN iReport.
Sau khi New York Times đăng bài báo trên, tổng giám đốc Axact Shoaib Ahmad Shaikh từ chối trả lời phỏng vấn báo chí Pakistan và nước ngoài. Tuy nhiên sau đó công ty này chỉ trích bài báo là vô căn cứ và cho biết sẽ kiện New York Times.
Đồng thời công ty này cũng cáo buộc truyền thông trong nước “cấu kết” với New York Times để hủy hoại công việc kinh doanh của họ. Nhưng trên các trang mạng xã hội ở Pakistan, rất nhiều người đã lên tiếng chỉ trích và tố cáo hành vi lừa đảo của Axact.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận