Phóng to |
Thật ra, từ năm 267 trước Công nguyên, Ostia đã là thuộc địa của Rome, là một trong những cửa khẩu quan trọng, cung cấp tài chính, tổ chức hoạt động cho thuyền bè và cũng là một tiền đồn quân sự. Đến khi Rome bành trướng quyền lực ra khắp vùng Địa Trung Hải, vai trò mới của Ostia là trung tâm giao dịch thương mại và hàng hải giữa Rome và thế giới.
Sau đó, tường được xây bao quanh để bảo vệ và nhiều công trình kiến trúc khác như đền đài, đường sá, tòa án, chợ... được nâng cấp, xây mới. Dân số của thành phố này vào khoảng thế kỷ thứ II đã khoảng 100.000 người.
Bước qua cổng vào khu di tích, là con đường chính Decumanus Maximus của thành phố, dài hơn một dặm, dọc suốt hai bên là những cây thông cổ thụ rợp mát. Theo hai bên đường, có thể phát hiện ra nhiều di tích cổ.
Đầu tiên là khu nghĩa địa với các mộ của các vị tướng. Qua khỏi nghĩa địa là các nhà tắm hơi công cộng - những khu nhà liên hoàn bao gồm nơi thay quần áo, phòng xông hơi, phòng mát-xa, phòng thể dục. Nền nhà tắm là những bức tranh được tạo bởi những viên đá đen và trắng, được cắt vuông vắn nhỏ xíu, ghép lại thành hình một vị thần đang ngồi trên cỗ xe ngựa, xung quanh là cá heo, mỹ nhân ngư, thủy thần.
Mới hay tắm hơi đem lại nhiều lợi ích đã được chú ý đầu tư từ thời xa xưa. Rời khỏi nhà tắm hơi, tôi bị cuốn hút ngay bởi một sân khấu ngoài trời hình bán nguyệt, giống như các sân khấu trên đồi Acropolis ở Athens. Du khách ngồi thành từng nhóm trên các bậc, ai cũng hướng về phía sân khấu, hệt như đang theo dõi một vở kịch.
Các bệ ngồi được xây bằng đá, còn tương đối nguyên vẹn. Phía sau sân khấu là một quảng trường lớn, cỏ xanh rì, với các hàng cột đá hoa cương bao xung quanh. Leo lên nơi cao nhất của sân khấu sẽ thấy một hành lang rộng, có bờ tường cao bao quanh, nhìn được toàn cảnh quảng trường.
Đứng ở vị trí này cũng có thể nhìn được gần như toàn cảnh của thành phố. Hầu như toàn bộ nhà cửa trong thành phố này đều không còn mái, nhưng tường và cầu thang hầu như còn nguyên vẹn, nên từ trên cao có thể thấy được sự quy hoạch ngăn nắp của thành phố này.
Đối diện với khu vực sân khấu ngoài trời là khu trường đại học, tòa án và tòa nhà đô chính. Trường đại học là một khu đất rộng, bao gồm một quảng trường và các khu nhà, nhưng rất tiếc, phần lớn nhà cửa ở đây bị phá hủy và do ít người ghé vào nơi này nên dây lèo mọc rậm kín bao bọc những mảng tường còn sót lại. Rụng đầy sân trường là những quả thông rất to. Rải rác là các pho tượng bằng đá, được xây lọt thỏm trong các góc tường.
Tiếp theo là khu chợ được chia thành từng gian hàng nhỏ, có bể cá, có bệ chặt thịt, lại còn có những cửa hàng chuyên bán đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức, hay vải vóc, quần áo. Sau lưng chợ là "khu công nghiệp" với xưởng dệt, nhuộm vải.
Xuôi xuống các khu phố, nhìn vào những căn nhà còn nguyên vẹn cầu thang, song chẳng dám bước vào, vì có cảm giác như chủ nhà chỉ vừa chạy loanh quanh đâu đó mà quên đóng cửa. Những án thờ còn nguyên vẹn, trong góc nhà còn có cả bồn tắm hay một vài bình, lọ.
Nơi là bến cảng xưa kia, nay chỉ là một khúc sông hẹp với một vài du thuyền nhỏ đang neo đậu. Con sông đã thay đổi rất nhiều so với hơn 2.000 năm trước. Nhìn khúc sông này, khó ai hình dung được cảnh buôn bán, tàu bè qua lại nhộn nhịp của một bến cảng lớn.
Từ bến cảng này, đi ngược về phía cổng ra vào, ta sẽ gặp một viện bảo tàng. Chủ yếu ở đây trưng bày tượng, đồ gốm và những vật dụng gia đình mà người ta tìm thấy khi khai quật thành phố này.
Buổi sáng hôm ấy, ở Ostia trời dịu nắng và có lúc rơi vài hạt mưa. Không ồn ào, không đông đúc, không nhà cửa hiện đại, không trạm điện thoại công cộng, không đường dây điện giăng ngang, con đường Decumanus Maximus tĩnh lặng, có chăng chỉ là tiếng thông reo rì rào. Từ xa vẳng lại một tiếng phụ nữ, lát sau rộ lên tiếng trẻ em nô đùa trên đường phố...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận