17/11/2013 04:26 GMT+7

Ôsin viết sách

THÀNH AN
THÀNH AN

TT - Tôi thức sáng đêm, đọc ngấu nghiến cuốn Liều thuốc thần kỳ của Nguyễn Thị Thìn. Rồi bất chấp tin bão gần, vượt mưa để gặp bằng được chị.

i1jzdjZx.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Thìn - Ảnh: T.A.

Nhà chị ở trên đỉnh đồi (xóm 6, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An). May quá, hôm nay mưa bão chị được về nhà. Đây là nhà cậu em của chị được thừa kế từ bố mẹ. Căn nhà y như trong chuyện vậy, tuổi của nó chắc cũng không thua tuổi 60 của chị là mấy.

Người đàn bà, vừa là tác giả vừa là nhân vật, đang ngồi trước mặt tôi thật nhân hậu, thật hiền từ. Thế mà cuộc đời chưa một lần mỉm cười với chị. Cứ mỗi lúc đau thương nhất, tuyệt vọng nhất, tình yêu đã đến với chị như một “liều thuốc thần kỳ”, nhưng rồi nó lại vụt bay đi khiến đời chị nát tan...

Năm 1971, cả nước đang bước vào cuộc kháng chiến ác liệt, ở làng quê Văn Sơn có một nữ sinh lớp 9 nhất quyết đòi bỏ học để ra chiến trường. Chỉ cân nặng 39kg cả người lẫn dép nên cô bị loại ngay từ vòng ngoài. Cô đã làm mình làm mẩy với cha là xã đội trưởng để can thiệp với anh cán bộ huyện đội. Cuối cùng thì anh cán bộ cũng phải gật đầu để cô được khoác lên người bộ quân phục. Cô Thìn đi bộ đội, cả xã náo nức.

Năm 1974 Thìn được ra quân, về làm công nhân Nhà máy dệt Việt Trì. Nhưng sức khỏe yếu, đứng máy lâu là bị ngất nên cô xin về lại Nghệ An, theo học lớp vừa học vừa làm để gắng lấy bằng tốt nghiệp cấp III.

Năm 1978, Thìn được bố trí về làm công nhân của Nông trường An Ngãi ở huyện Tân Kỳ. Tại đây, Thìn đã gặp một người lính Trường Sơn năm xưa. Biết anh nhiễm chất độc da cam nhưng Thìn vẫn yêu anh và sinh ra một đứa bé dị dạng, tắt thở ngay khi vừa ra đời.

Năm 1990, chị gặp một anh thợ hồ nhưng thứ chất độc mang tên da cam đã không cho chị được làm mẹ nên chị và anh chia tay.

Năm 2001, chị Thìn quyết định đi làm nghề giúp việc nhà ở Hà Nội. Chị yêu con trẻ nên nhà nào cũng thích. Tiền công chị để một phần thuốc thang, một phần gửi về cho mẹ, cho em, phần ít ỏi còn lại dành để in sách. Ước mơ trở thành một nhà văn vẫn cháy bỏng nên chị cứ viết. Khi đã xong xuôi công việc của một ôsin, chị chong đèn để viết, cứ thế đến khi nào không viết được nữa thì thôi.

Sau khi viết xong, chị đến Nhà xuất bản Hội Nhà Văn để nộp bản thảo. Một tháng sau thì nhận được điện thoại của nhà xuất bản thông báo đã có giấy phép.

Chị đã đi khắp Hà Nội hỏi xem nhà in nào rẻ. Ở đâu họ cũng đòi từ 6,5 triệu đồng trở lên, mà heo đất của chị chỉ có 6 triệu. Năn nỉ mãi họ bớt cho 500.000 đồng. Ngày 20-9 vừa rồi, 200 cuốn sách của chị đã ra đời với vốn liếng làm ôsin bao năm nay.

Chị Thìn nhìn tôi cười rạng ngời: “60 tuổi tôi mới thực hiện được ước mơ của mình”.

M3ZjavJk.jpgPhóng to
Liều thuốc thần kỳ - chuyện đời tự kể của chị Thìn

Sáu truyện ngắn trong tập truyện Liều thuốc thần kỳ đều xoay quanh thân phận của một gia đình, là nạn nhân của chiến tranh mà nhân vật chính trong các truyện ngắn chính là chị Nguyễn Thị Thìn, tác giả của tập truyện.

Chị từng có những mối tình cao đẹp, có ước mơ hoài bão, khi từ giã chiến trường chị cũng đã có một gia đình. Ai đâu biết rằng ngày chiến tranh đã kết thúc thì ngay trong gia đình chị chiến tranh mới bắt đầu bùng phát. Cha chị là cựu chiến binh, bỗng dưng mất trí nhớ, đi lang thang rồi qua đời trong đau xót (Cha ơi). Rồi đến chị, xây dựng gia đình, ba lần sinh nở, lần thì sa sẩy, lần sinh ra quái thai.

Ngày có kết luận của bác sĩ chị là nạn nhân của chất độc da cam cũng là ngày chồng rời bỏ chị. Chị trở thành người không chồng, không con, không gia đình (Liều thuốc thần kỳ)... Chị đã phải đi làm ôsin để kiếm sống. Và chị đã tìm đến văn chương để trải lòng mình lên trang giấy...

THÀNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp