Toàn cảnh cuộc họp của OPEC tại Vienna, Áo ngày 30-11 - Ảnh: Reuters |
Ngày 30-11, lần đầu tiên sau 8 năm, trải qua quá trình thương lượng và tranh cãi quyết liệt trong phiên họp cùng ngày tại Vienna (Áo), tổ chức OPEC cuối cùng đã đi đến quyết định cắt giảm 4,5% sản lượng dầu toàn khối mỗi ngày, trong vòng 6 tháng, theo đề xuất của Algeria.
Cụ thể, theo Reuters, kể từ ngày 1-1-2017, sản lượng dầu mỗi ngày của OPEC sẽ giảm từ mức 33,64 triệu thùng xuống còn 32,5 triệu thùng, tức giảm gần 1,2 triệu thùng/ngày. Trong đó, Saudi Arabia sẽ là quốc gia cắt giảm lớn nhất (0,5 triệu thùng/ngày), tiếp theo là Iraq và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Kuwait và Qatar.
Iran - quốc gia có tiếng nói đối chọi mạnh mẽ nhất với Saudi Arabia trong các phiên họp trước của OPEC, lần này không bị yêu cầu cắt giảm nhưng phải cam kết giữ sản lượng ở mức 3,797 triệu thùng/ngày. Libya và Nigeria được miễn cắt giảm vì đang phải đối mặt với các khó khăn trong nước.
Chỉ duy nhất thành viên Indonesia phản đối quyết định cắt giảm và tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên OPEC bởi không thể cắt giảm được nữa, một nguồn tin từ đoàn Qatar cho biết.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih hi vọng những nỗ lực cắt giảm đáng kể của OPEC sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác không thuộc khối, điển hình như Nga. OPEC hi vọng các nước ngoài khối có thể cắt giảm tối thiểu sản lượng 600.000 thùng/ngày.
Phản ứng sau cuộc họp của OPEC tại Áo, từ Matxcơva cùng ngày 30-11, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố Nga sẽ cắt giảm sản lượng dầu nửa đầu năm 2017 ở mức 300.000 thùng/ngày.
Hai quốc gia dầu mỏ khác ngoài khối OPEC là Azerbaijan và Kazakhstan cũng cho thấy sự sẵn sàng cắt giảm sản lượng theo đề nghị của OPEC.
Giới quan sát tỏ ra lạc quan trước thỏa thuận vừa đạt được của OPEC. Bà Amrita Sen - một nhà quan sát OPEC đến từ tổ chức Energy Aspects, nhận định với Reuters: "OPEC đã chứng minh cho những người hoài nghi thấy rằng tổ chức này chưa bao giờ sụp đổ. Động thái mới của OPEC sẽ giúp tăng tốc độ tái cân bằng thị trường cũng như sự xói mòn vì dư thừa dầu toàn cầu".
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó cùng ngày 30-11, Bộ trưởng Năng lượng Qatar và cũng là Chủ tịch OPEC, Mohammed al-Sada khẳng định đây là một bước tiến lớn và là thời khắc lịch sử, giúp tăng tốc lạm phát toàn cầu lên mức "lành mạnh hơn".
Tín hiệu mới từ OPEC đã có tác động tích cực tới các sàn giao dịch dầu mỏ giao sau trên thế giới. Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1- 2017 đã tăng hơn 8%, lên mức 50,36 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent tăng lên mức hơn 50 USD/thùng trong một tháng qua. Trong khi đó, giá dầu WTI tăng 4,53 USD, đạt 49,76 USD/thùng.
Cũng theo nguồn tin từ Qatar, OPEC sẽ tổ chức một cuộc đối thoại với các nước sản xuất dầu mỏ lớn ngoài khối vào ngày 9-12 tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận