Lấy ý kiến thành lập hiệp hội
Ngày 13-7, Bộ Nội vụ có công văn gửi các ban, bộ và UBND tỉnh Quảng Nam và Kon Tum về việc lấy ý kiến thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam.
Trước đó bộ nhận được hồ sơ đề nghị thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam do ông Võ Kim Cự - trưởng ban vận động thành lập hiệp hội - ký đơn đề nghị. Ban vận động này được Bộ NN&PTNT công nhận tại quyết định 2497 ngày 21-6-2023.
Bộ đề nghị các cơ quan tham gia ý kiến bằng văn bản về hồ sơ đề nghị thành lập hiệp hội có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý theo quy định.
Văn bản tham gia ý kiến gửi bộ trước ngày 28-7 để tổng hợp, xem xét.
Được biết ban vận động thành lập hiệp hội trên gồm 16 thành viên do ông Võ Kim Cự - chủ tịch hội đồng quản lý, viện trưởng Viện Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam, nguyên chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - làm trưởng ban.
Trong danh sách thành viên ban vận động có nhiều người thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh (trụ sở tại Hà Nội) và ông Cự được biết đến là chủ tịch hội đồng quản trị.
Ban có nhiệm vụ vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia hiệp hội, hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập hiệp hội gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập và tự giải thể sau khi đại hội thành lập và bầu ra ban lãnh đạo hiệp hội.
Ngoài đơn đề nghị thành lập hiệp hội thì ban vận động còn có dự thảo về điều lệ và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ I.
Không có tổ chức, cá nhân Quảng Nam tham gia ban vận động... là chưa hợp lý
Ông Trần Út - phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam - vừa ký văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc tham gia ý kiến thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam.
Theo ông, việc thành lập hiệp hội là rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức của hiệp hội, thông qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai các kế hoạch, chương trình để phát triển sản xuất sâm Việt Nam.
Tại văn bản, sở cũng góp ý điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của bản dự thảo điều lệ hiệp hội.
Đáng chú ý, theo ông Út, Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) và các loại cây dược liệu khác, là đơn vị chủ lực triển khai chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Hơn nữa hiện nay số lượng các doanh nghiệp, cá nhân tham gia sản xuất sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) tại Quảng Nam khá nhiều.
Tuy nhiên qua nghiên cứu hồ sơ vận động thành lập, không có các tổ chức, cá nhân (các doanh nghiệp, Hội sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My) ở Quảng Nam tham gia vào ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam, xét thấy nội dung này là chưa hợp lý. Vì vậy kính đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung nội dung này.
Còn ông Võ Trung Mạnh - chủ tịch huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum - cho biết ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất sâm lớn ở Kon Tum, Lai Châu đều không có trong danh sách này.
"Tôi thấy hơi lạ. Hội sản xuất sâm thì phải bao gồm những doanh nghiệp sản xuất sâm lớn nhất Việt Nam", ông Mạnh nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đức Lực - chủ tịch HĐQT Công ty Sâm Sâm (Quảng Nam) - cho rằng nếu làm sâm cũng phải có hiệp hội mới phát triển. Gần như những đơn vị thuộc ban vận động đều ở Hà Nội, liên quan đến Quảng Nam và Kon Tum thì gần như không có, không phải những người trồng sâm.
Thực ra việc lập ra một hiệp hội để phát triển ngành sâm đi từ vấn đề vùng trồng, đến người sản xuất, tiêu dùng, quan trọng nhất là mục đích hiệp hội để sản phẩm quốc gia phát triển thì cần cái gì cho đúng mục đích.
Ông cũng nói nếu trong ban vận động có những doanh nghiệp ở những địa phương phát triển về sâm như Quảng Nam, Kon Tum thì sẽ tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận