Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nam chia sẻ:
Phóng to |
Anh Võ Hoài Nam (đứng sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trong lần cùng ông nội về thăm Mường Phăng năm 2004 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh: Việt Dũng |
- Mỗi thế hệ đều có một lựa chọn khác nhau sao cho phù hợp với thời cuộc. Như ông nội tôi có lần nói: Nếu không có chiến tranh, ông có thể sẽ mãi là thầy giáo dạy sử. Mọi lựa chọn có thể khác nhau về hình thức, nhưng giống nhau về bản chất: đó là chiến đấu vì một cuộc sống tốt đẹp cho mai sau, dù là trên mặt trận nào. Nhưng cũng phải nói thêm kinh doanh có sức hút lớn với tôi vì từ bé tôi đã muốn tự lập. Vả lại ông nội và bố mẹ luôn cho tôi hiểu không có gì đạt được dễ dàng cả. Khi tôi tốt nghiệp đại học và về nước, tôi dự định sẽ kinh doanh tư nhân. Chuẩn bị cho quyết định này, tôi hỏi ông nội: “Con không định vào làm cơ quan nhà nước. Ý ông thế nào ạ?”. Ông nói: “Con làm gì cũng được, miễn làm giỏi, làm tốt và giúp ích được cho nhiều người”. Tôi không bất ngờ với cách trả lời của ông vì từ bé đến lớn, chưa bao giờ ông ép buộc chúng tôi làm cái gì theo ý ông cả.
* Anh nhớ về ông ở giây phút cuối thế nào? - Điều hạnh phúc nhất với gia đình là ông minh mẫn và tỉnh táo cho đến tận lúc ra đi. Ít ai biết rằng dù phải nằm viện hơn 1.500 ngày, mắt ông vẫn đạt 10/10. Hằng năm, gia đình đều chuẩn bị thiệp cảm ơn của ông dành cho những người bạn thân tình đã đến chúc thọ ông và tấm thiệp ấy năm nào cũng là chữ ký mới tinh của ông. Sinh nhật 103 tuổi, ngày 25-8-2013, gia đình vẫn chuyển vào bệnh viện những tấm thiệp mọi người chúc mừng sinh nhật. Ông vẫn tự đọc tất cả thiệp mừng mà không phải nhờ ai đọc hộ. Những người đồng đội, những người lính vào thăm, ông vẫn đọc được bảng tên của từng người. |
Phải có chí và trí
* Đại tướng có hay nhắc về thời thanh niên sôi nổi của mình để truyền lửa cho con cháu? Lời nhắc nhở nào của ông cho người trẻ mà anh sẽ nhớ mãi?
- Ông rất ít khi nói về mình. Còn với chúng tôi, ông thường nhắc đi nhắc lại: “Phải có chí và trí”. Thời điểm tôi theo ba mẹ về nước, khi đó ở Hungary tôi học lớp 2, nhưng về Việt Nam lại đủ tuổi học lớp 4. Nhập học cùng các bạn, tôi khá vất vả và tỏ ra “đuối” hơn vì phải học tiếng, học làm văn từ đầu. Thầy cô lo lắng cho tôi, nhưng ông chỉ cười hiền: “Con phải có chí và trí thì sẽ thành công”. Câu nói này không phải tôi hiểu ngay, nhưng ông nhắc lại mãi, nhiều trải nghiệm hơn, tôi thấm thía thêm rất nhiều. Ông nói trí có thể học được từ rất nhiều nguồn, từ học tập, đọc sách, các mối quan hệ... Còn chí thì phải tự thân vươn lên vượt khó và vượt qua chính bản thân mình.
* Là cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, niềm tự hào rất lớn, nhưng hẳn anh không tránh khỏi áp lực? Anh hóa giải áp lực theo cách nào?
- Lại nhớ hồi tôi mới theo bố mẹ về nước, học hành phải “đuổi” theo các bạn, nhiều thầy cô cứ nhắc: “Em là cháu Đại tướng, phải cố gắng học hành cho xứng đáng chứ”. Nhưng áp lực “là cháu Đại tướng phải giỏi” như cách các thầy cô nói không quá căng thẳng với tôi. Tôi nỗ lực theo cách để đạt mục tiêu của tương lai, chứ không phải nhìn vào những vấn đề hay khó khăn cụ thể trước mắt. Tốt nghiệp THPT, tôi tìm được học bổng du học nước ngoài. Thật ra, ở đời, ai cũng có áp lực, nhưng tôi học được ở ông rất nhiều cách hóa giải nó. Ông nội có nhiều vấn đề phải suy nghĩ, nhưng ông không đem những lo lắng từ công việc về nhà. Ở bên gia đình, chưa bao giờ thấy sự căng thẳng hiện trên gương mặt ông.
Không áp đặt thông tin, không giáo điều
Luôn sẵn sàng bắt đầu cái mới Đọc các tài liệu về ông sẽ thấy các trận đánh của ông rất khác nhau, không trận nào giống trận nào. Nếu giống nhau chắc không có nhiều sách viết về ông như thế. Nếu giống nhau cũng không thể chắc trận nào cũng thắng. Ông dạy tôi cách luôn sẵn sàng để tư duy độc lập và bắt đầu một cái mới. Nếu cứ nhìn vào quá khứ, bạn sẽ phải đối diện với một trong hai thứ, hoặc cả hai: đó là thành công và sự sợ hãi. Nếu chìm đắm trong thành công sẽ dễ rơi vào ảo tưởng và tự mãn. Nếu lo lắng vì sợ hãi sẽ luôn giới hạn bản thân mình không thể chiến thắng và thành công được. |
* Nhiều người nói anh quá may mắn khi có được người ông là nhân vật chính của nhiều bài học lịch sử trong nhà trường. Bài học lịch sử của Đại tướng khác gì so với những kiến thức anh thu nạp từ sách vở?
- Sau mỗi bài học ở lớp, tôi thường về hỏi ông. Là nhà quân sự nhưng ông không áp đặt thông tin. Là nhà giáo lịch sử nhưng ông không dùng cách giảng mô phạm, giáo điều để giảng giải cho tôi chiến thắng này tiêu diệt bao nhiêu quân, diễn ra vào ngày nào, tháng nào. Có những lúc ông coi tôi như một người đồng đội, vẽ lại sơ đồ tác chiến, lý giải vì sao phải đánh vào hướng này mà không đánh từ hướng kia. Cũng có khi ông chia sẻ để ra quyết định quân sự cho một chiến dịch, ông phải thức trắng bao nhiêu đêm... Cho nên, nói chuyện lịch sử nhưng tôi học được cách tư duy của ông để giải quyết vấn đề. Bài học lịch sử vẫn không chỉ dừng ở đó. Nhiều lần về thăm các chiến trường xưa, ông đều cho tôi đi cùng. Không gian của chiến trường xưa, cảnh gặp gỡ đồng đội cũ, viếng thăm phần mộ những người đã ngã xuống... cho tôi cảm nhận sâu sắc hơn về những bài học lịch sử. Thật sự gia đình tôi rất coi trọng việc đi thăm lại các chiến trường xưa.
* Đại tướng ra đi là mất mát lớn không chỉ với gia đình mà với cả dân tộc. Nhiều người nói rằng nỗi đau này quá lớn...
- Thật sự, cảm giác mất mát không quá lớn khi ông vẫn đang sống trong tim chúng tôi. Chỉ có một điều khác là hằng ngày tôi không còn được gặp ông nữa.
Hình ảnh hàng người chờ vào viếng ông không phải quá lạ lẫm. Ngay từ khi ông còn sống, rất thường xuyên có những hàng người dài chờ vào gặp ông, trong đó có những người lính già, đi lại không còn vững. Nhưng những ngày qua, dòng người vô tận tiến về 30 Hoàng Diệu khiến cả gia đình xúc động và biết ơn. Có những đêm tôi đi dạo quanh khu nhà, 3-4g sáng đã thấy người dân đứng xếp hàng, tôi thêm hiểu vì sao ông luôn đặt Tổ quốc, đồng bào lên trên hết.
Về lại chiến trường xưa, ông hầu như không nhắc lại những điều mọi người nghĩ là chiến công. Ông nói ông chiến đấu vì hòa bình. Luôn luôn có hai ưu tiên của ông cho chiến trường xưa là những người đã ngã xuống và đồng đội, đồng bào, những người sát cánh bên người lính trong những cuộc chiến. Theo ông đi nhiều nơi, tôi thấy ông luôn vun xới cho hình ảnh hòa bình. Ở mỗi nơi ông quay lại, những cây xanh sẽ được trồng lên với ý nguyện tạo môi trường thiên nhiên trong lành cho thế hệ kế tiếp. Cũng với mỗi vùng đất chiến tranh đã qua, ông luôn đau đáu cho công tác khuyến học. Tôi hiểu ông luôn muốn thế hệ trẻ có được sự chuẩn bị tốt nhất cả về thể chất và trí tuệ để dựng xây đất nước của thời bình...
__________
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận