Khách đổi ngoại tệ tại quầy thu đổi ngoại tệ ở TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Ông Phước nói:
- Có dự báo được tình hình tỉ giá, lãi suất thì doanh nghiệp mới tính toán được hướng làm ăn, còn người dân có thể giữ VND để gửi tiết kiệm hay góp vốn làm ăn, thay vì đổ xô vào USD và vàng như nhiều năm trước.
Kinh nghiệm từ nhiều năm trước cho thấy biến động tỉ giá, lãi suất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người dân. Khi đó, người dân vội mua USD, vàng để cất giữ, gọi là bảo toàn vốn. Nhưng nay kinh tế vĩ mô khá ổn định, lạm phát và tỉ giá trong tầm kiểm soát thì việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có tăng lãi suất cũng không còn là vấn đề quá lo ngại như trước.
Ông Trương Văn Phước - Ảnh: V.DŨNG
“Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối tăng rất nhanh, lên 60 tỉ USD, cho thấy niềm tin vào VND đã tăng lên nhiều và sự chuyển dịch từ USD sang nắm giữ VND là lớn, tôi cho rằng tỉ giá trung tâm và tỉ giá thị trường cũng không chênh lệch lớn
Ông Trương Văn Phước
* Cơ sở nào để nhận định như vậy, thưa ông?
- Theo lộ trình, FED sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2018 với mục tiêu lãi suất từ mức 1,5% hiện nay lên mức 2,25% vào cuối năm 2018. Tân thống đốc Jerome Powell trong lần trả lời phỏng vấn gần nhất để ngỏ khả năng lãi suất có thể tăng nhanh hơn, tùy thuộc vào tình hình thực tế của kinh tế Mỹ. Như vậy, việc FED tăng lãi suất là có lộ trình khá rõ ràng và có thể dự đoán.
Thực tế những lần FED tăng lãi suất trong năm 2017 đều nằm trong kỳ vọng của giới kinh tế và tài chính, do đó riêng bản thân nó chưa có tác động nhiều đến thị trường tài chính thế giới. Thậm chí sau đợt tăng lãi suất vào tháng 12-2017, thị trường chứng khoán Mỹ còn tăng đến 5-7%.
Về lý thuyết, lãi suất USD tăng tại Mỹ có thể sẽ khiến dòng vốn đầu tư đảo chiều, quay lại thị trường Mỹ để hưởng lợi tức cao hơn, đồng thời khiến đồng USD tăng giá.
Nhưng trên thực tế USD lại giảm đến hơn 9% so với các ngoại tệ mạnh khác và dòng vốn vẫn tiếp tục đổ mạnh vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, với giá trị ước tính lên đến khoảng 300 tỉ USD. Điều này được giải thích là song hành với chính sách của FED luôn là chính sách chống thâm hụt thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Đối với thị trường tài chính Việt Nam, việc FED tăng lãi suất USD đã lan tỏa trên thị trường tài chính suốt hai năm qua. Với một lộ trình tăng lãi suất của FED rõ ràng và được thông báo trước như vậy thì tác động đến tỉ giá và thị trường ngoại hối năm 2018 là rất nhỏ, không đáng lo ngại như nhiều năm trước đây.
* Với cơ sở như vậy, liệu có thể dự báo được mức tăng tỉ giá VND/USD trong năm 2018?
- Trong năm 2017, dù FED tăng lãi suất 3 lần nhưng trên thị trường quốc tế USD vẫn giảm 9% so với các ngoại tệ chủ yếu khác. Tức là hầu hết đồng tiền mạnh trên thế giới đều lên giá so với USD.
Riêng tại Việt Nam, lẽ ra VND cũng đã tăng giá so với USD nhưng thực tế VND được điều chỉnh giảm giá nhẹ. Đây là động thái chính sách của Ngân hàng Nhà nước nhằm tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời tránh những điều chỉnh đột ngột khi FED tiếp tục tăng lãi suất và tạo áp lực lên tỉ giá trong nước.
Trong năm 2018, USD trên thế giới được dự báo tiếp tục giảm giá dù FED có tăng lãi suất 3 lần, tuy nhiên tốc độ giảm giá sẽ chậm lại, ước khoảng 5%. Điều này càng khiến áp lực giảm giá lên VND trong năm nay là rất nhỏ.
Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ của nước ta được dự báo là tích cực khi cán cân thương mại trong 2 tháng đầu năm 2018 thặng dư 1,1 tỉ USD và cán cân vốn có nhiều triển vọng tích cực đến từ việc cải thiện môi trường đầu tư và việc thoái vốn tại những doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, dự trữ ngoại hối nay đạt 60 tỉ USD cũng là cơ sở vững chắc cho việc giữ ổn định tỉ giá.
Tỉ trọng USD trong tổng số tiền gửi tại ngân hàng đã giảm dần. Trong ảnh: một điểm thu đổi ngoại tệ tại TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Điều hành linh hoạt, uyển chuyển
* Người ta thường nói FED tăng lãi suất, vốn sẽ chảy về Mỹ. Liệu vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có chậm lại?
- Từ cuối năm 2016, FED tăng lãi suất nhưng USD trên thế giới lại giảm giá đáng kể, khiến dòng vốn tiếp tục đổ vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Điều này có thể thấy rất rõ qua tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Đó là nhờ bối cảnh vĩ mô tương đối ổn định cũng như cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh với nhiều cổ phiếu có chất lượng. Nhưng quan trọng nhất chính là những cải cách thể chế trong hai năm qua mà Chính phủ thực thi.
Dự trữ ngoại hối, lạm phát từ năm 2018 đến nay được cải thiện so với nhiều năm trước
* Dự trữ ngoại hối năm 2008, 2011 không có số công bố chính thức, chỉ là ước tính của một số tổ chức - Đồ họa: N.KH.
* Năm 2017, FED tăng lãi suất 3 lần nhưng tại Việt Nam tỉ giá trung tâm chỉ tăng 1,3%, giá bán USD tại ngân hàng giảm so với đầu năm. Theo ông, liệu điều này có lặp lại?
- Cơ chế tỉ giá trung tâm là cơ chế điều hành tỉ giá linh hoạt, uyển chuyển trong điều kiện đặc thù của Việt Nam. Nó không chỉ dựa vào sự biến động của giá USD trên thị trường quốc tế và sự biến động của USD ở trong nước, mà còn phụ thuộc vào nhiều biến số vĩ mô khác.
Với thước đo khá phổ biến và hiển nhiên là tỉ giá trung tâm sau khi cộng trừ biên độ mà so với tỉ giá thị trường có chênh lệch không lớn thì tôi cho là phù hợp.
Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối tăng rất nhanh, lên 60 tỉ USD, cho thấy niềm tin vào VND đã tăng lên nhiều và sự chuyển dịch từ USD sang nắm giữ VND là lớn, tôi cho rằng tỉ giá trung tâm và tỉ giá thị trường cũng không chênh lệch lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận