UBND TP.HCM vừa có quyết định về việc thành lập tổ công tác và tổ giúp việc của Tổ công tác tham mưu UBND TP chương trình hành động "Vì một Cần Giờ xanh".
Tổ công tác gồm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM Trương Minh Huy Vũ làm tổ trưởng, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Võ Hữu Thắng làm tổ phó thường trực và Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP) Ngô Nguyễn Ngọc Thanh làm tổ phó.
Tổ còn có 10 thành viên là phó giám đốc các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.
Tổ giúp việc cho tổ công tác có 19 thành viên do ông Huỳnh Minh Quang, trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cần Giờ, làm tổ trưởng.
Theo quyết định thành lập, tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo việc phối hợp hoạt động và kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND huyện Cần Giờ trong việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình hành động "Vì một Cần Giờ xanh".
Tham mưu, đề xuất UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND huyện Cần Giờ thực hiện công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, pháp luật của Nhà nước về thực hiện chương trình hành động "Vì một Cần Giờ xanh".
Tổng hợp, định kỳ hoặc đột xuất báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình. Tổ giúp việc tham mưu tổ công tác ban hành các kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo về triển khai thực hiện chương trình hành động "Vì một Cần Giờ xanh".
Dự thảo thông báo kết luận, báo cáo định kỳ, đột xuất, kế hoạch kiểm tra theo chỉ đạo của tổ công tác; theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện chương trình hành động "Vì một Cần Giờ xanh".
Đề xuất nội dung, chuẩn bị tài liệu phục vụ các cuộc họp của tổ công tác.
Trồng rừng gắn với tín chỉ carbon
Trước đó, UBND huyện Cần Giờ đã ban hành kế hoạch phối hợp xây dựng chương trình hành động "Vì một Cần Giờ xanh", trong đó, đề cập sâu đến đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ carbon.
Giai đoạn 2024 - 2025: trồng mới 180ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 200ha; chăm sóc 150ha rừng trồng giai đoạn 2016 - 2020.
Giai đoạn 2026 - 2030: trồng mới 280ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 200ha; chăm sóc 150ha rừng trồng giai đoạn 2024 - 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận