Nguyên Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển - Ảnh: Việt Dũng |
Nguyên Bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển phát biểu như vậy trong cuộc thảo luận bàn tròn về TPP giữa Ngân hàng Thế giới (WB), đoàn đàm phán các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội tại Hà Nội ngày 14-3.
Ông Tuyển cho biết theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn là vùng trũng trong chỉ tiêu về chất lượng thể chế khi xếp 93/144 quốc gia đồng thời môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn thuộc vùng trũng mặc dù chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt bằng 2 Nghị quyết số 19/NQ-CP (2014 và 2015).
Ông Tuyển lý giải nguyên nhân chính là do hai nghị quyết này chỉ dựa trên những văn bản quy định chứ chưa dựa trên những những thực chứng nên doanh nghiệp vẫn còn kêu ca rất nhiều.
Ngoài ra, chất lượng và phẩm chất của những cán bộ thực thi quan điểm này còn kém.
Theo Nguyên Bộ trưởng Thương mại Việt Nam, muốn cải cách thể chế hiệu quả, đầu tiên Việt Nam phải thực thi nghiêm túc những cam kết trong TPP và các hiệp định thương mại tự do khác.
Theo đó, phải rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, đối chiếu với cam kết để xem độ vênh của nó như thế nào, đồng thời kêu gọi sự tham gia của những người đàm phán trong việc rà soát lại hệ thống pháp luật.
Vị chuyên gia kinh tế cho biết lâu nay vai trò của người đàm phán trong việc rà soát các văn bản pháp luật là rất yếu.
“Hầu như lâu nay những người đàm phán không tham gia vào quá trình thẩm định, đánh giá các văn bản luật xem nó có phù hợp với những cam kết hay không. Theo tôi, trước khi văn bản pháp luật được ban hành thì phải có ý kiến của những người đàm phán,” ông nói.
Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, ông Tuyển cho hay các hiệp định trước đây, kể cả WTO, không tạo ra áp lực cải cách thể chế.
“WTO chỉ có một câu là ‘Kinh doanh dựa trên cơ sở, tiêu chí thương mại’ trong khi TPP tạo ra áp lực cho cải cách thể chế với các quy định không có phân biệt đối xử, không có sự ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp nhà nước” - Ông Tuyển nêu.
Theo ông Tuyển, Việt Nam cần thành lập chính phủ điện tử nhằm bảo đảm, công khai minh bạch hóa chính sách, tạo điều kiện cho người dân góp ý về chính sách.
Chính phủ đã có chương trình này nhưng triển khai rất chậm. Ngoài ra, theo ông Tuyển, tư duy pháp luật của Việt Nam phải chuyển từ “xác lập trật tự” sang “thúc đẩy phát triển”.
Ông Tuyển cũng cho hay Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc thay đổi cơ cấu nền kinh tế khi tỉ trọng nông nghiệp ngày càng giảm xuống đồng thời tỉ trọng công nghiệp ngày càng tăng lên nhưng xét về cơ cấu thành phần kinh tế vẫn còn rất kém.
Ông lý giải doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm trên 30% GDP, và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang là đầu tàu của nền kinh tế.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI xét về ngắn hạn là không xấu nhưng đang có nguy cơ tạo ra hai nền kinh tế trong một quốc gia, không bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận