10/12/2024 12:13 GMT+7

Ông Trump và kế hoạch 'dùng châu Âu trị châu Âu' ở Ukraine

Ông Trump dự kiến sẽ đề xuất triển khai binh lính châu Âu để thiết lập một vùng đệm dài 800 dặm (hơn 1.200km) giữa lực lượng Nga và Ukraine.

Ông Trump và kế hoạch 'dùng châu Âu trị châu Âu' ở Ukraine - Ảnh 1.

Ông Trump trò chuyện cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi lễ mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ cháy 5 năm trước, tại Paris, ngày 7-12 - Ảnh: REUTERS

Từ tháng 11, truyền thông quốc tế đã đưa tin về kế hoạch vùng đệm 800 dặm của ông Trump. Theo đó, Mỹ - nhà cung cấp viện trợ và vũ khí lớn cho Kiev - sẽ không cử lính tham gia tuần tra hoặc đảm bảo an ninh cho vùng đệm này.

Một thành viên trong đội ngũ của ông Trump khẳng định: "Chúng tôi không gửi người Mỹ đến giữ hòa bình ở Ukraine, cũng không trả chi phí cho việc này. Hãy để người Ba Lan, Đức, Anh và Pháp làm điều đó".

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tháng 11 đã gặp các lãnh đạo châu Âu tại Budapest trong Hội nghị Cộng đồng chính trị châu Âu. Ông Zelensky cảnh báo rằng việc nhượng bộ Nga sẽ là "tự sát" đối với châu Âu.

Tuy nhiên, kế hoạch của ông Trump gặp phải phản ứng gay gắt từ các nguồn tin an ninh cao cấp tại Anh. Theo tờ Daily Mail, các quan chức Anh chỉ trích rằng đề xuất này tạo lợi thế cho Nga và có nguy cơ chia cắt lãnh thổ Ukraine.

Phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin chế giễu sự phụ thuộc của NATO vào vai trò lãnh đạo của Mỹ, đồng thời tuyên bố rằng nếu không có Mỹ, liên minh này sẽ không còn giữ được ảnh hưởng như hiện tại.

Dữ liệu từ NATO cũng cho thấy Mỹ chi tiêu quốc phòng gấp đôi tổng chi phí của tất cả các thành viên còn lại.

Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump, với việc rút lui khỏi cấu trúc an ninh châu Âu, có thể làm suy yếu NATO nghiêm trọng, trở thành mối đe dọa lớn nhất với tổ chức này từ sau Thế chiến thứ hai.

Kể từ sau Thế chiến thứ hai, đặc biệt là thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Mỹ luôn đóng vai trò trung tâm trong việc định hình trật tự toàn cầu. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã phá vỡ khuôn khổ truyền thống này bằng cách áp dụng chính sách đối ngoại mang tính khép kín hơn.

Ông từng đặt câu hỏi về sự đóng góp của các thành viên NATO, yêu cầu họ đáp ứng nghĩa vụ tài chính. Đồng thời, ông cũng áp thuế nhập khẩu cao và tăng cường các hạn chế thương mại, đặc biệt với Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump hứa hẹn sẽ tiếp tục cách tiếp cận này. Ông dự định áp thuế nhập khẩu cao hơn để giảm thâm hụt thương mại với EU và các nền kinh tế châu Á lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Đặc biệt, ông kiên quyết không tham gia vào các cuộc xung đột quốc tế mới và ít khả năng tăng cường hỗ trợ cho những cuộc chiến đang diễn ra, như xung đột Nga - Ukraine.

Kế hoạch vùng đệm 800 dặm của ông Trump thể hiện rõ nét chính sách "Nước Mỹ trên hết", ưu tiên lợi ích trong nước và giảm thiểu vai trò của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, động thái này không chỉ gây tranh cãi trong nội bộ các đồng minh NATO mà còn tiềm ẩn nguy cơ thay đổi cục diện an ninh châu Âu, đặt ra nhiều thách thức cho việc giải quyết xung đột Nga - Ukraine.

Ông Trump và kế hoạch 'dùng châu Âu trị châu Âu' ở Ukraine - Ảnh 1.Tổng thống Ukraine: 'Tôi biết ơn sâu sắc ông Trump'

Ngày 10-12, Tổng thống Zelensky bày tỏ biết ơn 'quyết tâm mạnh mẽ' của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong việc chấm dứt chiến sự ở Ukraine, sau khi hai người gặp nhau tại Pháp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp