16/12/2016 09:44 GMT+7

Ông Trump và chính sách 'một Trung Quốc': cuộc chơi chỉ mới bắt đầu

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Nhiều chuyên gia cho rằng ông Donald Trump đã chọn thời điểm chiến lược để đưa ra bình luận về chính sách “một Trung Quốc” và đã có sẵn nhiều toan tính cho các bước tiếp theo.

Ông Donald Trump đã có toan tính cho canh bạc Đài Loan-Trung Quốc? - Ảnh: Reuters

Đài VOA dẫn lời nhiều nhà phân tích cả Mỹ lẫn Trung Quốc và Đài Loan cho rằng khó có khả năng Tổng thống Mỹ đắc cử sẽ xóa bỏ hoàn toàn chính sách thừa nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc, song ông Trump đã mở màn cho một canh bạc lớn mà các nước đi tiếp theo của ông sẽ đặt Bắc Kinh vào tình thế “làm gì cũng dở”.

Chọn đúng thời điểm

Trước đó, trong chương trình Fox News Sunday ngày 11-12 (giờ Mỹ), tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng Mỹ không nhất thiết bị ràng buộc bởi chính sách “Một Trung Quốc”, “trừ khi chúng ta thỏa hiệp với Bắc Kinh về một thứ gì đó, như thương mại chẳng hạn”.

Tuyên bố đưa ra chỉ mươi ngày sau khi nhà tỉ phú New York chọc giận Bắc Kinh bằng cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2-12.

Nhà sử học và bình luận chính trị Trung Quốc Zhang Lifan cho rằng chuỗi hành động trên của ông Trump “mang tính chiến lược”.

Ông Zhang nhận định Tổng thống đắc cử Mỹ “hé lộ” canh bạc mà ông sắp đặt cược vào thông qua cuộc điện đàm với bà Thái, và chính thức “giở bài” bằng tuyên bố về chính sách “Một Trung Quốc”, một sự sắp xếp có tính chiến lược.

“Ông ấy chưa phải là Tổng thống chính thức, và khi phát ngôn với tư cách Tổng thống đắc cử, ông ấy có thể nói bất kỳ những gì mình muốn” - chuyên gia Trung Quốc lý giải.

Ông Trump đã “cho Bắc Kinh thời gian” để tức giận và cân nhắc thiệt hơn giữa các lựa chọn để phản ứng lại bình luận của mình, ông Zhang nói, ý chỉ khoảng thời gian từ đây đến ngày ông Trump chính thức nhậm chức. Trong thời gian này, chính ông Trump cũng có thể quan sát hành động của Bắc Kinh để tính toán các bước đi tiếp theo cho mình.

Đồng tình với nhận định trên, ông Tseng Chien-yuan, phó giáo sư Đại học Tân Trúc (Đài Loan), cho rằng ông Trump xem chính sách “Một Trung Quốc” như quân bài mặc cả chính trị. “Ông ấy sẽ điều chỉnh các chính sách của mình tùy theo phản ứng của Trung Quốc để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ” - ông Tseng bình luận.

Trước đó, báo chí Trung Quốc loan tin nếu ông Trump thực sự không tiếp tục thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc”, Bắc Kinh sẽ trả đũa bằng cách “bán vũ khí cho các lực lượng đối địch với Mỹ” hoặc thông qua các biện pháp kinh tế, hay ngưng hợp tác với Mỹ trong các vấn đề như CHDCND Triều Tiên hay Iran.

Vẫn theo ông Zhang, sau khi ông Trump giở bài, Bắc Kinh giờ đây đứng giữa nhiều lựa chọn, nhưng không có cái nào thực sự có lợi cho Trung Quốc.

Thậm chí cả trong phương án dùng vũ lực (chiến tranh nổ ra ở Eo biển Đài Loan) Bắc Kinh vẫn sẽ nhận phần thiệt, bất kể họ thắng hay thua cuộc chiến đó. “Nếu thắng, Trung Quốc sẽ ‘thống nhất đất nước’, song sẽ bị cộng đồng quốc tế cô lập vì đã tiến hành cuộc chiến - ông Zhang nhận định - Còn nếu thua, sẽ có một 'nước Trung Quốc mới' ra đời và hoàn toàn tách khỏi sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc".

Xóa bỏ hay không xóa bỏ

Giới phân tích nhận định Washington khó có khả năng hoàn toàn chấm dứt chính sách “Một Trung Quốc”, bởi hai cường quốc này đang hợp tác ở rất nhiều lĩnh vực và “thực sự cần nhau”. 

“Tôi không cho rằng ông Trump sẽ bãi bỏ hoàn toàn chính sách 'Một Trung Quốc' (…) song nhiều khả năng ông sẽ cải thiện quan hệ với Đài Loan” - chuyên gia Zhang tiếp tục bình luận.

Nhà khoa học chính trị Jean-Pierre Cabestan (Đại học Hong Kong Baptist) cho rằng phía Mỹ cũng có nhiều ý kiến ủng hộ cải thiện quan hệ Mỹ - Đài theo hướng minh bạch hơn và gần với quan hệ “quốc gia với quốc gia” hơn là quốc gia và đảo tự trị.

Tuy vậy, ông Cabestan thừa nhận không rõ số ủng hộ là bao nhiêu, bởi có một thực tế là chính sách “Một Trung Quốc” vốn luôn giành được ủng hộ từ lưỡng đảng ở Mỹ.

Về phía Đài Loan, giới quan sát cho rằng Đài Bắc đang theo dõi sát sao động thái của Washington và Bắc Kinh để đảm bảo lợi ích của mình. Đã có quan ngại rằng cách tiếp cận của ông Trump (nâng tầm quan hệ với Đài Loan bằng cách chọc giận Trung Quốc) là “dữ nhiều hơn lành”.

Song ông Tseng cho rằng hay dở phải chờ đến tàn cuộc. “Nếu Mỹ và Đài Loan có thể thiếp lập quan hệ kinh tế khăng khít hơn, triều đại Tổng thống của ông Trump sẽ giúp Đài Loan thoát khỏi sự kềm cặp về quân sự và kinh tế của Trung Quốc” - ông Tseng kết luận.

Đủ lâu để xét lại

Quan hệ Mỹ-Trung thiết lập năm 1979, khởi nguồn từ chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Vào thời điểm đó, Mỹ quyết định chọn bắt tay với Trung Quốc để chống lại Nga. Và bây giờ, vẫn là những quốc gia đó, nhưng mọi thứ đang diễn ra theo chiều ngược lại.

"Chính quyền Trump đang cố gắng gây áp lực nhiều hơn lên Trung Quốc, cô lập Trung Quốc khỏi các quốc gia khác, và trở lại quan hệ với Nga", ông Cabestan nhận xét.

Ông Cabestan cũng cho rằng những gì được thỏa thuận từ cách đây ba bốn chục năm hoàn toàn có thể được xét lại trong thời điểm hiện tại, bởi vì “thực tế (giữa hai thời kỳ) đã khác xa nhau”.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp