19/12/2017 10:14 GMT+7

Ông Trump: 'Triều Tiên vẫn muốn tìm cách giết hàng triệu người Mỹ'

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Nhấn mạnh "Nước Mỹ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc giải quyết Triều Tiên" trong bài phát biểu công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, Tổng thống Donald Trump sẽ làm gì tiếp theo?

Ông Trump: Triều Tiên vẫn muốn tìm cách giết hàng triệu người Mỹ - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo Triều Tiên trong lễ duyệt binh 2017 - Ảnh: REUTERS

"Các nhà lãnh đạo trước đã phớt lờ mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên", ông Trump mở đầu khi nhắc đến chính quyền Bình Nhưỡng trong phát biểu quan trọng về chính sách an ninh quốc gia chiều 18-12 (giờ Mỹ).

Cùng với Nga, Trung Quốc, Iran và các phần tử khủng bố thánh chiến, Triều Tiên được liệt vào danh sách các mối đe dọa đối với nước Mỹ trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên dưới thời ông Trump.

"Sự gia tăng về số lượng, chủng loại, chất lượng và tầm bắn của tên lửa đặc biệt có ý nghĩa với những quốc gia như Triều Tiên khi họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại nước Mỹ. Họ thậm chí còn phát triển cả vũ khí hóa học và sinh học có thể lắp lên tên lửa", một đoạn khác khẳng định.

Những loại vũ khí này, theo Mỹ, đã đặt ra mối đe dọa không chỉ riêng đối với nước Mỹ mà toàn thế giới, do đó cần những phản ứng của tất cả các nước.

Triều Tiên vẫn tìm kiếm khả năng có thể giết hàng triệu người Mỹ trong nháy mắt bằng vũ khí hạt nhân.

Chiến lược an ninh quốc gia 2017 của Mỹ

"Chiến dịch gây áp lực tối đa của Mỹ lên chính quyền Triều Tiên đã đem lại kết quả là những lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay", ông Trump tổng kết sau 1 năm đối phó với Bình Nhưỡng, "các đồng minh của Mỹ đã đoàn kết cô lập Triều Tiên, một nỗ lực vô tiền khoáng hậu".

"Dù vậy vẫn còn nhiều việc phải làm. Lẽ ra chuyện này đã được giải quyết từ lâu trước khi tôi nhận nhiệm sở khi mọi sự vẫn còn dễ dàng. Nhưng nó sẽ được giải quyết, chúng ta không còn lựa chọn nào khác", ông Trump nhấn mạnh.

Ông Trump: Triều Tiên vẫn muốn tìm cách giết hàng triệu người Mỹ - Ảnh 3.

Hẹ thống phòng thủ THAAD của Mỹ được lắp đặt tại Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS

Chiến lược an ninh quốc gia mới khẳng định các hành động khiêu khích của Triều Tiên sẽ chỉ khiến các nước láng giềng tăng cường an ninh; còn Mỹ, với tư cách là đồng minh, sẽ triển khai thêm các biện pháp bảo vệ những nước này.

"Một hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng đã được Mỹ triển khai chỉ chuyên nhắm vào những quốc gia như Triều Tiên, Iran để bảo vệ nước Mỹ khỏi các vụ tấn công bằng tên lửa. Nó cho phép chúng ta có thể bắn hạ những quả tên lửa ngay khi chúng được phóng". 

Các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu hay gần đây nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc là ví dụ tiêu biểu cho cách tiếp cận này.

Nhìn chung, cách thức đối phó của chính quyền Trump với vấn đề Triều Tiên vẫn không có gì mới, nếu không muốn nói là vẫn còn mơ hồ. Ngoài chi tiết Mỹ sẽ cân nhắc và thay đổi các giải pháp để phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, đường hướng tiếp cận mới vẫn chưa thật sự rõ nét.

Chiến lược An ninh quốc gia do Nhà Trắng công bố nêu rõ các tên lửa được phát triển cả về số lượng, chủng loại và hiệu quả (bao gồm các tên lửa có tầm bắn lớn hơn) thực sự là các phương tiện nhiều khả năng nhất được sử dụng để gắn vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ. Văn kiện trên nêu rõ "Triều Tiên cũng theo đuổi việc sở hữu vũ khí hóa học và sinh học có thể được phóng đi bằng tên lửa".

Kể từ năm 1986, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu các tổng thống phải công bố văn kiện vạch rõ chính sách của mình về an ninh quốc gia. Chiến lược An ninh quốc gia gần nhất của Mỹ do Tổng thống Barack Obama công bố ngày 6-2-2015.

Ông Trump: Triều Tiên vẫn muốn tìm cách giết hàng triệu người Mỹ - Ảnh 5.

Buổi tiệc tối tổ chức ở thủ đô Bình Nhưỡng tối 13-12 mừng những người có đóng góp vào việc bắn thử thành công tên lửa ICBM - Ảnh: REUTERS

Đặt trong nội dung của toàn bộ chiến lược, điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu. Cạnh tranh Mỹ-Nga-Trung và bảo vệ lợi ích kinh tế, sức mạnh của nước Mỹ mới là trọng tâm trong chiến lược công bố lần này.

Tuy nhiên, nói như một nhà bình luận quốc tế, sự thiếu vắng các chỉ đạo cho vấn đề Triều Tiên trong chiến lược an ninh là chỉ dấu cho thấy Mỹ vẫn đang loay hoay tìm lời giải. 

Chiến lược đối phó với Triều Tiên vẫn nghiêng về phần cứng nhiều hơn, tức "đáp trả tổng lực" như một đoạn trong này viết. Không thấy sự hiện diện của phần mềm, tức các nỗ lực ngoại giao.

Thực tế trong thời gian qua thế giới đã chứng kiến sự bất nhất giữa ông Trump và Bộ Ngoại giao Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Trong khi tổng thống muốn cứng rắn, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lại muốn tiếp cận bằng con đường ngoại giao mềm dẻo.

Với những gì liên quan tới Triều Tiên đã thể hiện trong chiến lược an ninh quốc gia mới, thế giới càng thêm tin rằng ông Trump vẫn chưa biết sẽ làm gì tiếp theo với Bình Nhưỡng.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp