Ngày 18-6-2018, Tổng thống Donald Trump công bố chỉ thị về chính sách không gian mới được ký trong phiên họp Hội đồng Không gian quốc gia - Ảnh: AFP
Tại đất nước của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), của nhà du hành Neil Armstrong - người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng và của robot Curiosity đang hoạt động trên sao Hỏa, chinh phục không gian là một công cụ địa chính trị và biểu tượng quyền lực.
Trong bài diễn văn từ Nhà Trắng vào trung tuần tháng 6-2018, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố: "Nước Mỹ sẽ luôn đi đầu trong không gian".
Ông thậm chí còn nhấn mạnh: "Chúng tôi không muốn Trung Quốc, Nga và các nước khác vượt trên chúng tôi. Chúng tôi luôn luôn thống trị".
Đưa người lên sao Hỏa năm 2030
Để xây dựng chiến lược chiếm lĩnh không gian, vào tháng 6-2017 ông Trump đã tái lập Hội đồng Không gian quốc gia (NSC) vốn đã bị giải thể từ năm 1993.
Từ tháng 10-2017, NSC đã họp bốn lần và đã đưa ra nhiều đề xuất. Ông Trump đã dựa vào đó để ban hành hai chỉ thị.
Một là thay đổi cơ bản chiến lược không gian năm 2010 ban hành dưới trào Tổng thống Barack Obama. Hai là chỉ thị cho NASA ưu tiên làm việc với các nhà du hành Mỹ đã lên Mặt trăng để chuẩn bị các chuyến du hành lên sao Hỏa.
Lộ trình chinh phục không gian của ông Trump gồm hai điểm mới. Đầu tiên là xây dựng trạm quỹ đạo xung quanh Mặt trăng để thử nghiệm thiết bị và con người chuẩn bị đưa người lên sao Hỏa năm 2030.
Thứ hai là chính quyền Mỹ đã kêu gọi tư nhân tham gia rộng rãi hơn nhằm ủng hộ phát triển lĩnh vực không gian thương mại.
Thật ra từ năm 2012, NASA đã ký hợp đồng với hai doanh nghiệp SpaceX và Orbital ATK để làm nhiệm vụ tiếp tế cho Trạm Không gian quốc tế (ISS).
Người đứng đầu NASA Jim Bridenstine ghi nhận đối với Mặt trăng, chỉ cần ba ngày đi ba ngày về và con người có thể thẩm định mọi kỹ thuật nên giảm thiểu được nguy cơ. Trong khi đó, hành trình lên sao Hỏa dài hơn bao hàm nhiều bất trắc hơn.
Đương nhiên mục tiêu tối hậu là sao Hỏa. Thách thức quan trọng là chuyến du hành kéo dài bảy tháng và khi đến nơi, bạn phải ở lại 26 tháng trước khi có thể trở về Trái đất
Tổng giám đốc NASA Jim Bridenstine
Bộ tư lệnh không gian sẽ phụ trách giám sát các vệ tinh của Lầu Năm góc - Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Thành lập "đội quân thứ sáu"
Ngoài mục tiêu chinh phục sao Hỏa, chiến lược không gian của Tổng thống Trump còn nhắm đến mục đích quân sự.
Tháng 6-2018, ông khẳng định từ nay đến năm 2020 Mỹ cần phải thành lập lực lượng không gian hoạt động độc lập. Đây sẽ là "đội quân thứ sáu" bên cạnh hải, lục, không quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên.
Ông Trump đã đặt nền móng đầu tiên với quyết định ngày 18-12-2018 về việc thành lập Bộ tư lệnh không gian phụ trách giám sát mọi hoạt động không gian vốn trước nay thuộc quân đội. Công việc đầu tiên là giám sát 160 vệ tinh của Lầu Năm góc.
Không gian đang trở thành chiến địa. Đầu năm 2007, Trung Quốc đã sử dụng tên lửa thử nghiệm bắn hạ vệ tinh cũ Trung Quốc trên quỹ đạo cách Trái đất 800 km. Sang năm sau, Mỹ đã tiến hành vụ thử nghiệm tương tự.
Cho dù Tổng thống Trump có vẻ chủ trương không muốn Mỹ làm "sen đầm thế giới", ông vẫn quyết thực hiện mục tiêu thống lĩnh không gian. Tất cả vì câu "Nước Mỹ trước tiên"!
Hội đồng Không gian quốc gia do Phó tổng thống Mike Pence trực tiếp chỉ đạo, trong đó có mặt nhiều bộ trưởng, tổng giám đốc NASA và chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân.
Hỗ trợ cho hội đồng này có khoảng 30 chuyên gia gồm các nghị sĩ, tổng giám đốc các lĩnh vực liên quan, các nhà khoa học và năm nhà cựu du hành vũ trụ, trong đó có Buzz Aldrin 88 tuổi là người thứ hai đi trên Mặt trăng.
Ông Trump mong muốn thu hút doanh nghiệp tư nhân như Tập đoàn SpaceX tham gia phát triển không gian thương mại - Ảnh: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận