Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào tuyên bố hủy bỏ cam kết của Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran - Ảnh: REUTERS
Quyết định trên được đưa ra vào 14h chiều ngày 8-5 giờ địa phương, tức khoảng rạng sáng ngày 9-5 theo giờ Việt Nam.
"Sau những tham vấn, với tôi thì rõ ràng chúng tôi không thể ngăn chặn một quả bom hạt nhân từ Iran bằng cấu trúc rệu rã và mục nát của thỏa thuận hiện tại", ông Trump nói.
Đây là một quyết định không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát cũng như những thông tin rò rỉ trước đó.
Ông Trump là người chỉ trích mạnh mẽ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran - hay còn gọi với tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
JCPOA được ký kết vào năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức).
Thỏa thuận này cho phép Iran được tháo gỡ dần cấm vận của quốc tế, đổi lại là việc Tehran phải minh bạch quá trình làm giàu uranium và giảm việc làm giàu uranium trong thời gian 10 năm từ 2015 tới 2025.
Được xem là hướng giải quyết nhằm đảm bảo Iran không chế tạo vũ khí hạt nhân, JCPOA lại gặp chỉ trích vì những lỗ hổng mà thỏa thuận này chứa đựng.
Ông Trump biện minh cho hành động hủy bỏ cam kết của Mỹ đối với JCPOA bằng việc cáo buộc Iran tiếp tục xây dựng một chương trình hạt nhân, trong khi không đưa ra bằng chứng.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng cho biết Mỹ sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran, vốn sẽ được triển khai trong thời gian 90 tới 180 ngày tới.
Trong động thái phản ứng ngày 8-5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani gọi đây là "một cuộc chiến tâm lý". Ông tin rằng thỏa thuận có thể duy trì nếu các đối tác khác của nhóm P5+1 có thể tác động lên ông Trump.
Như vậy, bất kể đã có các chuyến thăm và làm việc tới Mỹ trong thời gian qua, các nước châu Âu như Anh, Pháp và Đức đều thất bại toàn diện trong việc thuyết phục ông Trump duy trì thỏa thuận đã ký kết.
Vừa qua các nước này đều bày tỏ sự "nuối tiếc và quan ngại" về quyết định của ông Trump.
Ngược lại, các nước đối đầu với Iran trong khu vực Trung Đông như Saudi Arabia hay Israel tỏ ra thỏa mãn với việc Mỹ tái lập trừng phạt lên Iran.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói ông "hoàn toàn ủng hộ" quyết định của ông Trump, và "Israel cảm ơn Tổng thống Trump về sự lãnh đạo can đảm của ông ấy".
Giới phân tích không ủng hộ ông Trump trong khi đó lo ngại rằng việc này sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama - người nỗ lực ký kết JCPOA khi đương nhiệm, cảnh báo hậu quả của việc hủy bỏ cam kết này: "Không có JCPOA, Mỹ thậm chí bị đặt vào thế lựa chọn giữa một Iran sở hữu hạt nhân và một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông".
Đây ít nhất là lần thứ ba ông Trump rút Mỹ khỏi các thỏa thuận đa phương từng cam kết ở chính quyền tiền nhiệm.
Từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ đầu năm 2017, ông Trump đã rút khỏi Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris 2015 và giờ là JCPOA.
Báo Guardian lưu ý rằng ông Trump sử dụng cụm từ "rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran" là không chính xác. Vì JCPOA không phải một "hiệp ước" nên không có chuyện "rút khỏi". Thay vào đó, Mỹ chỉ có thể "tôn trọng", "tuân thủ" hoặc "vi phạm" mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận