Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters
Ngày 9-3-2018, một ngày sau khi ông Trump chấp nhận lời mời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, tin dữ bắt đầu bay đến tai ngoại trưởng Mỹ khi đó là Rex Tillerson đang ở tận châu Phi.
Chánh văn phòng Nhà Trắng khi đó, tướng về hưu John Kelly, đã đánh thức cựu giám đốc điều hành ExxonMobil bằng một cảnh báo: nhiệm kỳ ngoại trưởng của ông sắp sửa chấm dứt.
Chúng tôi sẽ không vội. Nhiều báo đài thích nói kiểu “Ồ, chuyện gì đang xảy ra vậy? Tăng tốc, tăng tốc lên đi”. Không có gì phải vội vàng hết. Chúng tôi sẽ gặp nhau và chúng ta sẽ thấy chuyện gì sẽ xảy ra. Và tôi nghĩ đến cuối cùng chúng ta sẽ cực kỳ thành công.
Tổng thống Trump nói không vội thúc ép Triều Tiên phi hạt nhân hóa
Đòn đe dọa
Chỉ vài giờ trước khi ông Trump đưa ra quyết định chấp nhận lời mời của Triều Tiên, ông Tillerson còn khăng khăng tuyên bố "vẫn còn một chặng đường dài để Washington ngồi vào bàn đàm phán". Và chưa đầy một tuần sau cú điện thoại của ông Kelly, ông Tillerson chính thức bị tống khỏi trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ và được thay thế bởi giám đốc Cục Tình báo trung ương Mike Pompeo.
Truyền thông Mỹ khi đó loan tin cách tiếp cận ôn hòa của ông Tillerson đối với Triều Tiên đã khiến đoàn tàu "áp lực tối đa" của ông Trump bị trật đường ray nhiều lần, song dành nhiều sự cảm thông với người ra đi.
Nhưng nếu nhìn sự việc ở góc độ khác, nó cho thấy sự quyết tâm của Tổng thống Trump trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, khi sẵn sàng đuổi cả một trong những người đầu tiên được ông tin tưởng cất nhắc vào vị trí quan trọng hàng đầu trong nội các.
14 tháng ông Tillerson ngồi ở Foggy Bottom - nơi đặt trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ - là 14 tháng mối quan hệ vốn đã mang tính thù địch giữa Washington và Bình Nhưỡng bị đẩy lên đỉnh điểm căng thẳng.
"Tôi đã nói với Rex Tillerson, vị ngoại trưởng tuyệt vời của chúng ta, rằng ông ta đang lãng phí thời gian để tìm cách đàm phán với Người tên lửa" - ông Trump viết trên Twitter cá nhân tháng 10-2017 và nhắc đến biệt danh mà ông gán cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Trước hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đã có những thời điểm trong năm 2017 người ta tin rằng Mỹ sắp sửa tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng như đã làm với Syria. Chiến lược "gây áp lực tối đa" trên cả kinh tế, chính trị - ngoại giao và quân sự mà ông Trump áp dụng khi đó với Triều Tiên luôn là thứ khiến ông tự hào mỗi khi nhắc đến.
Thậm chí, ngay cả khi đứng trước Đại hội đồng LHQ tháng 9-2017, ông Trump còn tuyên bố sẽ "phá hủy hoàn toàn Triều Tiên" nếu bị buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ đồng minh, rằng "Người tên lửa đang tự sát".
Một năm sau cách tuyên bố mà chưa một tổng thống Mỹ nào dám đứng nói trước LHQ, cũng tại chính cơ quan đó, ông Trump tuyên bố "cảm ơn Chủ tịch Kim vì sự dũng cảm và những gì mà ông ấy đã làm".
Mọi thứ thay đổi một cách nhanh chóng trong năm 2018. Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore tháng 6-2018, dù lý giải dưới góc độ từ Mỹ hay Triều Tiên, đều là bước đột phá đặt nền tảng cho hòa bình và ổn định của khu vực.
Đoàn xe dành riêng cho Tổng thống Donald Trump đã được đưa đến Hà Nội vào sáng 23-2 và đến đổ xăng trên đường Lê Văn Lương - Ảnh: CHÍ TUỆ
Làm tốt bị ghét
Ý chí cá nhân của Tổng thống Trump được thể hiện rất rõ trong việc chọn cách tiếp cận của Mỹ với Triều Tiên. Khi ông muốn cứng rắn, mọi thứ nên là như thế nhưng khi ông muốn thay đổi, người khác phải nên học cách điều chỉnh. Việc ông Trump sa thải ông Tillerson, chọn ông Mike Pompeo và ông John Bolton cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ vẫn còn bị ảnh hưởng nặng phong cách doanh nhân.
Gần đây nhất, có thông tin trong nội bộ Nhà Trắng nói tổng thống đang muốn sa thải giám đốc tình báo quốc gia Dan Coats với lý do không mới: bất đồng quan điểm trong vấn đề Triều Tiên.
Một báo cáo trước đó của cộng đồng tình báo Mỹ có chữ ký của ông Coats tuyên bố Bình Nhưỡng chưa sẵn sàng từ bỏ hạt nhân và đang sử dụng các cơ sở dân sự để chế tạo và thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Điều này hoàn toàn đi ngược lại cách tiếp cận vốn đã bước vào giai đoạn mềm dẻo của ông Trump với Triều Tiên.
"Truyền thông Mỹ đang tìm mọi lý do để tấn công Tổng thống Trump vì các cuộc đối thoại với Triều Tiên. Họ ghét ý kiến nói rằng ông Trump đang làm quá tốt những thứ mà những người tiền nhiệm chẳng làm được" - thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói với Đài Fox ngày 22-2.
Trong khi một số tờ báo đã gọi việc ông Trump gặp ông Kim Jong Un là một chiến thắng cho Triều Tiên, thậm chí lo sợ nhà lãnh đạo Mỹ sẽ "cho đi quá nhiều nhưng nhận lại chẳng bao nhiêu", đó có thể là một tình huống mà cả hai nhà lãnh đạo cùng thắng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung - giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (ĐH KHXH&NV TP.HCM) - nhận định việc ông Trump quyết liệt với vấn đề Triều Tiên ngay trong nhiệm kỳ đầu cho thấy ông đang cố gắng giữ lời hứa khi tranh cử.
"Tổng thống Trump đang muốn chứng tỏ với người dân và cử tri Mỹ ông là một người dám nói dám làm. Thành công của những hành động đó tới đâu vẫn còn phải chờ bởi trong quan hệ quốc tế, tác động từ một bên không thể tạo ra kết quả mà nó còn đợi phản ứng từ bên còn lại".
Tổng thống Trump đã khởi động chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ 2 chỉ một tháng sau khi ngồi vào Nhà Trắng. Và nếu muốn tiếp tục ngồi ở Phòng Bầu dục sau năm 2020, ông Trump cần có thành tựu để nói chuyện với dân Mỹ, cả đối nội lẫn đối ngoại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận