26/11/2024 05:28 GMT+7

Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án đa dạng nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên, qua đó định hình một phác thảo tối ưu cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.

Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine - Ảnh 1.

Ông Trump khi còn là ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa gặp Tổng thống Zelensky tại tháp Trump ở New York ngày 27-9 - Ảnh: REUTERS

Các tiết lộ mới nhất hôm 24-11 từ hạ nghị sĩ Mike Waltz - nhân vật dự kiến đảm nhiệm vị trí cố vấn an ninh quốc gia (NSA) trong chính quyền sắp tới - đã định hình rõ nét hơn xu hướng chọn kinh tế thay cho an ninh trong tổng thể kế hoạch đang được ông Trump và đội ngũ kiến tạo ở Ukraine.

Chúng ta cần thảo luận xem ai sẽ ngồi vào bàn đàm phán này, liệu đó sẽ là một thỏa thuận hay lệnh ngừng bắn, cũng như làm thế nào để đưa cả hai bên vào bàn đàm phán và sau đó là phạm vi thỏa thuận.

Ông Mike Waltz hôm 24-11 cho biết chính quyền Trump sẽ bắt đầu thúc đẩy đàm phán Nga - Ukraine ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ vào 20-1-2025.

Tối thiểu gánh nặng an ninh

Từ tháng 4 đến tháng 7-2024, ông Trump và đội ngũ tranh cử đã thông qua nhiều kênh truyền thông lớn như tờ Washington Post và Hãng tin Reuters để đăng tải một loạt thông tin không chính thức về cả ba vấn đề của Ukraine lúc này là lãnh thổ, kinh tế và an ninh. 

Trong nhóm thông tin này có nhắc đến khả năng Mỹ gây áp lực buộc Ukraine phải nhượng lại các vùng lãnh thổ (như bán đảo Crimea và vùng Donbass) cho Nga, khả năng Mỹ cắt viện trợ kinh tế cho Ukraine trừ khi nước này đồng ý đàm phán với Nga, và khả năng Mỹ ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO để được đảm bảo an ninh.

Tất cả các thông tin này đều gây quan ngại cho dư luận về "nhận thức sai lầm" của ông Trump khi dường như đang đáp ứng quá nhiều các đòi hỏi từ phía Nga. Nhưng thực tế ông Trump đang tính đến một phương án giúp cho Ukraine hóa giải được "bộ ba bất khả thi", trong đó không thể cùng lúc đạt được cả ba yêu cầu về lãnh thổ, kinh tế và an ninh như mong đợi của chính quyền Tổng thống Zelensky.

Do đó đến tháng 9-2024, ông J. D. Vance khi đó là ứng viên phó tổng thống trong liên danh với ông Trump đã công bố các sơ phác đầu tiên về kế hoạch "đóng băng xung đột" về lãnh thổ nhằm thiết lập các khu vực phi quân sự ở tuyến chiến sự với Nga hiện tại. 

Kế hoạch này cũng đề cập đến việc trì hoãn quá trình gia nhập NATO của Ukraine nhưng vẫn duy trì đảm bảo an ninh của phương Tây thông qua lực lượng gìn giữ hòa bình do Liên minh châu Âu (EU) đảm nhận ở các giới tuyến phi quân sự nói trên.

Các điều khoản "đóng băng xung đột" này được Điện Kremlin tiếp nhận một cách cầu thị khi cũng sử dụng các nguồn tin không chính thức để rò rỉ khả năng phía Nga sẵn sàng rút khỏi các khu vực nhỏ trong vùng Kharkov và Mykolaiv. Đổi lại, Nga muốn thiết lập cơ sở đàm phán về cách phân bổ các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine mà Nga đang chiếm đóng.

Theo tờ New York Times, phía Ukraine cũng đang dần chuyển trọng tâm sang các ưu tiên về an ninh thay vì đòi hỏi "đường biên giới năm 1991" về lãnh thổ như trước đây. Tờ Economist cũng đăng tải một bài viết vào ngày 24-11 miêu tả không khí mưu cầu đình chiến đang lan rộng trong quân đội Ukraine trên khắp các khu vực tiền tuyến, đặc biệt trong bối cảnh phía Nga đang tấn công vào khu vực Donetsk với tốc độ nhanh nhất trong năm 2024.

Cũng trong ngày 24-11, các tiết lộ mới từ ông Waltz với tư cách cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền sắp tới đã làm rõ hơn yêu cầu "chia sẻ gánh nặng" của Mỹ về an ninh Ukraine từ tất cả các đồng minh và đối tác. 

Đây là động thái cho thấy chính quyền Trump ủng hộ quan điểm của Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố trước đó bên lề Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao EU. Vào ngày 19-11, ông Sikorski khẳng định các nước lớn châu Âu sẵn sàng gánh vác gánh nặng viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine trong trường hợp Mỹ cắt giảm hỗ trợ.

Tối đa lợi ích kinh tế

Nói cách khác, "cú hích 24 giờ" vào ngày 20-1-2025 mà ông Mike Waltz đề cập liên quan đến cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine do Mỹ làm trung gian đã được vận động có hiệu quả ngay từ trong quá trình tranh cử của liên danh Trump - Vance. 

Sau khi thăm dò khả năng "đóng băng xung đột" về lãnh thổ và giảm nhẹ gánh nặng về an ninh cho các đối tác và đồng minh, phía ông Trump lại tiếp tục thăm dò về các viễn cảnh gia tăng lợi ích kinh tế.

Đối với nhóm lợi ích này, đích thân ông Trump sau khi trở thành tổng thống đắc cử đã để lộ các thông tin cho thấy sự quan tâm đến các nội dung về sự chia sẻ tài nguyên thiên nhiên của Ukraine cho các đối tác phương Tây trong "Kế hoạch chiến thắng" của ông Zelensky.

Đây chính là nền tảng quan trọng để ông Waltz nhắc đến khả năng điều phối làm hạ giá năng lượng sẽ trở thành trọng tâm của chính quyền sắp tới, đúng như cam kết cắt giảm một nửa giá năng lượng và giá điện trong vòng 18 tháng sau khi nhậm chức mà ông Trump tuyên bố khi tranh cử.

Phía Ukraine hiện cũng phát đi tín hiệu mong chờ vào các đề xuất mới của Tổng thống đắc cử Trump, trong đó vấn đề giảm giá năng lượng rất được ông Zelensky kỳ vọng. Cũng tương tự như vậy, khi Điện Kremlin đang cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cản trở "con đường hòa bình" của chính quyền kế nhiệm về Ukraine khi cho phép nước này sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga.

Nhìn chung, các tiết lộ mới nhất của ông Waltz đang củng cố rõ nét hơn các định hướng ưu tiên nhóm mục tiêu "kinh tế hóa" hơn hẳn "an ninh hóa" của chính quyền Mỹ kế nhiệm trong vấn đề Ukraine.

Dù cho chưa có công bố chính thức nhưng các phác thảo kế hoạch hòa bình Ukraine đã được thể hiện từng phần thông qua các bước thăm dò phương án khả thi và dần định hình một nền tảng nhận thức chung đối với cả hai bên Nga và Ukraine. 

Nền tảng nhận thức này sẽ là một liên kết quan trọng củng cố vai trò trung gian tích cực của Mỹ trên bàn đàm phán tiềm năng giữa hai nước này như kế hoạch sẽ triển khai chính thức từ ngày 20-1-2025.

Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine - Ảnh 2.Ông Trump sắp nhậm chức, NATO kêu gọi tăng chi tiêu cho quốc phòng

Chủ tịch Ủy ban Quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kêu gọi các quốc gia thành viên cần chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn mức 2% tổng sản phẩm quốc nội đã cam kết từ năm 2014.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp