
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tháng 2 để chốt thỏa thuận về khoáng sản nhưng không thành - Ảnh: REUTERS
Bản thảo các yêu cầu của Mỹ được tiết lộ sau cuộc họp của các quan chức Mỹ và Ukraine ngày 11-4 thảo luận các đề xuất của Nhà Trắng về thỏa thuận khoáng sản.
Hãng tin Reuters dẫn dự thảo cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng "tối đa hóa" yêu cầu so với đề xuất hồi tháng 2-2025, trong đó đòi Ukraine trao cho Mỹ quyền kiểm soát kim loại quý hiếm, cũng như dầu và khí đốt của nước này để "đền đáp" số vũ khí mà Washington đã gửi cho Kiev.
Theo đề xuất mới nhất, Mỹ muốn Tổng công ty Tài chính phát triển quốc tế của chính phủ nước này sẽ nắm quyền kiểm soát đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Ukraine.
Đường ống này chạy từ thị trấn Sudzha ở phía tây nước Nga đến thành phố Uzhhorod của Ukraine, dọc biên giới với Liên minh châu Âu và Slovakia.
Đường ống này là một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng quốc gia và là tuyến đường năng lượng chính của Ukraine.
Từ cuối năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề xuất cho phép Mỹ tiếp cận ngành khoáng sản kém phát triển của Kiev.
Theo hình dung của ông Zelensky, chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, đổi lại bằng lợi nhuận từ các khoản đầu tư chung.
Tuy nhiên sau khi nhậm chức, ông Trump đã từ chối đưa ra các cam kết an ninh hoặc hỗ trợ quân sự nhưng vẫn muốn có khoáng sản của Ukraine.
Sau khi Kiev từ chối đề xuất đầu tiên, hai nước vẫn đang tiếp tục đàm phán. Tuần trước ông Trump phàn nàn rằng nhà lãnh đạo Ukraine đang cố gắng "rút lui" và dọa rằng ông Zelensky sẽ gặp "vấn đề lớn" nếu không ký thỏa thuận.
Trong tuần này, ông Zelensky cho biết ông sẵn sàng thỏa thuận với Mỹ để hiện đại hóa đất nước, nhưng chỉ khi có "sự bình đẳng" giữa hai bên, với doanh thu được chia 50-50.
"Tôi chỉ đang bảo vệ những gì thuộc về Ukraine. Nó sẽ có lợi cho cả Mỹ và Ukraine. Đây là điều đúng đắn cần làm", ông Zelensky nói.
Song song đó chính quyền ông Trump tiếp tục thúc đẩy nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Mới đây trên tờ Times, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Ukraine, ông Keith Kellogg đã đề cập đến khả năng Ukraine bị chia cắt "gần giống như Berlin sau Thế chiến thứ hai" như một phần của thỏa thuận hòa bình.
Nhưng sau đó ông Kellogg lên tiếng bác, cho rằng tờ báo đã dẫn sai ý của ông, bởi ông cho rằng ý tưởng của ông là việc lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế cần xác lập vị trí của họ khi Ukraine hòa bình.
Ngày 11-4, đặc phái viên Steve Witkoff của ông Trump sau khi thăm Nga đã lên tiếng cho rằng cách nhanh nhất để đạt được lệnh ngừng bắn tại Ukraine là ủng hộ chiến lược trao cho Nga quyền sở hữu 4 khu vực ở phía đông Ukraine mà Matxcơva đã sáp nhập vào năm 2022, bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận