04/01/2020 08:43 GMT+7

Ông Trump mở 'hộp Pandora' ở Trung Đông?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Khi Mỹ giội bom xuống thủ đô Baghdad của Iraq tháng 3-2003, mở màn cho cuộc chiến ở Iraq, tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Jacques Chirac cáo buộc chính cuộc xâm lược của Mỹ đã mở chiếc "hộp Pandora" ở quốc gia tây Á.

Ông Trump mở hộp Pandora ở Trung Đông? - Ảnh 1.

Một mảnh vỡ bốc cháy tại khu vực sân bay quốc tế Baghdad, Iraq - Ảnh: Reuters

"Hộp Pandora", theo thần thoại Hi Lạp, chứa chiến tranh, sự tuyệt vọng và cả hi vọng. Và nay, gần 17 năm sau, một chiếc "hộp Pandora" khác dường như được Mỹ mở ra ở Trung Đông khi Lầu Năm Góc xác nhận đã tiến hành không kích theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump nhằm tiêu diệt thiếu tướng Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm al-Quds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran tại khu vực gần sân bay quốc tế Baghdad (Iraq).

Soleimani đã gây chết chóc hay thương tích trầm trọng cho hàng ngàn người Mỹ trong một giai đoạn dài, và ông ta đang âm mưu giết thêm nhiều người nhưng đã bị phát hiện... Ông ta lẽ ra đã bị trừ khử từ cách đây nhiều năm.

Tổng thống Trump viết trên Twitter tối 3-1 (giờ VN).

Dòng máu thanh khiết của ông ta (Soleimani) đã chảy dưới tay những kẻ đồi bại nhất của nhân loại.

Đại giáo chủ Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao của Iran, khẳng định đòn trả thù tàn khốc đang chờ đợi thủ phạm.

Căng như dây đàn

Ngay sau khi Mỹ xác nhận đã tiêu diệt tướng Soleimani, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sự hi sinh của Soleimani sẽ khiến Iran quyết đoán hơn trong việc "ngăn chặn sự bành trướng của Mỹ và bảo vệ giá trị Hồi giáo của chúng ta"... 

"Iran và những quốc gia tìm kiếm sự tự do trong khu vực sẽ trả thù cho ông ấy" - ông Rouhani phát biểu giận dữ. Quốc tang ba ngày đã được tuyên bố.

Phản ứng mạnh mẽ của lãnh đạo Iran là điều dễ hiểu. Bất chấp mối quan hệ giữa Iran và Mỹ đã xấu đi từ lúc Tổng thống Mỹ Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vụ không kích lần này bị xem là một cú sốc thực sự vì Soleimani là quan chức tình báo quân sự hàng đầu ở Trung Đông, xét thêm việc bản thân al-Quds là lực lượng đóng vai trò then chốt cho chính sách của Iran trong khu vực Trung Đông.

Mức độ căng thẳng lần này là kết quả của hàng loạt vụ tấn công trả đũa diễn ra trên đất Iraq từ cuối năm 2006. Theo Guardian, chính tướng Soleimani là trung tâm trong hầu hết những gì Iran đã làm và bị những quan chức cấp cao trong chính quyền cựu tổng thống Mỹ Barack Obama xem như nhân vật "không thể đụng tới".

Ngoài Soleimani, cuộc không kích trên đã giết Abu Mahdi al-Muhandis, nhân vật thứ hai của lực lượng dân quân cơ động Iraq (PMF) do Iran bảo trợ. PMF ban đầu là một tổ chức bán quân sự của những tay súng theo đạo Hồi dòng Shia (hay Shi’ite) được thành lập năm 2014 dưới danh nghĩa đánh lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), trước lúc được luật pháp Iraq công nhận là một lực lượng quân sự chính thức, báo cáo hoạt động trực tiếp tới thủ tướng.

Mỹ tranh thủ tính chính danh

Vụ không kích tiêu diệt Soleimani diễn ra trong thời điểm Iraq trên bờ vực một cuộc chiến tranh toàn diện theo kiểu đã xảy ra tại Syria, nơi đất chủ nhà biến thành chiến trường của những phe lợi ích giấu tay. Và nếu Mỹ muốn giữ sự hiện diện ở Iraq, Washington đã tận dụng triệt để tình hình để danh chính ngôn thuận triển khai binh sĩ.

Trong hai ngày từ 31-12-2019 tới 1-1-2020, Đại sứ quán Mỹ tại Iraq bị người biểu tình xông vào đập phá. Diễn biến này là kết quả của một loạt căng thẳng và trả đũa gần nhất. Ngày 27-12, một nhà thầu quân sự Mỹ đã thiệt mạng sau vụ tấn công nhằm vào khu quân sự Iraq gần thành phố Kirkuk của Iraq.

Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ, vụ tấn công này cũng làm bị thương 4 quân nhân Mỹ và 2 thành viên lực lượng an ninh Iraq. Lầu Năm Góc đáp trả bằng vụ không kích ngày 29-12, nhắm vào các tay súng Kataeb Hezbollah được cho do Iran bảo trợ.

Vụ việc tại Đại sứ quán Mỹ từ ngày 31-12-2019 tới 1-1-2020 khiến Mỹ cảm thấy bất an trong khi khẳng định Soleimani là kẻ chủ mưu. Mỹ cáo buộc tướng Soleimani trực tiếp chỉ đạo toàn bộ chiến dịch quân sự của Iran trên khắp vùng Trung Đông, thực hiện nhiều cuộc tấn công đẫm máu nhắm vào các căn cứ quân sự và binh lính Mỹ.

Nó biến thành một nguyên cớ hoàn hảo để Mỹ triển khai 750 lính tới Kuwait, sẵn sàng tiếp ứng khi gặp chuyện ở Iraq. Các quan chức Mỹ cũng xác nhận chừng 3.000 lính khác sẽ được điều động trong vòng "vài ngày tới". Theo Hãng tin Reuters, kể từ tháng 5-2019, Mỹ đã triển khai bổ sung khoảng 14.000 binh sĩ tới khu vực Trung Đông.

Trong khi từng vấp phải chỉ trích "bỏ rơi đồng minh" với quyết định rút bớt lính Mỹ khỏi Trung Đông, Tổng thống Trump đã có hành động quay lại bàn cờ này một cách ngoạn mục và chính danh.

Thực tế từ tháng 4-2019, ông Trump đã đi một bước chưa từng có tiền lệ khi liệt Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách khủng bố dưới sự phản đối của Lầu Năm Góc và Cục Tình báo trung ương CIA, theo Telegraph. Tổ chức al-Quds của Soleimani trong khi đó đã bị Mỹ xem là khủng bố từ năm 2007.

Trong đợt không kích giết Soleimani vừa qua, ông Trump được biết đã ra quyết định không thông qua Quốc hội. Trong thời điểm tin tức về cái chết của Soleimani đang được đưa khắp mặt báo, ông Trump đã đăng cờ Mỹ lên mạng xã hội mà không đính kèm chú thích gì.

Qasem Soleimani là ai?

Cái chết của tướng Qasem Soleimani được đánh giá mang một sức nặng ngàn cân, có khả năng gây ra những hệ lụy không thể lường trước đối với khu vực Trung Đông và cả thế giới.

Hồi năm 2018, tướng Joseph Votel - tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm phụ trách chiến dịch quân sự Mỹ ở Trung Đông - giải thích về vai trò của Soleimani như sau: "Ở bất cứ đâu có hoạt động của Iran, anh lại thấy Qasem Soleimani. Syria - hắn ở đó, Yemen - hắn cũng ở đó. Lực lượng Quds do hắn chỉ huy chính là mối đe dọa lớn, chúng là những kẻ đứng sau các hoạt động gây bất ổn (trong khu vực)".

Theo Đài CNN, trong suốt thập niên vừa qua, Iran đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh ủy nhiệm trên khắp Trung Đông, nào là Iraq, Syria, Yemen... Họ cũng kiểm soát phần lớn Libăng thông qua lực lượng ủy nhiệm Hezbollah. Và Soleimani là người chỉ đạo tất cả chiến dịch đó.

Soleimani được xem là người hùng cách mạng ở Iran, Tehran chắc chắn sẽ báo thù. Trong bối cảnh tình hình chính trị - xã hội của nước này cũng đang bất ổn, nhà cầm quyền có thể dùng cái chết của Soleimani để hành động.

PHÚC LONG

Trung Đông sau khi 'hộp Pandora' được mở Trung Đông sau khi "hộp Pandora" được mở

TTCT - Sau hai tuần cù cưa, Tổng thống Ai Cập Mubarak cũng phải ra đi, bốn tuần sau ông Ali ở Tunisia. TTCT tuần trước đã so sánh bài diễn văn ngày 13-1 ở Doha của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với việc cái “hộp Pandora” được mở ra. Thứ năm tuần trước, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ James Steinberg cũng đã nhắc đến bài diễn văn ấy trong một cuộc họp với tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp