25/11/2020 08:22 GMT+7

Ông Trump mạnh tay hơn với Trung Quốc, gây khó xử cho người kế nhiệm?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Bắc Kinh đã cố gắng giữ thái độ trung lập trong cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, khi chiến thắng dành cho ông Biden trở nên rõ ràng hơn, báo chí chính thống Trung Quốc đã không giấu được sự hứng khởi. Điều này có thể khiến ông Trump giận dữ.

Ông Trump mạnh tay hơn với Trung Quốc, gây khó xử cho người kế nhiệm? - Ảnh 1.

Tờ Foreign Policy cảnh báo Bắc Kinh nên chuẩn bị sẵn tâm thế trở thành nơi trút giận của Tổng thống Trump - Ảnh: REUTERS

Giống như giai đoạn trước một cơn bão lớn, trời thường quang đãng và trong xanh, quan hệ Mỹ - Trung vừa trải qua một giai đoạn tạm yên ắng ngắn ngủi sau hơn 3 năm chứng kiến cuộc va chạm nảy lửa.

Tuy nhiên, đã có các dấu hiệu cho thấy căng thẳng sắp quay trở lại. Chuyến thăm "nửa công khai nửa bí mật" của chuẩn đô đốc Mỹ, ông Michael Studeman, tới Đài Loan hồi cuối tuần trước được ví như pháo sáng báo hiệu một trận cuồng phong mới sắp sửa đổ bộ.

Đi Đài Loan, tiếp Tây Tạng

Chuyến đi của tướng Studeman diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Trump tiếp Lobsang Sangay, người đứng đầu chính quyền lưu vong Tây Tạng, ngay tại Nhà Trắng. Những người Tây Tạng lưu vong xem cuộc gặp gỡ như "kỳ tích lịch sử", đánh dấu lần đầu tiên trong 6 thập niên một tổng thống Mỹ tiếp lãnh đạo của họ.

Cũng giống như Đài Loan, Trung Quốc không thừa nhận bất kỳ chính quyền lưu vong nào của Tây Tạng và tuyên bố đây là "một khu tự trị" của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Quay lại chuyến thăm của tướng Studeman, cả Washington và Đài Bắc đều kín tiếng về chuyến đi. Song việc để lộ hình ảnh chuyên cơ tại Đài Loan cho thấy chính quyền vùng lãnh thổ này muốn thông báo với ai đó về sự việc. Cơ quan ngoại giao Đài Loan sau đó xác nhận một quan chức Mỹ đang tới thăm hòn đảo này nhưng không nói rõ danh tính vị khách.

Ông Drew Thompson, một cựu quan chức quốc phòng Mỹ chuyên phụ trách các quan hệ với Đài Loan - Trung Quốc, nhận định việc để lộ chuyến thăm của ông Studeman "là rất bất thường và chưa có tiền lệ". Việc cử một tướng tình báo 2 sao tới Đài Loan, theo cựu quan chức Mỹ, có thể là một cách để chính quyền Trump tạo ra sức ép đối ngoại cho người kế nhiệm.

Nói cách khác, chọc giận Trung Quốc bằng các vấn đề Đài Loan và Tây Tạng có thể tạo ra những trắc trở cho đội ngũ đối ngoại của ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ tuyên bố là tổng thống đắc cử và sẽ nhậm chức vào tháng 1 năm sau.

Tờ Foreign Policy còn đi xa hơn khi cho rằng nếu ông Trump chính thức thua cuộc, ông sẽ không ngừng đổ thừa tại Trung Quốc mà ông thất cử. Mọi thành tựu kinh tế mà ông dày công tạo dựng trong gần 4 năm bỗng chốc hóa thành dã tràng xe cát vì đại dịch COVID-19 khởi phát đầu tiên từ Trung Quốc.

Khởi động một cuộc điều tra nghi án Bắc Kinh can thiệp bầu cử Mỹ, tương tự như cách tổng thống Barack Obama đã làm năm 2016, là có khả năng dù thiếu bằng chứng, theo cây bút James Palmer của Foreign Policy.

Ông Trump mạnh tay hơn với Trung Quốc, gây khó xử cho người kế nhiệm? - Ảnh 2.

Ông Joe Biden, thời điểm là phó tổng thống Mỹ, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh năm 2013 - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc "ngậm bồ hòn làm ngọt"?

Theo Hãng tin Reuters, chính quyền Trump đang tiến gần hơn tới việc cấm 89 công ty Trung Quốc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau với cáo buộc có dính líu quân đội Trung Quốc. Một khi bị đưa vào danh sách này, các công ty Trung Quốc sẽ không thể tiếp cận và mua hàng hóa, công nghệ từ Mỹ.

Có thể kể ra những cái tên đáng chú ý như COMAC, công ty đặt tham vọng sản xuất máy bay chở khách thương mại cạnh tranh với Boeing của Mỹ, Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc và 10 công ty con.

Hôm 13-11, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh cấm công ty và người dân Mỹ đầu tư vào 31 công ty bị cáo buộc liên quan quân đội Trung Quốc. Huawei, Hikvision nằm trong số những công ty bị điểm mặt.

Các học giả Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh bình tĩnh, tránh đáp trả trực diện chính quyền Trump trong thời gian này. 

Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh và là cố vấn của Chính phủ Trung Quốc, cho rằng các cuộc trả đũa kiểu "ăn miếng trả miếng" với Mỹ trong lúc này là không cần thiết. 

Đồng quan điểm, học giả Zhu Feng ở Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cũng kêu gọi lãnh đạo Bắc Kinh nên kiên nhẫn và tránh phản ứng thái quá, tạo cớ để Mỹ lấn tới.

Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ cuối: Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ cuối: 'Mối đe dọa chiến lược' Trung Quốc

TTO - Trong đối thoại chiến lược Mỹ - Trung năm 2009, tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng: 'Chúng ta không thể dự đoán chắc chắn tương lai sẽ như thế nào, nhưng chúng ta biết điều này: Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định hình thế kỷ 21'.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp