Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tự tin trong buổi thị sát tổ hợp công nghiệp sản xuất xe tải Sungri Motor. Ảnh công bố ngày 21-11 - Ảnh: REUTERS
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định các lệnh trừng phạt không thể khuất phục người dân nước này, mà trái lại, càng thôi thúc họ mạnh mẽ hơn trong sự nghiệp phát triển đất nước của mình.
Ngày 21-11, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông Kim phát biểu trong một chuyến thị sát tổ hợp công nghiệp sản xuất xe tải Sungri Motor ở Dokchon, thuộc tỉnh Pyongan ở miền Nam, và như mọi khi không nói rõ thời điểm xảy ra vụ việc.
Hãng thông tấn KCNA đưa ra thông tin về nhận định trên của nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ ít giờ sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Bình Nhưỡng vào danh sách các nhà nước tài trợ cho khủng bố - một động thái nhằm siết chặt trừng phạt.
Đây là động thái mới nhất trong số một loạt biện pháp của Washington nhằm gây "sức ép tối đa" hướng đến mục đích kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Nó cho thấy ngoài những lời lẽ đe dọa đầy cứng rắn của chính quyền ông Trump, Washington từng bước thực thi các biện pháp cụ thể khá quyết liệt.
Như vậy trong danh sách các nước "bảo trợ khủng bố" của Mỹ, ngoài Triều Tiên đã có Iran, Sudan và Syria. Các nước này sẽ bị áp đặt các quy định nghiêm ngặt về hoạt động tài trợ nước ngoài của Mỹ, cấm hoạt động mua bán và xuất khẩu liên quan đến quốc phòng cũng như các biện pháp trừng phạt về tài chính.
Hàn, Nhật, Úc vỗ tay
Động thái của Washington nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo hãng tin Reuters, hôm nay (21-11), Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định quyết định của Mỹ sẽ gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng.
"Tôi hoan nghênh và ủng hộ (quyết định của Mỹ đối với Triều Tiên) bởi điều này giúp gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng", Thủ tướng Abe nêu rõ trước báo giới.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cho biết quyết định của Mỹ liệt Triều Tiên vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố sẽ góp phần cho việc phi hạt nhân hóa quốc gia Đông Bắc Á này bằng phương thức hòa bình.
Bộ trên nhấn mạnh thông báo của Mỹ sẽ không làm thay đổi lập trường chung của hai nước trong nỗ lực đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cũng nhanh chóng lên tiếng ủng hộ quyết định của chính quyền Donald Trump.
Thủ tướng Úc khẳng định quyết định trên "phản ánh quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc đưa Triều Tiên trở lại con đường đúng đắn".
Cảnh sát giao thông ở thủ đô Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP
Vào năm 1987, Triều Tiên bị đưa vào danh sách "quốc gia tài trợ khủng bố" của Mỹ sau khi bị kết tội đánh bom một chuyến bay của hang Korean Air của Hàn Quốc làm thiệt mạng 115 hành khách.
Nhưng đến năm 2008, chính quyền Tổng thống George W. Bush đã rút tên Triều Tiên ra khỏi danh sách đen để đổi lấy khả năng tiến hành các cuộc đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo Reuters, các chuyên gia cho rằng quyết định này chỉ mang tính biểu tượng vì đến nay chính quyền Bình Nhưỡng đã bị Washington trừng phạt rất nặng rồi.
Hôm 20-11, ông Moon Chung In - cố vấn an ninh đặc biệt của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, cũng thừa nhận với các nhà báo rằng quyết định của Tổng thống Trump "mang tính biểu tượng hơn là thực chất".
Đặc phái viên Trung Quốc sang Bình Nhưỡng làm gì?
Hôm 20-11, nhiều hãng thông tấn đưa tin ông Tống Đào, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã từ Bình Nhưỡng về đến Bắc Kinh kết thúc chuyến thăm 4 ngày đến Triều Tiên.
Tân Hoa Xã cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Tống Đào, trong tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai đảng lãnh đạo của Trung Quốc và Triều Tiên đã cam kết tăng cường trao đổi và phối hợp giữa 2 bên, đồng thời thúc đẩy quan hệ song phương. Trong thời gian ở Bình Nhưỡng, ông Tống Đào cũng đã trao đổi "quan điểm (của Trung Quốc) về vấn đề Bán đảo Triều Tiên" với giới chức Triều Tiên.
Tuy nhiên, các kế hoạch chi tiết cho chuyến thăm đều không được công bố và các nguồn tin cũng không biết ông Tống Đào có gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong chuyến thăm này hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận