Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-2 khẳng định hiện có tình trạng "một bộ phận người dân" ở Nam Phi bị đối xử "rất tệ". Do đó, ông sẽ cắt nguồn tài trợ cho quốc gia này cho đến khi mọi chuyện được làm rõ.
Tổng thống Mỹ tuyên bố trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social: "Nam Phi đang tịch thu đất đai và đối xử rất tệ với một vài bộ phận người dân. Mỹ sẽ không chấp nhận điều đó, chúng tôi sẽ hành động.
Ngoài ra, tôi sẽ cắt mọi nguồn tài trợ trong tương lai cho Nam Phi cho đến khi cuộc điều tra đầy đủ về tình hình này được hoàn tất".
Trong cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Trump cũng nói rằng "giới lãnh đạo Nam Phi đang làm một số điều khủng khiếp, những điều kinh khủng".
Vấn đề đất đai ở Nam Phi từ lâu đã gây nhiều tranh cãi và chia rẽ. Những nỗ lực khắc phục tình trạng bất bình đẳng ở đây vẫn thường xuyên vấp phải sự chỉ trích từ những người có xu hướng bảo thủ tại quốc gia này.
Mới đây nhất, ngày 25-1, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ký một dự luật quy định chính phủ có thể "không bồi thường" cho các bất động sản mà họ quyết định tịch thu vì lợi ích công cộng, theo AFP.
Chính phủ Nam Phi nhấn mạnh dự luật không cho phép chính phủ tịch thu tài sản một cách tùy tiện và trước tiên phải tìm cách đạt được thỏa thuận với chủ sở hữu.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn lo ngại chính phủ nước này sẽ tịch thu đất đai của người da trắng mà không bồi thường, như Zimbabwe từng làm sau khi giành được độc lập hồi năm 1980.
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra sau khi ông Ramaphosa khẳng định không lo lắng về quan hệ với chính quyền Mỹ mới vào hôm 22-1.
Khi ấy, ông Ramaphosa cho biết ông đã nói chuyện với ông Trump sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11 và bày tỏ mong muốn được làm việc với chính quyền của ông.
Loạt cố vấn thân cận gốc Nam Phi của ông Trump
Những tuyên bố của ông Trump gây chú ý, khi đồng minh thân cận của ông - tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk - là người gốc Nam Phi.
Ông Musk sinh ra tại thủ đô Pretoria của Nam Phi vào năm 1971, với cha là kỹ sư và mẹ là người mẫu gốc Canada. Ông Musk rời Nam Phi khi ông 17 tuổi để theo học tại ĐH Queens ở Canada, trước khi đến Mỹ 2 năm sau đó.
Không chỉ có tỉ phú Musk, nhiều nhân vật quan trọng khác bên cạnh ông Trump cũng có xuất thân từ Nam Phi. Tiêu biểu trong đó là ông David Sacks - người được ông Trump chọn làm cố vấn trí tuệ nhân tạo và tiền điện tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận