25/01/2018 15:54 GMT+7

Ông Trump đem 'Nước Mỹ trên hết' tới diễn đàn toàn cầu hóa

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Lần đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ, một Tổng thống Mỹ sẽ xuất hiện tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos. Nhưng đó không phải là một Tổng thống ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa. Đó là Donald Trump.

Ông Trump đem Nước Mỹ trên hết tới diễn đàn toàn cầu hóa - Ảnh 1.

Tổng thống Trump lên máy bay sang Thụy Sĩ ngay trong đêm - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Trump đã bay suốt đêm 24-1 từ Washington đến Thụy Sĩ, nơi ông sẽ dành 2 ngày cho bài phát biểu quan trọng tại WEF Davos và những cuộc gặp bên lề.

Thị trấn Davos, vùng đất đầy tuyết và cao nhất châu Âu, lại đang nóng hầm hập. Ông Trump, người chưa bao giờ được mời đến diễn đàn Davos với tư cách doanh nhân, sẽ tham dự diễn đàn năm nay, với tư cách là tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ năm 2000. 

Bằng cách xuất hiện tại Davos và cử hơn một tá quan chức đầu ngành, tổng thống Trump cho thấy ông không ngán những cái đầu nóng mang tư tưởng toàn cầu hóa đang chờ ông tại WEF.

Trung Quốc là "trùm bảo hộ thương mại"

Cuộc khẩu chiến tại Davos đã được khai mào bởi các bộ trưởng Mỹ. Tư lệnh ngành Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 24-1 chỉ thẳng mặt Trung Quốc, nói Bắc Kinh chứ không phải Mỹ mới là tay bảo hộ thương mại ghê gớm nhất thế giới.

"Trung Quốc luôn nói về thương mại tự do nhưng các biện pháp bảo hộ thương mại nặng nề của họ còn ghê hơn vậy", báo The Australian dẫn lời ông Ross.

Không chỉ nhắm vào Bắc Kinh, ông Ross còn cáo buộc Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã sử dụng bài phát biểu tại WEF để gây áp lực đối với Mỹ tại vòng tái đàm phán thứ 6 Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). 

Lời cáo buộc được đưa sau khi Thủ tướng Trudeau ngày 23-1 có bài phát biểu tại WEF, khẳng định Canada là một phần của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với 10 quốc gia khác. Bên cạnh đó, Canada cũng đang rất nỗ lực đàm phán lại NAFTA để có được một phiên bản tốt nhất cho tất cả các bên. 

Ông Trump đem Nước Mỹ trên hết tới diễn đàn toàn cầu hóa - Ảnh 2.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross không ngại chỉ trích cả Liên minh châu Âu và Trung Quốc ngay tại Diễn đàn Davos, cáo buộc họ đang hưởng lợi từ thương mại bất công bằng với Mỹ - Ảnh: REUTERS

Châu Âu lo lắng

Nỗi lo sợ đang phủ khắp các thủ đô ở châu Âu, rằng 2018 sẽ trở thành năm tổng thống Trump thúc đẩy quyết liệt bảo hộ thương mại và chương trình nghị sự thực dụng của ông.

Các trợ lý của tổng thống Trump tại Nhà Trắng nói thông điệp của ông sẽ không có bất kỳ sự khác biệt nào so với những gì đã được đưa ra trong các chuyến công du năm ngoái. Nước Mỹ muốn xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với các nước nhưng không muốn trở thành nạn nhân của thương mại không công bằng.

Tổng thống Trump, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1-2017, đã cho thấy ông là con người luôn đòi hỏi sự công bằng trong tất cả các vấn đề. Giương cao ngọn cờ "Nước Mỹ trên hết", nhà lãnh đạo Mỹ không ngần ngại rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Gần như mỗi chuyến công du của ông đều đem về các hợp đồng hàng trăm tỷ USD, điều mà ông cho là các nước nên làm để giảm thâm hụt thương mại.

Những động thái của chính quyền Trump làm dấy lên lo ngại nước Mỹ đang trở về thời kỳ bảo hộ thương mại.

"Nước Mỹ trên hết không phải là nước Mỹ cô độc", cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn - người đang tháp tùng ông Trump, nói với hãng tin Reuters ngày 24-1. "Khi chúng tôi phát triển, thế giới phát triển. Khi thế giới vươn lên, chúng tôi vươn lên. Nước Mỹ là một phần của thế giới, của nền kinh tế toàn cầu và tổng thống Trump tin vào điều đó".

Thực tế, trước khi lên máy bay sang Thụy Sĩ, tổng thống Trump đã tăng 30% thuế áp lên các tấm pin mặt trời nhập khẩu. Đó chỉ là một phần trong các biện pháp hạn chế thương mại đơn phương được áp đặt bởi chính quyền Trump trong thời gian qua.

Hôm 24-1, Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói ông không ngại chuyện đồng USD suy yếu - hậu quả của nỗi sợ xuất phát từ các chính sách bảo hộ thương mại dưới thời ông Trump. Tư lệnh ngành tài chính Mỹ thậm chí nói đồng USD yếu hơn nữa cũng không thành vấn đề.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình RTS, nói chính ông đã thuyết phục người đồng cấp Mỹ tham dự WEF ở Davos. "Tôi nghĩ đó là cơ hội tốt để tổng thống Trump giải thích chiến lược của ông ấy cho người Mỹ và cả thế giới ở Davos hiểu", Tổng thống Macron tuyên bố.

Là giải thích hay bảo vệ và thuyết phục, giới phân tích đang nghiêng về vế sau, sau những gì ông Trump thể hiện tại APEC 2017 ở Việt Nam.

Ông Trump sẽ đấu với nhóm 1% - những người nắm giữ phần lớn tài sản của thế giới tại Davos như thế nào? Hãy chờ bài phát biểu vào ngày mai.

Tổng thống Trump dự kiến sẽ có một loạt cuộc gặp bên lề với lãnh đạo Anh Theresa May, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Rwanda Paul Kagame - nước đang giữ ghế chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp