Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters
Chính quyền Tổng thống Trump ngày 5-12 (giờ Mỹ) đã thông báo chưa có quyết định cuối cùng về việc dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem.
Như vậy, ông Trump coi như đã trễ thời hạn thông báo về vấn đề này so với sắc lệnh mà ông ký ngày 1-6 vừa qua, qua đó sẽ tạm giữ nguyên hiện trạng của Đại sứ quán Mỹ ít nhất trong 6 tháng.
Trong tuyên bố ngày 4-12, người phát ngôn Nhà Trắng nói rằng "sẽ không có hành động nào được đưa ra trong hôm nay. Chúng tôi sẽ thông báo quyết định về chuyện này trong vài ngày tới".
Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật gọi vắn tắt là Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem 1995. Nó cung cấp các điều khoản cho phép Mỹ dời Đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem, nhưng từ đó đến nay các đời tổng thống Bill Clinton, George W. Bush hay Barack Obama đều không thực hiện.
Nếu ông Trump chính thức dời đại sứ quán theo lời hứa lúc tranh cử, đây sẽ là hành động đi ngược lại với chính sách kéo dài hàng thập kỷ qua của Mỹ trong việc không đưa ra lập trường về số phận của Jerusalem.
Thành phố cổ Jerusalem này là khu vực "thánh địa" và đang chất chứa mâu thuẫn cốt lõi giữa Israel và Palestine. Trong đó điển hình là việc người Do Thái Israel gọi ngọn đồi linh thiêng ở Jerusalem là Temple Mount (Núi Đền), trong khi người đạo Hồi gọi đó là Haram al-Sharif, nơi nhà tiên tri Muhammad lên thiên đàng trong hành trình đến Jerusalem, và là địa điểm linh thiêng thứ ba của họ sau Mecca và Medina.
Một khi ông Trump dời đại sứ quán tới Jerusalem, đồng nghĩa ông sẽ kích hoạt sự phản ứng dữ dội của Palestine và thậm chí cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới. Và thêm nữa, nó có thể khiến nỗ lực hòa bình Israel – Palestine vỡ vụn.
Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tel Aviv (Israel) - Ảnh: AFP
Theo thông tin một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Reuters tuần trước, ông Trump có thể sẽ công bố quyết định về Jerusalem vào thứ tư tuần này (ngày 6-12).
Hai nguồn tin khác nói rằng quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã bị Cục Cận Đông (NEA) của Bộ Ngoại giao phản đối. NEA là cơ quan phụ trách đối ngoại của Mỹ ở khu vực này.
Các lãnh đạo và quan chức quốc tế cũng bày tỏ sự lo ngại về quyết định của ông Trump suốt hai ngày kể từ thời điểm hé lộ quyết định hồi tuần trước.
Hoàng tử Khalid bin Salman, đại sứ của Saudi Arabia ở Mỹ, cảnh báo rằng bất kỳ tuyên bố nào của Mỹ về tình trạng Jerusalem cũng sẽ gây tác động bất lợi cho tiến trình hòa bình, đồng thời tạo ra căng thẳng leo thang trong khu vực.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với ông Trump hôm 4-12, trong đó "bày tỏ quan ngại về khả năng Mỹ đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô Israel", theo tin từ văn phòng của ông Macron.
Hiện nay, tất cả đại sứ quán ở Israel đều được đặt tại thủ đô Tel Aviv trong khi các lãnh sự quán thì đặt ở Jerusalem.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận