26/05/2017 15:51 GMT+7

Ông Trump đã làm được gì ở hội nghị NATO?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Theo chương trình hành động hội nghị cấp cao NATO mới thông qua hôm 25-5, NATO sẽ tham gia liên minh chống IS và các nước sẽ lập kế hoạch năm về đóng góp cho NATO.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại trụ sở NATO hôm 25-5. Bên cạnh là Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại trụ sở NATO hôm 25-5. Bên cạnh là Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO đã kết thúc hội nghị tại trụ sở mới của NATO tại Brussels (Bỉ) hôm 25-5 theo giờ địa phương. Theo thông báo của NATO, hai vấn đề lớn đã được quyết định là tăng cường đấu tranh chống khủng bố và cân đối lại gánh nặng chi tiêu quân sự của các nước thành viên.

Chỉ điều phối, không trực tiếp tham chiến

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo rằng NATO đã nhất trí chương trình hành động chống khủng bố gồm các điểm chính như sau:

- Tăng cường hoạt động chống khủng bố của NATO ở Afghanistan.

- Tham gia toàn diện vào liên minh quốc tế chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ đứng đầu với tư cách thành viên đặc biệt, tuy nhiên NATO không tham gia chiến đấu.

- Thành lập một tổ tình báo về khủng bố để tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước thành viên, đặc biệt là thông tin về các phần tử khủng bố nước ngoài.

- Chỉ định một quan chức cấp cao NATO phụ trách vai trò điều phối viên giám sát thực hiện chương trình hành động.

Liên quan đến vấn đề tăng ngân sách quốc phòng theo cam kết năm 2014, ông Stoltenberg cho biết các nước thành viên NATO đều nhận thức được vấn đề và cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa.

NATO đã quyết định mỗi nước thành viên sẽ lập một kế hoạch quốc gia thường niên mô tả quá trình tôn trọng cam kết đầu tư quốc phòng.

Kế hoạch sẽ tập trung ba phần: Tài chính, năng lực và phần đóng góp. Báo cáo đầu tiên về các kế hoạch quốc gia sẽ được chốt lại vào tháng 12-2017.

Ông Stoltenberg thông báo hội nghị cấp cao NATO lần tới sẽ được tổ chức vào năm 2018 nhưng chưa rõ địa điểm và thời gian. Hội nghị NATO lần này đã quyết định kết nạp Montenegro là nước thành viên thứ 29 kể từ ngày 5-6.

Trước đây Pháp và Ý phản đối NATO gia nhập liên minh chống IS vì lo ngại NATO mất hình ảnh đối với thế giới Ả rập. Bởi thế ông Stoltenberg đã cam kết NATO sẽ không tham gia các chiến dịch quân sự ở Iraq và Syria mà chỉ tăng cường yểm trợ cho liên minh chống IS bằng cách tăng giờ bay của các máy bay chỉ huy cảnh báo sớm AWACS đang hoạt động trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ vẫn cần NATO

Trong lúc tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã đánh giá NATO là “già cỗi”, “lỗi thời”, hoạt động không hiệu quả nhưng lại ngốn quá nhiều tiền. Ông Trump cho rằng NATO không đóng góp cân xứng cho cuộc chiến chống khủng bố, do đó Mỹ có thể phải rút quân đội khỏi châu Âu.

Năm 2014, 26 nước thành viên NATO cam kết chi 2% GDP đóng góp cho NATO. Rốt cuộc chỉ có 5 nước giữ cam kết. Mỹ phải gánh đến 72% ngân sách NATO.

Đến tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump đã thay đổi quan điểm, đánh giá NATO là “thành trì bảo vệ hòa bình thế giới”. Ông vẫn mong muốn các nước châu Âu trong NATO cùng tham gia chia sẻ ngân sách quốc phòng trong NATO vì ông cho rằng lâu nay châu Âu sống khỏe dưới sự bảo vệ về quân sự của Mỹ, vì vậy đã tiết kiệm được ngân sách quốc phòng.

Tuy nhiên, phát biểu tại lễ khánh thành trụ sở mới của NATO tại Brussels hôm 25-5, trái với mong đợi của các nước thành viên, ông Trump vẫn không phát biểu minh định Mỹ sẽ tôn trọng điều 5 hiệp ước NATO.

Điều 5 quy định bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên NATO đều được xem như tấn công vào NATO.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trò chuyện với thủ tướng Anh Theresa May tại trụ sở NATO ở Brussels ngày 25-5 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trò chuyện với thủ tướng Anh Theresa May tại trụ sở NATO ở Brussels ngày 25-5 - Ảnh: Reuters

Cho đến thập niên 1990, NATO chỉ lo đối phó với Liên Xô cũ. Vai trò của NATO chỉ mang tính chất phòng thủ và răn đe nhằm duy trì hòa bình ở châu Âu.

Chiến tranh lạnh kết thúc, kẻ thù chính không còn, NATO bắt đầu tiến hành các chiến dịch quân sự đầu tiên ở Nam Tư.

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, NATO bắt đầu tham gia đấu tranh chống khủng bố như can thiệp vào Afghanistan từ năm 2001 và bây giờ là gia nhập liên minh chống IS. Ngoài ra NATO vẫn tiếp tục ngăn chặn thế lực Nga bằng cách xây dựng lá chắn ở Đông Âu.

Sau hội nghị NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã phải trấn an rằng Tổng thống Trump luôn nêu rõ cam kết của ông với NATO.

Ông nhấn mạnh: “Ngoài lời nói còn có hành động từ Mỹ. Tuần này ông Trump đã trình đề xuất ngân sách dự kiến tăng 40% sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu”.

Chuyên gia Guillaume Lasconjarias ở Trường Quân sự NATO (Ý) đánh giá nếu phân tích chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thấy NATO vẫn còn cần thiết với Mỹ và Mỹ chắc chắn sẽ không rời bỏ NATO bởi NATO là nền tảng cho an ninh Mỹ trong 60 năm qua. Các lực lượng của Mỹ đã đóng góp quyết định cho lực lượng NATO ở Đông Âu.

Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1, chuẩn đô đốc Jean-Louis Vichot đánh giá từ hơn một năm nay, Mỹ đã thúc ép NATO tham gia liên minh với tư cách thành viên đặc biệt.

Hiện giờ NATO đã thay đổi quan điểm, quyết định tham gia liên minh quốc tế chống IS là tác động nhân quả từ vụ đánh bom ở Manchester.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp