26/08/2019 08:59 GMT+7

Ông Trump cứng với Trung Quốc vì đã có Nhật, Anh?

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa ban bố “tình trạng khẩn cấp” để thương chiến với Trung Quốc sau khi bày tỏ lạc quan về việc Mỹ sẽ sớm đạt những “thỏa thuận thương mại lớn” với Anh và Nhật Bản.

Ông Trump cứng với Trung Quốc vì đã có Nhật, Anh? - Ảnh 1.

Lãnh đạo các nước G7 cùng chủ tịch Hội đồng châu Âu trong cuộc họp tại Biarritz ngày 25-8 - Ảnh: Reuters

Trong cuộc trả lời báo chí ngày 25-8 tại Pháp, theo Đài CNBC, Tổng thống Trump tuyên bố có thể ban bố tình trạng khẩn cấp nếu muốn trước tình trạng gia tăng căng thẳng trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Có vẻ như sân chơi ở Biarritz (Pháp) lần này là dành riêng cho nhà lãnh đạo Mỹ. Những vấn đề quá lớn liên quan Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) như chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Anh sắp rời Liên minh châu Âu (EU), đe dọa áp thuế đáp trả của Mỹ đối với Pháp, căng thẳng với Iran... đã khiến các lãnh đạo lo lắng và chờ nghe những tuyên bố chính thức của ông Trump.

Vẫn lập luận gần đây về việc Bắc Kinh "ăn cắp 300 đến 500 tỉ USD hằng năm ở khắp nơi liên quan ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ", ông Trump khẳng định có thể ban bố tình trạng khẩn cấp bởi nước Mỹ "đã bị thiệt hại gần cả ngàn tỉ USD mỗi năm trong nhiều năm qua".

Và vẫn như cách tung hứng quen thuộc, nhà lãnh đạo Mỹ lại nói ông "chưa có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp vào lúc này" bởi "đang thảo luận tốt với Trung Quốc", bởi "Trung Quốc muốn thương thảo (để đạt thỏa thuận) nhiều hơn Mỹ".

Tiếp tục trấn an những người cho rằng bước đi cứng rắn của ông với Trung Quốc có thể gây tổn hại cho kinh tế Mỹ, và tất nhiên là người dân Mỹ, ông Trump cam đoan cách làm của ông về chuyện áp thuế tăng cao lên hàng hóa Trung Quốc sẽ đem về hàng tỉ USD cho nước Mỹ. 

"Chúng ta chưa từng lấy được xu nào từ Trung Quốc thì sắp tới chúng ta sẽ thấy điều đó" - ông nói.

Như để khẳng định thêm về cách làm ăn miếng trả miếng đầy mạnh mẽ của mình trước đối thủ Trung Quốc, ông Trump trước các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 đã khẳng định Mỹ sắp đạt được các thỏa thuận thương mại quan trọng với Anh và Nhật.

Thực tế thì trọng tâm của cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Anh - Mỹ kể từ khi Thủ tướng Johnson nhậm chức hồi tháng trước là một thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ mới sau khi Anh rời EU. 

Hai nhà lãnh đạo dường như đều lạc quan về các cơ hội thành công. Thủ tướng Anh cam kết "chúng ta sẽ có một thỏa thuận tuyệt vời khi hai bên dỡ bỏ được các rào cản trên đường đi". Về phần mình, ông Trump lạc quan về triển vọng hai nước đạt được một thỏa thuận thương mại lớn mà ông tin là "lớn hơn mọi thỏa thuận từng ký".

Cũng trong cuộc họp báo ở Biarritz, ông Trump cho biết Mỹ và Nhật Bản đang "ở rất gần" tới một thỏa thuận thương mại song phương lớn. Ông cho biết hai bên đã "nỗ lực vì điều này trong suốt 5 tháng qua. Đây sẽ là một thỏa thuận rất lớn, một trong những thỏa thuận lớn nhất mà chúng tôi từng ký với Nhật Bản".

Nếu hiểu theo một cách nào đó, ông Trump muốn nhắn nhủ rằng nếu không làm ăn được với Trung Quốc nữa thì vẫn có hai đối tác lớn là Anh và Nhật.

Nhưng cần thấy rằng với cách giải quyết vấn đề đầy kinh nghiệm của một người làm ăn lớn, tổng thống Mỹ lại cũng hé lộ rằng ông là người "luôn nghĩ lại về mọi chuyện". Mà ông đã làm rồi đấy: sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Apple thì ông điều chỉnh cách áp thuế lên hàng Trung Quốc.

'Ông Trump chỉ hối hận là đã không đưa ra mức thuế cao hơn với Trung Quốc'

TTO - Vài giờ sau khi ông Trump gợi ý có thể ngừng đưa ra các đề xuất đẩy cao căng thẳng thương mại mới, Nhà Trắng có tuyên bố ngược lại khi nói rằng thực ra, ông Trump chỉ hối hận là đã không đưa ra mức thuế cao hơn.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp