Tổng thống Trump phát biểu tại Lầu Năm Góc rạng sáng 18-1 - Ảnh: REUTERS
"Mục đích cuối cùng của chúng ta rất đơn giản: Bảo đảm rằng chúng ta có thể phát hiện và tiêu diệt bất kỳ tên lửa nào nhắm vào nước Mỹ mọi lúc mọi nơi" - ông Trump nhấn mạnh tại Lầu Năm Góc rạng sáng 18-1 (giờ Việt Nam).
"Thông điệp dành cho các đối thủ của Mỹ đây: chúng tôi thấy những gì quý vị đang làm và chúng tôi sẽ hành động! Mỹ sẽ điều chỉnh lực lượng để phòng thủ trước mọi cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình hay siêu thanh" - Tổng thống Trump tuyên bố.
Hồi tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố một tên lửa siêu thanh mới có thể bay với tốc độ khoảng 33.000km mỗi giờ và tuyên bố không thể đánh chặn.
Bay ở độ cao thấp và tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, tên lửa siêu thanh có thể thay đổi hướng đi và không tuân theo vòng cung đạn đạo, do đó khó theo dõi hơn và hiện không thể bị đánh chặn.
Các quan chức quốc phòng Mỹ đánh giá hệ thống phòng thủ tên lửa như hiện nay của Mỹ là quá mỏng để chống lại một cuộc tổng tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ chính của Mỹ. Washington đang dựa dẫm quá nhiều vào khả năng răn đe hạt nhân, với niềm tin rằng chúng sẽ khiến những nước muốn tấn công Mỹ phải chùn tay.
Trong khi ông Trump tiếp tục chỉ trích chương trình tên lửa đạn đạo của Iran trong bài phát biểu, ông đã không đề cập đến Nga hay Triều Tiên.
Song quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã gọi Bình Nhưỡng là "mối quan ngại đáng kể" trong bài phát biểu mở màn.
Báo cáo Đánh giá phòng thủ tên lửa Mỹ được công bố trong sự kiện cũng nhấn mạnh nước Mỹ phải cảnh giác trước "các mối đe dọa bất thường" từ Triều Tiên.
Mỹ đang nghiên cứu một loại tên lửa mới có thể được trang bị cho F-35 để bắn hạ tên lửa đạn đạo của kẻ thù ngay trong giai đoạn đầu được bắn đi - Ảnh: REUTERS
Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) - đơn vị xây dựng báo cáo - cho biết đang nghiên cứu chế tạo các cảm biến không gian mới nhằm phát hiện tên lửa đối phương ngay khi chúng rời bệ phóng.
Quan trọng nhất trong thời gian tới Mỹ sẽ phát triển một loại tên lửa mới có thể bắn hạ tên lửa của đối phương trong lúc chúng đang lấy độ cao. Các hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ hiện nay đang được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo của kẻ thù khi chúng đang ở giai đoạn giữa của hành trình bay - tức ở ngoài không gian.
Điều này vẫn đặt ra nguy cơ lớn cho lãnh thổ Mỹ bởi nó sẽ khiến quân đội Mỹ phải tốn nhiều tên lửa để đánh chặn cùng lúc nhiều đầu đạn giả lẫn giữa đầu đạn thật.
"Đánh chặn tên lửa tấn công trong giai đoạn lấy độ cao của chúng sẽ tăng khả năng thành công trong việc bắn hạ chúng" - MDA khẳng định.
Ngay sau bài phát biểu ngày 18-1 của ông Trump, một nhà lập pháp cấp cao của Nga, ông Viktor Bondarev, đã lên tiếng cho rằng chiến lược mới của Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng toàn cầu, theo Hãng tin Interfax.
Báo cáo được trông đợi và trải qua vài lần tạm hoãn lại được công bố đúng vào một thời điểm nhạy cảm cho ông Trump, theo Hãng tin Reuters.
Năm 2017, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang vì chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng, Tổng thống Trump đã ra lệnh đánh giá lại năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Nhưng tình hình trong năm 2019 đã khác đi nhiều. Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol hiện đang ở Mỹ và dự kiến sẽ có cuộc gặp với cả ông Trump để quyết địa điểm và thời gian cho cuộc gặp lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận