Một người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tham gia cuộc biểu tình ủng hộ ông tại Phoenix, bang Arizona ngày 12-11 - Ảnh: Reuters
Đó là thẩm phán bang Pennsylvania ra phán quyết yêu cầu các quan chức bầu cử không được kiểm đếm số phiếu của những cử tri có thông tin xác thực nhân thân gửi tới sau ngày 9-11.
Nhóm của Tổng thống Trump đang thúc đẩy các nỗ lực pháp lý phản đối kết quả bầu cử tại các "bang chiến trường" trọng yếu, tìm cách hủy bỏ hơn 10.000 phiếu tại thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania) và yêu cầu thẩm phán bang Arizona ngăn chặn việc xác thực kết quả kiểm phiếu.
"Chiến thắng biểu tượng"
Tuy nhiên theo báo Wall Street Journal (được xem có quan điểm khá trung lập), chiến thắng ở Pennsylvania phần nhiều mang tính biểu tượng là vì phán quyết vừa nêu trên thực tế chỉ ảnh hưởng đến một lượng phiếu nhỏ gồm các phiếu bầu vắng mặt và phiếu bầu qua thư.
Quy mô số phiếu được tòa cho là không hợp lệ này chưa đủ để lật ngược thế dẫn trước hiện nay khoảng 53.000 phiếu của ông Joe Biden tại Pennsylvania. Theo Đài NBC, cho tới chiều 12-11 vẫn còn 45.000 phiếu đang được kiểm và người ta tin khoảng cách thực sự có thể tăng lên tới 80.000 phiếu hoặc nhiều hơn.
Chiến thắng pháp lý đầu tiên của chiến dịch tranh cử của ông Trump tại Pennsylvania, với phe của ông Trump, có giá trị tinh thần rất lớn. Đây sẽ là sự cổ vũ để phe ông Trump tiếp tục trận chiến pháp lý dự báo còn kéo dài, ở nhiều bang khác nhau và nhiều địa điểm khác nhau. Truyền thông cho biết chiến dịch của ông Trump đã đệ đơn 20 vụ kiện ở các bang chiến trường.
Trong ngày 13-11, thẩm phán bang Pennsylvania sẽ phân xử tiếp đơn kiện của nhóm ông Trump liên quan hơn 8.000 phiếu bầu ở Philadelphia đã có những sai sót nhỏ thuộc về lỗi kỹ thuật kiểu như cử tri quên không đề ngày tháng cạnh chữ ký.
Trong một vụ kiện tương tự, nhóm của ông Trump cũng kháng cáo quyết định của Ủy ban bầu cử khi vẫn kiểm đếm khoảng 2.000 lá phiếu có mắc những lỗi nhỏ tại quận Bucks, bang Pennsylvania. Tòa sẽ phân xử vụ này ngày 17-11. Tuy nhiên, các chuyên gia luật Mỹ cho biết các thẩm phán hiếm khi hủy bỏ phiếu bầu chỉ vì những sai sót hay khiếm khuyết nhỏ như vậy.
Ủy ban bầu cử bang Pennsylvania từ chối bình luận về vấn đề này với truyền thông. Song theo một biên bản ghi lại từ cuộc họp của cơ quan này, họ đã hủy bỏ những phiếu mắc các lỗi như cử tri không ký lên phong bì phiếu bầu.
Theo trang Nbc Philadelphia, hạn chót để chính quyền bang Pennsylvania xác thực kết quả bỏ phiếu cuộc tổng tuyển cử ngày 3-11 là ngày 23-11. Các chuyên gia bầu cử cho rằng các tòa án ở Pennsylvania có thể giải quyết xong xuôi mọi khiếu kiện trước hạn chót 23-11.
Ông Trump cần chứng cứ "bom tấn"
Trong khi đó tại các bang Georgia, Wisconsin và Michigan, một số nhóm cử tri ủng hộ ông Trump đã cử luật sư đại diện cho họ nộp đơn kiện lên tòa liên bang, yêu cầu loại bỏ các quận có rất đông người Dân chủ khỏi kết quả kiểm phiếu cuối cùng. Theo truyền thông Mỹ, ông Joe Biden vượt qua ông Trump tại ba bang Georgia, Michigan và Wisconsin với số phiếu cách biệt lần lượt là 14.000, 146.000 và 20.000.
Tại ba bang Pennsylvania, Michigan và Arizona (nơi ông Biden được truyền thông dự báo đã giành chiến thắng), nhóm của ông Trump cũng đệ đơn yêu cầu thẩm phán bang ngăn chặn việc chính thức xác nhận kết quả bầu cử.
Cho tới thời điểm này, chiến dịch tranh cử của ông Trump vẫn chưa đưa ra được chứng cứ thuyết phục nào cho thấy đã xảy ra một kiểu gian lận bầu cử quy mô lớn. Trong khi đó, giới chuyên gia về luật bầu cử Mỹ cho rằng cần phải có những chứng cứ kiểu "bom tấn" như vậy mới mong làm thay đổi kết quả bầu cử.
Báo New York Times cho biết trong hai ngày 9 và 10-11 đã liên hệ với các quan chức bầu cử cấp cao nhất tại toàn bộ 50 bang của Mỹ để hỏi xem họ có nghi ngờ hay có bằng chứng nào về gian lận bầu cử không. Theo báo này, đã có 45 bang phản hồi trực tiếp với báo, tất cả đều nói không có chứng cứ nào cho thấy đã có sự gian lận hay vi phạm nguyên tắc bầu cử nào tác động tới kết quả bầu cử tổng thống năm nay.
Phó thống đốc bang Texas, ông Dan Patrick, thậm chí còn tuyên bố treo thưởng 1 triệu USD cho những báo cáo gian lận bầu cử có đủ chứng cứ đích đáng.
Con đường chông gai
Bất kể ai là người thắng cử trong đợt bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, 4 năm tới vẫn là một thử thách vô cùng lớn. Đại dịch COVID-19 đã đẩy cả thế giới đi vào tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Sự chia rẽ ở nước Mỹ ngày càng trở thành một thực tiễn sâu sắc gây ảnh hưởng xấu tới xã hội Mỹ.
Bởi thế có thể thấy rõ con đường của tổng thống Mỹ trong 4 năm tới sẽ đầy những chông gai.
Tổng thống Trump thì chúng ta đã biết rõ. Thử phân tích với trường hợp sẽ là ông Joe Biden.
Ông Biden từ lúc ra tranh cử đã nhiều lần lặp lại quan điểm ông sẽ cố gắng làm một tổng thống của toàn dân. Ông mong mọi người cho ông một cơ hội. Ông kêu gọi sự hàn gắn và thống nhất của người dân Mỹ. Ông cho rằng chức vị tổng thống không phải là chuyện của một đảng phái mà là của toàn thể nhân dân.
Nhóm của ông Biden đang ráo riết chuẩn bị lên kế hoạch cho nước Mỹ trong 4 năm tới. Điều đầu tiên ông Biden có nhắc tới là đại dịch COVID-19. Ông cho rằng nếu không có một chiến lược phòng chống dịch đàng hoàng thì nước Mỹ sẽ không bao giờ thoát khỏi đại dịch.
Hiện nay số lượng ca nhiễm mới vẫn tăng với tốc độ chóng mặt. Mỹ vẫn đang là nước đứng đầu thế giới về cả số ca mắc COVID-19 lẫn số người chết vì căn bệnh này.
Cá nhân tôi tin tưởng ông Biden có thể giúp nước Mỹ vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế. Riêng về vấn đề kinh tế, thành công của "cặp bài trùng" Obama - Biden trong việc vực dậy nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới giai đoạn 2008 - 2009 cho thấy ông Biden không hề thiếu kinh nghiệm trong việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong và sau khủng hoảng dịch bệnh, cũng như tăng trưởng kinh tế cho nước Mỹ.
Bùi Anh Tuấn Kiệt (viên chức thuộc Bộ An ninh nội địa tại bang California, Mỹ)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận