Biểu tình chống sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump tại sân bay Regan, bang Virginia ngày 1-2 - Ảnh: AFP |
Đỉnh điểm của sự phản kháng trong nước là việc gần 1.000 viên chức ngoại giao đương nhiệm cùng ký một kháng nghị phản đối sắc lệnh của tổng thống.
Ít nhất đã có 4 bang tuyên bố không chấp hành sắc lệnh này. Thậm chí đã có những động thái nhắm tới việc kiện tổng thống ra Tòa án hiến pháp liên bang!
Còn bên ngoài nước Mỹ, nhiều chính khách hàng đầu như tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, thủ tướng Đức, ngoại trưởng Pháp... cũng lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy tiêu cực khó lường do quyết định của Tổng thống Trump mà dư luận coi đó là “nhắm vào thế giới Hồi giáo”.
Không khoan nhượng
Bất chấp làn sóng phản kháng rộng khắp và dâng cao, Nhà Trắng thể hiện quyết tâm bảo vệ sắc lệnh của tổng thống. Ông Trump lập tức cách chức bộ trưởng tư pháp còn lưu lại từ thời cựu tổng thống Obama, bởi bà này thẳng thắn tuyên bố không chấp hành sắc lệnh của tổng thống mới.
Người đứng đầu Cơ quan Thực thi di trú và hải quan (ICE) cũng lập tức bị thay thế để đảm bảo triển khai nghiêm túc sắc lệnh mới tại các cửa khẩu quốc tế trên toàn nước Mỹ.
Thậm chí đáp lại văn thư phản kháng của gần 1.000 viên chức ngoại giao, Nhà Trắng cảnh báo thẳng thừng với giới ngoại giao Mỹ rằng họ “phải tuân thủ sắc lệnh của tổng thống, hoặc phải ra đi”!
Nhà Trắng cũng vừa chính thức giải thích về sắc lệnh của tổng thống, trong đó nhấn mạnh phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh chỉ nhắm đến 7 quốc gia là Iran, Iraq, Syria, Yemen, Somalia, Sudan và Libya. Trong số này, Iran bị Mỹ và phương Tây coi là “quốc gia bảo trợ khủng bố”.
Còn 6 quốc gia Ả Rập thì cả thế giới đều biết đang chìm trong bất ổn nghiêm trọng bởi nội chiến tương tàn và khủng bố hoành hành.
Nhà Trắng khẳng định sắc lệnh này không nhắm vào “các quốc gia Hồi giáo” và không chống cộng đồng tín đồ đạo Hồi.
Giải thích này có lý, bởi nếu nhắm vào các quốc gia “có người Hồi giáo chiếm đa số” thì còn rất nhiều quốc gia khác nữa, mà hàng đầu phải kể đến là Indonesia, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ai Cập... Thậm chí nếu nhắm số quốc gia đông người Hồi giáo đang bất ổn nghiêm trọng thì còn thiếu ít nhất là Afghanistan.
Nhà Trắng cũng nhấn mạnh tính chất “tạm thời” - chỉ cấm trong 3 tháng để có thời gian điều chỉnh, bổ sung các biện pháp “bảo vệ biên giới” nhằm ngăn chặn các phần tử cực đoan, khủng bố xâm nhập nước Mỹ.
Nhà Trắng cũng đã điều chỉnh kịp thời nội dung đối với những người thuộc 7 quốc gia bị cấm nhưng đã có “thẻ xanh” (green card) được quyền thường trú ở Mỹ.
Với diện này, nếu họ đang ở bên ngoài nước Mỹ mà trở lại nơi thường trú sẽ được xem xét từng trường hợp cụ thể để có thể cho nhập cảnh.
Khả năng tự điều chỉnh
Dư luận rộng rãi không phải không có lý khi cứ xoáy vào điều mà họ cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump về “cấm nhập cảnh” nhằm chống lại thế giới Hồi giáo.
Những luồng công kích này lấy cảm hứng từ các tuyên bố mạnh miệng của ông Trump ở thời gian đầu của chiến dịch vận động tranh cử hồi tháng 10-2016.
Khi ấy, ứng viên tổng thống này đã không ngại coi Hồi giáo là “nguồn gốc của khủng bố” và cũng thẳng thừng cam kết sẽ cấm cửa người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Nhưng có một thực tế khác cần ghi nhận. Đó là ông Donald Trump có khả năng tự điều chỉnh rất nhanh những phát ngôn của chính mình.
Nhiều bằng chứng cho thấy sự điều chỉnh này của bản thân ông Trump nếu so sánh các phát ngôn nảy lửa của chính ông trong những ngày đầu vận động tranh cử, rồi nguội dần khi giáp thời gian bỏ phiếu đầu tháng 11-2016 và có phần chỉn chu hơn sau khi đã ngồi vào ghế tổng thống.
Chả thế mà dường như cả thế giới vẫn chưa thể đánh giá đúng về ông Trump, bởi ông này có vẻ không thể hiện mình là loại người “quân tử nhất ngôn”.
Song nói miệng là một chuyện, sắc lệnh của tổng thống là chuyện khác! Sắc lệnh của Tổng thống Trump mới ban hành về cấm nhập cảnh tạm thời đối với 7 quốc gia Ả Rập - Trung Đông không có chữ “Hồi giáo” nào.
Còn nếu ông Trump thật sự muốn chống Hồi giáo, đó quả là một ý tưởng điên rồ! Ý tưởng ấy vừa phản lại hiến pháp nước Mỹ, vừa đẩy cả nước Mỹ và thế giới vào một cuộc đối đầu tôn giáo vô tiền khoáng hậu, để rồi sẽ chuốc lấy những hậu quả thảm hại nhất cho bản thân ông Donald Trump!
Ăn miếng trả miếng Iran và Iraq là 2 trong số 7 quốc gia bị nêu đích danh trong quyết định của ông Trump đã chính thức lên tiếng phản đối. Iran ra quyết định “trừng phạt tương tự” (al-Qesas - một điều khoản quy định trừng phạt tội phạm trong giáo luật Sharee’a), cấm người Mỹ nhập cảnh vào nước này. Quốc hội Iraq cũng đòi chính phủ “trừng phạt tương tự” đối với công dân Mỹ. Năm quốc gia còn lại trong danh sách và đông đảo các quốc gia Ả Rập - Hồi giáo khác trên thế giới chưa có phản kháng chính thức. Một số bình luận của các cơ quan truyền thông Ả Rập nổi tiếng cũng phân tích bản chất của sắc lệnh do ông Trump ban bố nhằm “chống cực đoan và khủng bố”, bảo vệ an toàn cho nước Mỹ, đúng như khẩu hiệu mà tân tổng thống đã nhấn mạnh nhiều lần: “Nước Mỹ trên hết”! |
UAE ủng hộ ông Trump Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là quan chức cao cấp đầu tiên trong thế giới Ả Rập lên tiếng ủng hộ Tổng thống Donald Trump về sắc lệnh hạn chế nhập cư. Theo Hãng tin AP, ngày 1-2 ông Abdullah bin Zayed Al Nahyan cho rằng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời vào Mỹ áp dụng với các công dân đến từ 7 quốc gia có phần đông dân số theo Hồi giáo không phải là lệnh cấm có ý nhằm vào những người theo đạo Hồi. Ngoại trưởng UAE khẳng định chính quyền Mỹ có quyền hạn để đưa ra sắc lệnh mà ông gọi là “quyết định thuộc về chủ quyền” của họ trong việc kiểm soát nhập cư. Ông Abdullah cũng bày tỏ tin tưởng vào sự khẳng định của chính quyền Mỹ cho rằng sắc lệnh hạn chế nhập cảnh không căn cứ vào tôn giáo, đồng thời lưu ý rằng hầu hết các nước có đa số dân theo đạo Hồi trên thế giới không bị liệt kê trong sắc lệnh này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận