
Cần hiểu đúng liên quan tới mức thuế đối ứng từ Mỹ để tránh hiểu lầm, hoang mang không đáng có - Ảnh: AI/BÌNH KHÁNH
Tình trạng bán tháo chứng khoán diễn ra ở tất cả các nhóm ngành trong phiên 3-4. Vậy cần hiểu rõ hơn về mức thuế này như thế nào để nhà đầu tư tránh hoang mang không đáng có?
Không phải vì Việt Nam áp thuế cao nên nhận lại con số 46%
Ông Nguyễn Quốc Tuyển - trưởng phòng phân tích Chứng khoán TVI, cho biết Mỹ áp dụng hai mức thuế: thuế cơ bản (thuế sàn) và đối ứng (thuế trần).
Với thuế cơ bản, tất cả các quốc gia/các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ đều chịu mức 10%. Còn thuế đối ứng, đây là mức thuế giới hạn cao nhất cho thuế nhập khẩu các quốc gia vào Mỹ (thay thế cho mức thuế cơ bản), được tính toán dựa trên con số thâm hụt thương mại của từng quốc gia với họ.
Theo chuyên gia phân tích, với 46% - đây là mức trần cao nhất có thể Mỹ áp dụng với Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng thay đổi vẫn còn bỏ ngỏ sau đàm phán vì thuế này tới ngày 9-4 mới có hiệu lực.
Vậy tại sao ông Trump lại áp thuế 46% với Việt Nam? Theo danh sách các nước bị áp thuế, bộ phận phân tích Chứng khoán TVI chỉ ra cách đánh thuế của Mỹ dựa trên cơ sở: 1/2 giá trị thâm hụt/kim ngạch xuất khẩu = thuế đối ứng.
Cách tính này lý giải cho hiểu lầm của nhiều nhà đầu tư rằng Việt Nam đang áp thuế hàng Mỹ vào Việt Nam cao, nên bị "đối ứng" lại mức 46%.
Trong buổi họp báo hôm qua, Bộ Tài chính cũng lên tiếng cho biết đang rà soát tổng thể các mặt hàng xuất nhập khẩu, tìm lý do vì sao Mỹ áp thuế hàng hóa của Việt Nam lên tới 46%.
Theo đó, Bộ Tài chính dẫn lại báo cáo gần nhất của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, mức thuế nhập khẩu bình quân của Việt Nam chỉ là 9,4%. Người ta cũng nói rõ phần lớn mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam chịu thuế nhập khẩu 15%, hoặc nhỏ hơn.
Thuế đối ứng của Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc
Ông Vũ Duy Khánh - giám đốc phân tích Chứng khoán Smart Invest, cho biết một số hàng hóa sẽ không phải chịu thuế quan đối ứng theo thông báo từ Mỹ.
Các mặt hàng này bao gồm: các mặt hàng chịu thuế 50 USC 1702 (b); các mặt hàng thép/nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo mục 232; các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ xẻ; tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo mục 232 trong tương lai; vàng thỏi và năng lượng và một số khoáng sản nhất định khác không có sẵn tại Mỹ.
Nhìn chung, nếu xét tương quan thì hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu thuế cao hơn khoảng 10-20% so với đối thủ chính. Do vậy, ông Khánh cho rằng các ngành hàng bị thiệt hại nặng nhất sẽ là đồ điện, điện tử, dệt may, da giày, thủy sản...
Ông Nguyễn Quốc Tuyển cũng chỉ ra một số ngành có thể chịu tác động một cách gián tiếp nếu mức thuế quan mới được áp dụng.
Đơn cử như bất động sản khu công nghiệp trước lo ngại việc thu hút đầu tư vốn ngoại khó khăn và cạnh tranh hơn với các nước trong khu vực.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra một nhầm lẫn tiếp theo là Việt Nam bị áp thuế cao hơn cả Trung Quốc. Bản chất thuế đối ứng của Trung Quốc sẽ cộng dồn với mức thuế trước là 20% (Việt Nam không bị áp) là 54%, cao hơn mức thuế Việt Nam 46%.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều thấy tác động sẽ khó lường khi mà mức thuế đối với các đối thủ cạnh tranh chính lại thấp hơn chúng ta: Bangladesh 37%, Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Pakistan 29%, Ấn Độ 26%, Malaysia 24%, Philippines 17%...
Dù thấp hơn Trung Quốc nhưng mức thuế dự kiến áp cho Việt Nam nằm trong số các nước cao nhất, cùng với Campuchia (49%), Lào (48%), Sri Lanka (44%).
Theo ông Tuyển, Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong thời gian qua nhưng cơ sở tính thâm hụt của Mỹ là năm 2024. Chúng ta sẽ chờ kết quả cuộc đàm phán của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, một số hành động chúng ta đã làm trước đó để thuyết phục Mỹ như tích cực giảm thâm hụt thương mại. Đồng thời giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ như: thuế nhập khẩu LNG giảm từ 5% xuống 2%, ô tô giảm từ 64% xuống 32% và ethanol giảm từ 10% xuống 5%.
Có nên bắt đáy chứng khoán?
Ngay sau phiên giao dịch biến động kỷ lục ngày hôm qua, hầu hết công ty chứng khoán đều dự báo VN-Index hôm nay tiếp tục đi xuống, biên độ dự kiến có thể 40-60 điểm.
Một chuyên gia nói với Tuổi Trẻ, lo ngại nhất là khả năng "call-margin" diện rộng. Trước đó, nhiều lần vị này cảnh báo dư nợ margin/vốn hóa cao kỷ lục có thể gây ra những tiêu cực khi thị trường điều chỉnh sâu. Do vậy, thay vì vội vàng "bắt đáy", nên quan sát thêm để có những chiến lược phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận